Viết cho con - núm ruột không cùng máu mủ

12/02/2017 - 06:30

PNO - Ngày ba mẹ đón con từ trung tâm mồ côi về, hai bà giận không đến. Chỉ có mình ông ngoại, lọ mọ đón xe từ dưới quê lên.

Cả ba và mẹ đều rất thích trẻ con. Cưới nhau xong, niềm mong ước có một đứa bé để ôm ấp, cưng nựng luôn thường trực. Nhưng ông trời không cho ba mẹ toại nguyện. Tám năm với biết bao khát khao, chờ đợi, có những khi tưởng hạnh phúc đã đến nhưng rồi lại rơi vào bế tắc. Chạy chữa, thuốc men cũng nhiều, tiền kiếm được bao nhiêu cũng chỉ dồn vào đó nhưng rồi niềm vui vẫn ở tận đâu chưa đến. Dù gắng gượng nhưng có những lúc ba mẹ rơi vào mệt mỏi và tuyệt vọng.

Viet cho con - num ruot khong cung mau mu
 

Sao mình không nhận một đứa con nuôi? Con nào cũng là con, mình thương nó ắt nó sẽ thương mình. Một lần, trên đường từ phòng khám về, nỗi thất vọng, chán chường đang giăng đầy trong lòng mẹ thì ba đưa ra ý tưởng đó. Ba còn bảo, ba đã nghĩ rất nhiều về điều này. Thay vì dồn sức, dồn tiền bạc để có được một đứa con, mình có thể nhận nuôi một đứa trẻ mồ côi. Mình sẽ có niềm vui được làm cha, làm mẹ, còn đứa trẻ sẽ được chăm sóc, yêu thương.

Mẹ mất rất nhiều thời gian để nghĩ về chuyện này rồi cuối cùng cũng thông suốt. Nhưng quyết định của ba mẹ vấp phải sự phản đối của ông bà nội ngoại. Bà ngoại thì khuyên: “Kiên trì chạy chữa thêm một thời gian nữa con ạ, có được đứa con của mình vẫn hơn”. Còn bà nội thì gay gắt: “Con mình dứt ruột đẻ ra còn chẳng ăn ai, huống gì con nuôi”. Một lần nữa ba mẹ phải đối mặt với khó khăn, thử thách để có được một đứa con.

Ngày ba mẹ đón con từ trung tâm mồ côi về, hai bà giận không đến. Chỉ có mình ông ngoại, lọ mọ đón xe từ dưới quê lên. Nhìn con khỏe mạnh, lanh lợi, ông cười bảo: “Trông mặt con bé sau này chỉ làm tướng chứ không làm lính đâu à nha”. Mẹ không biết ông đang hài hước hay động viên ba mẹ. Nhưng khi con bước chân vào ngôi nhà, ba mẹ đã cảm nhận được niềm vui rộn ràng đang theo vào.

Khi ba mẹ đưa con về, con chưa đầy ba tuổi, mà nay con đã cao gần bằng mẹ. Trong khoảng thời gian ấy, con đã cho ba mẹ niềm vui, hạnh phúc cùng những lo lắng, mong chờ mà bất kỳ ai làm cha làm mẹ cũng trải qua. Con ngày một lớn lên và ba mẹ cũng trưởng thành, chững chạc và có trách nhiệm hơn với tổ ấm của mình. Con là đứa trẻ ngoan, tình cảm và luôn quan tâm đến những người sống quanh mình.

Mẹ còn nhớ hồi nhỏ, có lần con bị ngã, vết thương nhẹ nên mẹ chủ quan nhưng sau đó bị nhiễm trùng, con phải nhập viện. Lúc bác sĩ gọi vào, không như đứa trẻ khác nhõng nhẽo đòi mẹ thì con lại kêu ba vào cùng. Sau này, ba “bật mí” với mẹ, lúc vào phòng, con ghé tai ba nói nhỏ: “Mẹ lớn rồi nhưng cũng sợ tiêm đó ba, nên để mẹ ở  ngoài”.

Có lần ba đi công tác về muộn, mẹ đi thăm người ốm. Mẹ gọi điện giục con ăn trước rồi học bài, nhưng khi về thấy con vẫn chờ cơm. Con bảo: “Con ăn tạm cái bánh ngọt rồi, bài học cũng xong, giờ con ăn cơm cùng ba mẹ”.

Con gái ạ, lòng mẹ ấm áp vì con. Còn ba, hẳn sau những ngày vắng nhà, vượt quãng đường dài về được nhìn thấy tấm lòng thơm thảo của con, ba rất hạnh phúc. Chả thế mà ba nhìn con trìu mến đến vậy.

Hôm rồi tự dưng ba hỏi mẹ: “Nếu một ngày nào đó, có người đến xin nhận lại con thì em sẽ thế nào?”. Lúc mới nghe, mẹ rất hoảng. Ba vội giải thích là ba giả sử vậy thôi. Nhưng cả đêm mẹ vẫn nghĩ về tình huống ấy. Mẹ cũng không hình dung mẹ sẽ thế nào nếu phải sống xa con. Nhưng mẹ có một niềm tin vững chãi về sự gắn kết của những thương yêu. Dù không máu mủ, ruột rà nhưng một khi sự gắn bó đã trở thành máu thịt thì mọi trở ngại và khoảng cách đều trở nên vô nghĩa. Và dù có chuyện gì xảy ra, tình yêu thương của ba mẹ dành cho con vẫn vẹn nguyên, đủ đầy như từ trước đến giờ.

Hồng Lĩnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI