Viện Y tế Công cộng TPHCM phải bồi thường cho nữ nhân viên bị sa thải trái luật

19/01/2022 - 09:11

PNO - Viện Y tế Công cộng TPHCM đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với nhân viên trái luật, phải bồi thường hơn 176 triệu đồng.

Tòa án nhân dân TPHCM nhận định, Viện Y tế Công cộng TPHCM đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bà Sâm là trái luật. Tòa án buộc đơn vị này phải bồi thường hơn 176 triệu đồng và có nghĩa vụ đóng các loại bảo hiểm cho bà Sâm.

Nữ lao động bị sa thải trái luật

Tòa án nhân dân (TAND) TPHCM vừa xét xử phúc thẩm vụ “Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ)” với nguyên đơn là bà Trương Thị Sâm (ngụ TP.Thủ Đức) và bị đơn là Viện Y tế Công cộng TPHCM. Trước đó, TAND quận 8 đã xét xử sơ thẩm và tuyên buộc Viện Y tế Công cộng phải thanh toán cho bà Sâm hơn 238 triệu đồng. Sau đó, cả nguyên đơn và bị đơn đều có đơn kháng cáo. 

Viện Y tế Công cộng phải bồi thường cho nữ lao động bị sa thải trái luật hơn 176 triệu đồng
Viện Y tế Công cộng phải bồi thường cho nữ lao động bị sa thải trái luật hơn 176 triệu đồng

Theo trình bày của bà Trương Thị Sâm, bà bắt đầu làm việc tại Viện Y tế Công cộng TPHCM từ tháng 8/2000, được ký HĐLĐ không xác định thời hạn. Thời gian đầu, bà được bố trí làm ở Phòng Kế hoạch tổng hợp. Sau đó được bố trí làm nhiều công việc tại Khoa Vệ sinh môi trường, Phòng Kế hoạch tổng hợp, Phòng Tổ chức hành chính. Trong thời gian công tác gần 19 năm, bà Sâm luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Ngày 2/1/2019, bà Sâm nhận được thông báo của đơn vị về việc chấm dứt hợp đồng đối với người lao động không có vị trí việc làm kể từ ngày 11/3/2019. Không đồng tình với việc chấm dứt HĐLĐ của Viện Y tế Công cộng, bà Sâm nộp đơn khởi kiện ra TAND quận 8 yêu cầu Viện nhận bà trở lại làm việc, thanh toán tổng số tiền hơn 450 triệu đồng và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ ngày 11/3/2019 đến 11/5/2021.

Tại phiên xét xử phúc thẩm, TAND TPHCM nhận định, trong quá trình làm việc tại Viện Y tế Công cộng TPHCM, bà Sâm đã được ký hợp đồng không xác định thời hạn. Năm 2005 và 2007, viện đã cho bà Sâm tham gia kỳ thi tuyển viên chức nhưng không đạt nên không có cơ sở xác định bà là viên chức. 

Việc thực hiện chủ trương chung của Bộ Y tế và đề án vị trí việc làm của Viện Y tế Công cộng (đã được Bộ Y tế phê duyệt) là đúng. Tuy nhiên, về trình tự, thủ tục Viện Y tế Công cộng chấm dứt HĐLĐ đối với bà Sâm là chưa đúng theo quy định của Bộ luật Lao động. Ngoài ra, việc chấm dứt HĐLĐ này không thuộc các trường hợp do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế nên có cơ sở xác định Viện Y tế Công cộng TPHCM đơn phương chấm dứt HĐLĐ với bà Sâm là trái luật.

Mong sớm nhận được bồi thường 

Tại phiên tòa phúc thẩm, hội đồng xét xử nhận định, đề án vị trí việc làm của Viện Y tế Công cộng không có công việc chuyên môn của bà Sâm nên tòa án cấp sơ thẩm không buộc nhận bà trở lại làm việc là phù hợp. Tuy nhiên, tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào điều 44 Bộ luật Lao động 2012 để cho rằng, viện đã chấm dứt HĐLĐ với bà Sâm do thay đổi cơ cấu, công nghệ ảnh hưởng đến việc làm của nhiều lao động là chưa chính xác.
TAND TPHCM đã chấp nhận một phần kháng cáo của bà Sâm, sửa bản án sơ thẩm của TAND quận 8, buộc Viện Y tế Công cộng phải trả tiền lương cho bà Sâm trong những ngày không được làm việc từ 11/3/2019 đến 11/5/2021 và bồi thường bốn tháng tiền lương. Tổng cộng số tiền mà đơn vị phải trả cho bà Sâm là hơn 176 triệu đồng. 

Ngoài ra, bà Sâm và Viện Y tế Công cộng có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho bà Sâm tính theo mức lương hơn 5,9 triệu đồng từ ngày 11/3/2019 đến ngày 11/5/2021.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, bà Sâm cho biết, có phần không hài lòng vì tòa phúc thẩm tuyên buộc Viện Y tế Công cộng trả cho bà số tiền thấp hơn khá nhiều so với cấp phúc thẩm tuyên. Tuy nhiên, bà rất vui vì hành trình theo đuổi công lý trong nhiều năm qua đã có kết quả.

“Mấy năm qua, phải theo đuổi vụ việc nên cuộc sống của tôi gặp rất nhiều khó khăn. Cuối cùng, tòa đã tuyên việc Viện Y tế Công cộng TPHCM sa thải tôi là trái luật. Đây không chỉ là vấn đề tài chính mà còn là danh dự của bản thân tôi. Bây giờ tôi rất mong sớm nhận được khoản tiền bồi thường để ổn định cuộc sống” - bà Sâm chia sẻ.

Không riêng trường hợp bà Sâm, trong những năm qua, Viện Y tế Công cộng TPHCM đã có nhiều sai phạm trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, sa thải cán bộ, người lao động. Báo Phụ Nữ TPHCM đã có nhiều bài viết về vấn đề này và Bộ Y tế cũng đã vào cuộc thanh tra, chỉ rõ những sai phạm ấy.

Cụ thể, đối với công tác thi tuyển viên chức, thông báo tuyển dụng của đơn vị này không nêu chức danh nghề nghiệp tương ứng; bảng tổng hợp điểm không ghi số điểm của từng giám khảo; có hiện tượng sửa điểm trong hai bảng tổng hợp điểm thi thực hành. Trong năm 2017 và 2018, có 11 trường hợp được đơn vị này xét tuyển đặc cách nhưng không báo cáo và xin ý kiến của Bộ Y tế. Ngoài ra, việc xét tuyển đặc cách viên chức cũng không thực hiện theo quy trình, quy định.

Đáng chú ý, trong 11 trường hợp được xét tuyển đặc cách có hai trường hợp không có chứng chỉ tin học. Cùng với đó, đơn vị này còn bổ nhiệm một số cá nhân không đạt tiêu chuẩn về bằng cấp và bổ nhiệm không theo quy hoạch. Có 8 hồ sơ bổ nhiệm không có văn bản đề nghị của các khoa, phòng và cấp tương đương gửi đảng ủy, lãnh đạo viện; có 6 hồ sơ bổ nhiệm không có đề nghị của Phòng Tổ chức - Hành chính.

Theo kết luận thanh tra, hầu hết các trường hợp được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nói trên đều chưa có trình độ trung cấp lý luận chính trị khi được bổ nhiệm. Đến thời điểm kiểm tra, các trường hợp này vẫn đang tham gia lớp đào tạo trung cấp lý luận chính trị. 

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI