Nữ diễn viên Ngọc Lan lập di chúc từ tuổi 35 vì lo cho con. Nhiều người bất ngờ với thông tin này, có người vội vàng thốt lên: “Điên à?”. Song, những người mang bệnh hiểm nghèo, người làm công việc may rủi, người có dấu hiệu trầm cảm không tha thiết sống, người lo lắng các con sẽ tranh giành gia tài, người sợ tài sản bị chia cho người thứ ba… đều từng tính toán dự liệu việc hậu sự dù không phải ai cũng mạnh dạn thảo ra bản di chúc.
|
Ảnh minh họa |
Sau tiếc thương là xào xáo, tranh chấp
Chị K.A. (quận Tân Phú, TPHCM) vừa gặp luật sư xin tư vấn một tình huống liên quan tới tài sản của người đã khuất. Vợ chồng chị đã ly thân 10 năm nay, mình chị nuôi cả 2 con nhưng vì “lười” nên họ chưa ra tòa ly hôn. Cuối năm 2022, anh mất đột ngột vì bệnh hiểm nghèo, khi chưa tới tuổi 40. Người vợ hờ của anh hiện tại không chịu chia tài sản cho chị hay 2 con theo đúng luật thừa kế. Cô ấy cho rằng toàn bộ tài sản (nhà, xe, công ty…), anh đã hứa để lại cho mẹ con cô, chứ không hề nhắc tới người cũ và con riêng, chỉ có điều anh không viết ra thành văn bản, giấy tờ…
Một trường hợp khác: người phụ nữ tuổi 30 giàu có ở Hà Nội thình lình qua đời vì tai nạn xe hơi. Người cha đã bỏ rơi chị từ lúc chị 5 tuổi bỗng xuất hiện đòi chia 1/4 tài sản thừa kế, tức ngang bằng với mẹ, chồng và con gái chị. Mẹ và chồng chị tất nhiên không chấp thuận, cho rằng người cha vô đạo đức, tham lam không có quyền hưởng sức lao động của con gái. Bà mẹ đến văn phòng luật xin tư vấn cách giải quyết.
Trên đây chỉ 2 trong số vô vàn tình huống rắc rối quanh việc không để lại di chúc. Các vụ việc tranh chấp liên quan di sản của người chết thường vướng mắc ở chỗ: người ra đi thì đi đột ngột nên người ở lại sau phút giây tiếc thương thì tranh chấp, xào xáo, bởi ai cũng nghĩ mình xứng đáng nhận phần thừa kế lớn hơn quy định của luật thừa kế. “Chưa thấy tiền, chưa dọ được lòng tham”, thân nhân gần gũi với người ra đi còn tiêu hủy, giấu đi bản di chúc nếu nó bất lợi cho họ. Tài sản của người già đa số liên quan đến những người con đã trưởng thành; tài sản của người trẻ liên quan tới những đứa con còn nhỏ dại, do đó luôn gắn liền với người sẽ chăm sóc trẻ, người vợ/chồng có thể sẽ đi bước nữa… nên thường phức tạp hơn.
Tuy vậy, “di chúc” là 2 tiếng cực kỳ nhạy cảm với người Á Đông. Nhiều người duy tâm cho rằng việc “tính trước hậu sự” là điềm gở, một số người con ngại ngùng nhắc cha mẹ lập di chúc vì sợ ông bà nghĩ con cái đang nhòm ngó tài sản của cha mẹ. Về quan điểm lập di chúc khi còn trẻ, nhiều người nói: “Người ta có nhà cửa đất đai mới làm di chúc, chứ mình có gì đâu mà bày đặt…”.
Thực tế, khi một người qua đời, những điều họ còn dang dở có khi không chỉ là bất động sản như nhà cửa, xe cộ mà còn là tài sản từ các khoản đầu tư góp vốn, tài sản vô hình từ các thương hiệu đã tạo dựng, những món nợ phải trả, khoản vay phải xử lý…
Dữ liệu từ Trung tâm Đăng ký di chúc Trung Quốc cho thấy, đối với thế hệ sinh vào những năm 1980, tài sản họ để lại theo di chúc chủ yếu là bất động sản và tiền tiết kiệm ngân hàng. Tuy nhiên, 13,1% di chúc của họ nhắc đến vốn chủ sở hữu công ty; 14,1% nhắc đến tài khoản chứng khoán. Những người thế hệ 9X và Zero (sinh ra sau năm 2000) lại nhắc tới tiền gửi ở các ví điện tử cùng tài khoản game, tài sản liên quan thế giới công nghệ.
Tại Việt Nam, dù chưa có con số thống kê nào liên quan việc lập di chúc nhưng từ sau dịch COVID-19, nhiều người bắt đầu dặn dò người thân các nội dung cụ thể liên quan tài sản và ước nguyện nếu họ đột ngột qua đời.
|
Ảnh mang tính minh họa - Racool_Studio |
Nói gì với người ở lại?
Tôi có người đồng nghiệp tên T.T. (quận 4, TPHCM) là mẹ đơn thân. Hậu ly hôn, chồng cũ của T. phủi các trách nhiệm cấp dưỡng và xuất cảnh, cắt đứt mọi liên lạc với con chung. T. khoe với đồng nghiệp cô đã trù liệu cả trường hợp mất mẹ thì con trai xoay xở thế nào.
Di chúc và thư dặn dò được T. đánh máy, sao thành nhiều bản, ký bằng bút mực rồi gửi cho 5 người đáng tin cậy, đề phòng trường hợp xấu nhất chồng cũ về tranh giành tài sản hay đòi nuôi con.
Tôi tròn mắt nghe T. mô tả chi tiết sự giả định: Nếu mẹ gặp tai nạn, con gọi ai, tang ma làm ở đâu, tới gặp ai hằng tháng để lấy tiền sinh hoạt, khi cần mua sắm thì liên hệ ai, việc đi học sau đó thế nào, bằng phương tiện gì… Căn hộ chung cư cùng các giấy tờ T. đã thực hiện sẵn các bước để tặng con; tới năm 18 tuổi, con sẽ gặp chị của T. để thực hiện việc chuyển tên.
T. còn có 1 căn hộ cho thuê đang góp vốn cùng người bạn thân. Cô dặn dò chị mình sẽ lấy số tiền này từ ai, gửi mỗi tháng về quê bao nhiêu để nuôi cha mẹ, bao nhiêu gửi ngân hàng tích lũy cho con; trường hợp cha mẹ mất thì tiền đó dùng làm gì…
“Năm ngoái, nhiều người ở chung cư ra đi bất ngờ nên tôi đã nghĩ ngay đến chuyện dự liệu mọi thứ cho con. Có lẽ cậu chàng chưa hình dung được biến cố mất mẹ nhưng cũng như việc mua bảo hiểm, cứ phải quản trị rủi ro trước, nếu rủi ro không xuất hiện thì quá tốt” - T. nói.
Anh Huỳnh Vũ (Tân Uyên, Bình Dương) cũng nghĩ tới việc viết di chúc từ năm 40 tuổi, sau khi nhận kết luận ung thư máu. Nay anh đã 50, hỏi về bản di chúc, anh nói đã chỉnh sửa vài lần, “càng lúc càng xịn”.
Ở tuổi 40, anh hầu như chưa có tài sản gì ngoài ngôi nhà 2 bên nội ngoại cho. Viết di chúc nhưng anh không mang tới phòng công chứng, vì sợ… không giống ai. Cuối cùng, anh soạn thảo các văn bản để lại giống như một bức thư dặn dò. Trong đó, anh nói rõ việc tang ma, thờ cúng.
Về ngôi nhà đang ở, anh nói vợ có thể bán đi để mua căn hộ chung cư sống cho an ninh và lấy một phần tiền dư gửi tiết kiệm để thêm thu nhập nuôi con. Về trách nhiệm với cha mẹ già, anh tha thiết gửi gắm người em trai…
Luật sư P.T.X. - Chủ nhiệm một văn phòng luật ở Hà Nội - cho biết trong số khách hàng của chị có cặp vợ chồng đại gia sở hữu tài sản cực lớn. Gia đình họ luôn chia 2 chứ không bao giờ đi cùng nhau trên 1 chuyến bay hay 1 chuyến xe vì tài sản chìm nổi, nhiều mối quan hệ làm ăn phức tạp sẽ không dễ quản nếu cả 2 vợ và chồng đột ngột ra đi.
Ngoài di chúc, chị P.T.X. phải soạn cho họ nhiều loại văn bản có giá trị tương hỗ, phòng khi thân chủ gặp bất trắc dẫn tới thiệt mạng hoặc sống nhưng mất ý thức. Mỗi năm, cặp vợ chồng này đổi các văn bản di chúc, thừa kế 2 lần và đều được công chứng đúng luật. Nói chung, họ quản lý tài sản hiện tại và cả khi mất đi rất chặt chẽ.
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Điềm gở hay văn minh?
Tới nay, cô đồng nghiệp mẹ đơn thân tuổi 40, anh bạn 50 tuổi bị ung thư máu, vợ chồng vị đại gia không dám chung xe… cùng những thanh niên tuổi 20, 30 viết di chúc trong đại dịch COVID-19 vẫn sống khỏe mạnh.
Sau khi viết ra được những điều mình nghĩ, mình muốn, anh Huỳnh Vũ hốt hoảng nhận ra cần nỗ lực sống để làm lụng, chấm dứt nhậu nhẹt, mua sắm hoang phí… để gom góp tiết kiệm tiền cho con học tới đại học. Anh cũng tích cực rèn thể lực và tới nay đã thực hiện ước mơ quan trọng của cuộc đời: chinh phục 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam; tham gia nhiều giải chạy việt dã.
Với người phương Tây, việc soạn trước di chúc là bình thường. Việc di chúc để sẵn trong két sắt không hề là “cái chết báo trước” hay điều xui xẻo (vì ai rồi chẳng phải từ giã cuộc đời) nhưng lại như liều thuốc an tâm, giúp chủ nhân quản trị, nhận biết thật rõ cuộc đời và giá trị của mình, của các mối quan hệ.
Khi tới thế giới này, mình tay trắng nhưng khi rời đi, mình có gì để lại hay không? Trong các mối quan hệ chằng chịt, mình còn vướng mắc nào chưa thể gỡ, còn điều gì hối tiếc hay chưa thể thực hiện? Mình chủ động với tài sản của mình tất nhiên tốt hơn là để nó bị sử dụng không theo ý muốn…
Châu Giang