Viếng mộ tiền nhân nơi xứ người

22/09/2024 - 09:00

PNO - Trở lại Nhật Bản lần này, hành trình trên xứ Phù Tang cho tôi nhiều cảm xúc hơn, khi có dịp tìm viếng mộ của vị tiền nhân đã đến, sống và gửi thân tại xứ người.

Quang cảnh khu nghĩa trang Zoshigaya Reien,  ở phía đông thủ đô Tokyo, thuộc quận Toshima-ku
Quang cảnh khu nghĩa trang Zoshigaya Reien, ở phía đông thủ đô Tokyo, thuộc quận Toshima-ku

Mỗi khi đến Nhật Bản, dù bận bịu đến đâu, ông Nguyễn Văn Huệ - một thầy giáo đã có gần 30 năm đến Nhật làm công việc giảng dạy - đều thu xếp để đi viếng mộ chí sĩ Trần Đông Phong. Ông là một trong những người đã góp phần tìm ra, giúp cho nhiều người biết đến hơn khi mộ người chí sĩ năm xưa đang dần chìm trong sự lãng quên của thời gian, ít người Việt trên đất Nhật biết tới. Tôi có dịp đi Nhật với ông Huệ 2 lần, lần nào cũng tìm đến viếng mộ chí sĩ Trần Đông Phong và được nghe người thầy giáo này say sưa kể chuyện về người chí sĩ năm xưa.

Lần tìm mộ kỳ bí

Du khách Việt đến thăm và dọn dẹp, phát cỏ dại quanh mộ chí sĩ Trần Đông Phong
Du khách Việt đến thăm và dọn dẹp, phát cỏ dại quanh mộ chí sĩ Trần Đông Phong

Trong những ngày đầu sang Nhật đi dạy, ông giáo Huệ đã có ý đi tìm mộ chí sĩ Trần Đông Phong nhưng có vẻ như chưa có duyên, cho tới lúc ông được một người Việt sống lâu năm ở Nhật rủ cùng đi tìm với vài người quen khác. Thời đó, những năm 1990, thông tin tìm hiểu, tra cứu không tiện lợi như bây giờ, thậm chí khá chung chung. Từ thông tin có được cùng với bản đồ, thầy giáo Huệ và nhóm bạn lần tìm đến nghĩa trang Zoshigaya Reien - một vùng khá yên tĩnh ở phía đông thủ đô Tokyo, thuộc quận Toshima-ku. Đây là một nghĩa trang lâu đời và trang trọng ở Tokyo, tập trung phần mộ của từng dòng họ, từng gia đình, trong đó hầu hết là các dòng họ lớn, các chủ nhân là thương gia, học giả, nhà văn Nhật Bản và ngoại quốc.

Nghĩa trang không quá rộng lớn nhưng ông giáo Huệ và những người đi cùng tìm cả buổi vẫn không ra ngôi mộ cần tìm. Họ đi từ trời còn nắng đến khi tối mịt, bật hộp quẹt soi từng tấm bia mà mãi vẫn không thấy.

“Đến lúc quá trễ, mọi người đã thấm mệt, phải vòng lại phía đầu nghĩa trang trả xô, chổi cho ban quản trang để ra về, bỗng nhiên tôi thấy một cái gì đen cao lớn lắm. Nhận ra đó là một cái cây lớn, tôi liền bước vào theo. Vẫn là một trụ bia trông như nhiều trụ bia khác, bật hộp quẹt lên soi thì thấy dòng chữ Hán: “Đồng bào chí sĩ Trần Đông Phong chi mộ”. Mừng quá tôi hét to, vậy là gặp đúng trụ bia mộ của nhà chí sĩ rồi…” - ông Huệ kể.

Có lẽ là tiền nhân đã “chọn” ông giáo Huệ. Mà không phải tiền nhân đã thôi thử thách. Lần thứ hai quay lại, giữa ban ngày, ông giáo Huệ vẫn lạc. Đến lần thứ ba, như đã chứng cho tấm lòng của một hậu bối từ quê nhà, ông Huệ mới tìm ra ngôi mộ dễ dàng hơn.

Sau này, được thầy giáo Huệ đưa đến viếng mộ nhà chí sĩ, tôi vô cùng xúc động. Nơi đó có một “đồng bào chí sĩ” ra đi từ phong trào Đông Du nằm yên nghỉ đã hơn trăm năm khi tuổi đời còn rất trẻ.

Câu chuyện về một chí sĩ ngày xưa

Nghi thức tắm bia thể hiện sự trân trọng,  tri ân của hậu bối đối với tiền nhân
Nghi thức tắm bia thể hiện sự trân trọng, tri ân của hậu bối đối với tiền nhân

Nhìn về hướng nam, ngôi mộ ấy trông không khác gì những ngôi mộ trong nghĩa trang, với một bia đá hình trụ. Mặt bia khắc 3 dòng chữ Hán, ở giữa là “Đồng bào chí sĩ Trần Đông Phong chi mộ”, 2 bên là 2 dòng chữ Hán: “Sinh dĩ Giáp Thân niên” và “Mậu Thân niên ngũ nguyệt sơ nhị nhật tử”.

Theo các tài liệu, Trần Đông Phong (1887-1908) là 1 trong 9 du học sinh Việt Nam đầu tiên trong Phong trào Đông Du đi theo Phan Bội Châu sang Yokohama, Nhật Bản. Là con một gia đình giàu có bậc nhất ở Thanh Chương, Nghệ An, Trần Đông Phong từng quyên góp nhiều tiền bạc cho phong trào Đông Du. Khi sang tới Nhật Bản, vì mong tin nhà gửi tiền sang cho phong trào mà không thấy tới, Trần Đông Phong đã tự vẫn để tỏ lòng hổ thẹn với đồng chí của mình và thể hiện ý chí quyết tâm với phong trào Đông Du.

Theo thông tin một số tài liệu dẫn lại từ phía thân sinh của Trần Đông Phong, thư các chí sĩ trong phong trào Đông Du từ Nhật Bản gửi về gia đình cũng như người trong nước giai đoạn lúc bấy giờ đặc biệt khó khăn do sự kiểm soát ngặt nghèo của thực dân Pháp. Thân phụ của Trần Đông Phong đã không nhận được thư từ và tin tức của con trai. Có lẽ cụ đã bị con trai hiểu nhầm.

Cảm kích trước nghĩa khí của Trần Đông Phong, Kỳ ngoại hầu Cường Để đã xây mộ cho ông. Về sau, một phần xương cốt Cường Để cũng nằm trong ngôi mộ người chí sĩ này.

Tự vẫn ở chùa Tohoji (tức Đông Phong tự, ở khá gần nghĩa trang) nơi xứ người ở tuổi 25, Trần Đông Phong đã để lại một câu chuyện cảm động kỳ lạ về lòng ái quốc cùng khá nhiều tranh luận của hậu thế về cái chết của ông: từ một bi kịch của nhận thức trong bối cảnh khủng hoảng thông tin cho đến một chí sĩ yêu nước đã chết theo cách riêng nhuốm màu tinh thần võ sĩ đạo Nhật cùng tư duy cho đến lúc chết: “Có tiền mà vong quốc thì không thể sống được”.

Ở nghĩa trang luôn có sẵn dịch vụ cung cấp hoa tươi viếng người đã khuất. Hoa được để trong những chiếc chậu đựng nước như thế này để tắm bia mộ
Ở nghĩa trang luôn có sẵn dịch vụ cung cấp hoa tươi viếng người đã khuất. Hoa được để trong những chiếc chậu đựng nước như thế này để tắm bia mộ

Bây giờ, ông nằm đó nhưng không còn trong vắng vẻ cô quạnh, cỏ dại mọc đầy như lần đầu tiên ông giáo Huệ tìm đến. Chuyện vào thăm nghĩa trang không khó như thời thầy giáo Huệ phải tra tìm sổ sách nghĩa trang như trước nữa. Thỉnh thoảng, những đoàn khách từ Việt Nam sang du lịch cũng tìm đến viếng mộ ông. Người Việt sinh sống, làm việc ở Nhật Bản đã biết về ông, về chỗ ông nằm nhiều hơn. Có người đến viếng ông vì thương quý, cảm phục; có người đến vì tò mò, để biết mộ người Việt ở nghĩa trang Nhật thế nào; cũng có người đến vì nghe nói ông rất thiêng.

2 lần đến, tôi đều thấy dấu vết của hoa, của hương cắm trước đó, nghĩa là đã có người đến với ông trước mình. Tôi dọn dẹp cỏ quanh mộ, lau rửa lại trụ bia, cúng ông một ít hương hoa trái - một thói quen mà ông giáo Huệ và nhiều người Việt hay làm khi viếng mộ ông. Người Việt khi đến sống, làm việc ở Nhật cứ truyền tai nhau rằng nếu thành tâm cầu khấn ông điều gì sẽ được toại ý. Bái lạy chào ông, tôi chỉ lầm rầm mấy câu khấn cầu bình an. Trời đang nắng yên, bỗng đâu có cơn gió nhẹ lay qua mấy hàng cây trong nghĩa trang. Người đồng hành cùng tôi khe khẽ thì thầm, lần nào cầu nguyện cũng có gió nổi lên cả. Thầy Huệ thì cười nửa đùa nửa thật: “Thì tên ông nghĩa là gió mà…”.

Lê Minh Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI