PNO - Có được nền tảng âm nhạc dân tộc, họ dễ dàng thành công khi sáng tác nhạc trẻ vì biết kết hợp nhuần nhuyễn hình thức âm nhạc phương Tây hiện đại với sắc thái âm nhạc Việt Nam.
edf40wrjww2tblPage:Content
Có những sự trùng hợp mà khi nhìn lại, người trong giới không khỏi giật mình. Chẳng hạn, nhiều nhạc sĩ xuất thân là nghệ sĩ đàn bầu lại thành danh ở mảng sáng tác nhạc trẻ: Đức Trí, Hồ Hoài Anh, Trần Mạnh Hùng, Bảo Lan... Mỗi người có một phong cách trong sáng tác, sự xuất hiện của họ càng làm cho bức tranh âm nhạc Việt Nam thêm nhiều sắc màu.
May mắn
Người trong giới gọi Trần Mạnh Hùng là Hùng bầu. Như bao nhạc sĩ khác, tên tuổi của Hùng được tính bằng thành tích, giải thưởng và những sản phẩm âm nhạc do anh đảm nhiệm. Với người làm nghề, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng là một gương mặt quan trọng và quý hiếm của nền khí nhạc Việt Nam. Chưa tính đến các tác phẩm khí nhạc, chỉ với số lượng album Hùng thực hiện cho các ca sĩ Thanh Lam, Hồng Vy, Ngọc Khuê, Trọng Tấn, Lan Anh, Tân Nhàn… đã đủ để xác nhận vị trí hàng đầu của anh ở lĩnh vực hòa âm, phối khí, nhà sản xuất âm nhạc tên tuổi với sở trường là thể loại bán cổ điển.
Trần Mạnh Hùng kể khi thi vào trường nhạc, việc anh học đàn bầu là do “hoàn cảnh xô đẩy” chứ không phải là lựa chọn theo ý thích. Những môn như piano hay violon…, phải có người trong gia đình làm nhạc thì mới có “cơ” được học. Cha mẹ Hùng lại là dân ngoại đạo nên anh buộc phải thi vào khoa ít người muốn theo học là nhạc cụ dân tộc. Song, học rồi anh mới thấy mình may mắn. Bởi lẽ, nhạc dân tộc khó thể tự học, trong khi âm nhạc phương Tây còn có thể ra nước ngoài học hoặc mua sách về tự xem, nghe băng đĩa để ghi nốt. Nhạc phương Đông không ghi nốt được; những rung, nhấn, vỗ, láy là học và dạy theo cách truyền tay, tự cảm nhận. Tinh thần của âm nhạc dân tộc sau này được Hùng khai thác khá tốt trong khí nhạc của mình.
Làm quen với nhạc dân gian từ bé, nhạc sĩ Đức Trí học đàn bầu, đàn kìm từ lúc 10 tuổi. Sáng dạ, thông minh, anh đã tiếp cận với nhạc cổ truyền bằng cả đam mê, tình yêu và sự kỳ vọng của người trong giới. Giáo sư Trần Văn Khê từng nhận xét về anh: “Đức Trí là một trong số ít nhạc sĩ trẻ có duyên với âm nhạc dân tộc mà triển vọng sẽ còn tiến xa trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian…”.
Đức Trí vẫn dùng nhạc cụ dân tộc trong hòa âm, phối khí cho các tiết mục trình diễn của ca sĩ. Trong ảnh: Đức Trí đang đệm đàn tập tiết mục trình diễn cho ca sĩ Lệ Quyên
Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh may mắn được sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật dân tộc. Mẹ là giáo viên dạy đàn bầu ở Nhạc viện Hà Nội nên lên 8 tuổi, anh bắt đầu được làm quen với đàn bầu. 13 tuổi, Hồ Hoài Anh đã sang Nhật tham gia Festival Âm nhạc thiếu nhi châu Á - Thái Bình Dương. 18 tuổi, Hoài Anh đoạt giải nhất cuộc thi độc tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 1998. Gắn bó với nhạc cụ này, anh trở thành giảng viên dạy đàn bầu của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Trong khi đó, Bảo Lan là thành viên nhỏ tuổi nhất nhưng cũng uy lực nhất của nhóm 5 Dòng Kẻ vì nắm giữ trọng trách chỉ đạo nghệ thuật, định hướng chuyên môn cho nhóm. Bảo Lan tốt nghiệp đại học Khoa Âm nhạc dân tộc tại Nhạc viện Hà Nội. Sau 15 năm học đàn bầu, cô là một nhạc sĩ có nhiều ca khúc đình đám không chỉ viết cho nhóm 5 Dòng Kẻ mà còn cho nhiều ca sĩ khác.
Bổ khuyết cho nhau
Họ đều bắt đầu từ nhạc dân tộc và bây giờ nổi danh với những sản phẩm âm nhạc hiện đại, những ca khúc nhạc trẻ được công chúng yêu thích. Nếu Hùng bầu chọn thể loại bán cổ điển thì Đức Trí mát tay với ca khúc pop ballad nhiều cảm xúc; nếu Hoài Anh mạnh mẽ với pop R&B thì Bảo Lan gắn bó với world music.
Dù theo phong cách nào thì những sáng tác của các nhạc sĩ này đều có một điểm chung nổi bật là kết hợp nhuần nhuyễn âm nhạc Đông - Tây. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng tiết lộ: “Mượn nhạc cụ phương Tây nhưng câu chuyện tôi kể trong các sáng tác của mình luôn là Việt Nam, nó không tách khỏi những rung, nhấn, vỗ, láy… của âm nhạc dân tộc”.
Nhạc sĩ Đức Trí cho rằng nhạc cổ truyền và nhạc nhẹ có sự tương phản nhưng chính điều ấy tạo nên sự thú vị khi chúng có thể bổ khuyết cho nhau rất nhiều. “Nó giống như sự giải tỏa tuyệt đối trong sáng tác. Nếu âm nhạc phương Tây theo khuôn mẫu thì nhạc cổ truyền là sự ngẫu hứng. Điều đó tạo nên sự khác biệt, dù hình thức rất Tây nhưng hồn vẫn đậm chất Việt Nam” - nhạc sĩ Hồ Hoài Anh nhận xét.
“Với những người học nhạc dân tộc, điệu thức nhạc cổ truyền là có sẵn trong họ. Vì vậy, dù dùng ngôn ngữ phương Tây, thể hiện theo phong cách âm nhạc hiện đại thì tư duy âm nhạc vẫn rất Việt Nam” - nhạc sĩ Đức Trí phân tích.
Ưu thế và khác biệt
Theo ca sĩ Bảo Lan, đàn bầu như cây violon trong dàn nhạc giao hưởng, đảm đương phần giai điệu. “Người đánh đàn bầu làm việc với giai điệu hằng ngày. Vì vậy, chúng tôi rất thuận lợi trong việc sáng tác ca khúc. Ưu thế và cũng là điểm khác biệt chính là sự kết hợp Đông - Tây trong sáng tác âm nhạc của mình. Học nhạc dân tộc mang đến tư duy ngẫu hứng, nhạc đương đại mở rộng cánh cửa của tầm nhìn, tư duy. Vì vậy, phải học cả hai thứ thì người sáng tác mới tích lũy được vốn liếng cho công việc” - cô cho biết.