Viễn tưởng phim Hàn

03/07/2016 - 14:54

PNO - Trận đòn của chồng khiến tôi sinh con sớm ba tuần. Khi con đầy tháng, tin từ Việt Nam cho hay, ba tôi bệnh nặng e khó qua khỏi. Tôi xin phép gia đình chồng về với ba những ngày cuối đời, nhưng họ bảo “không được phép”.

Tôi lấy chồng qua mai mối là một người Hàn Quốc khi vừa tròn 18 tuổi (năm 2009). Nhà nghèo, quanh năm cơ cực với miếng ăn, anh em đông. Lấy chồng nước ngoài là giải pháp tốt nhất để tôi có thể xây cho ba mẹ cái nhà tường thay cho căn nhà tôn vách đất rách nát…

Ngày đám hỏi, người mai mối đưa tôi 10 triệu, nói tới ngày đám cưới nhà trai sẽ “chồng” đủ ba trăm triệu. Chồng hơn tôi 17 tuổi, trông cũng điển trai và hiền lành. Đám hỏi xong, 40 ngày sau là đám cưới. Tôi phải đi Sài Gòn học tiếng Hàn, mọi chi phí đã có chồng lo. Chồng ở bên tôi suốt 20 ngày, anh luôn cười rất tươi và ra vẻ ga-lăng, yêu quý tôi. Đi đâu anh xách giỏ cho tôi, tôi khó khăn với đôi giày cao gót, anh cũng sẵn sàng cầm giày cho vợ. Những nhu cầu của một cô gái xa nhà, tôi ghi vào giấy đưa cho chồng mua sắm, chồng gọi điện thoại cho người mai mối tới, giúp đọc tờ giấy và mua về cho tôi…

Vien tuong phim Han
Chị Khánh Ngọc trong ngày cưới.

Hai mươi ngày trôi qua vùn vụt, chồng tôi nói phải về nhà lo cho đám cưới sắp tới. Ngày cưới, tiệc đãi ở nhà hàng năm sao, tôi xúng xính trong áo cưới dù nhà trai hạn chế số khách mời nhà gái đến tối đa. Tất cả họ hàng anh em của tôi chỉ có hai bàn, thêm nhà trai và mai mối là chẵn ba bàn. Tiệc cưới có bánh kem, rượu sâm banh chảy tràn, nhưng là… diễn với bốn cặp đôi khác. Tối tân hôn, tôi vẫn chưa nhận được ba trăm triệu như chị mai mối hứa, tôi gọi cho chị, chị bảo do chồng tôi đang cần tiền đầu tư vào mấy vụ làm ăn bên nhà nên hụt tiền, nhưng anh đã nói khi tôi sang Hàn Quốc, sẽ trao ngay số tiền ấy để tôi gửi về cho cha mẹ.

Sau ngày cưới hai hôm, tôi theo chồng về xứ sở kim chi với ước mong được đặt chân tới thủ đô hoa lệ như trong phim, được ngắm tuyết rơi, được nhìn các tài tử đẹp mê hồn đã từng “đốn tim” các cô gái như tôi. Và tôi mong nhất vẫn là số tiền ba trăm triệu đồng.

Nhưng tất cả chỉ là viễn tưởng.

Ngay hôm về tới nhà, thì mẹ chồng hơn 60 tuổi bảo tôi, nhà này cưới dâu là hết tiền rồi, nên hai mẫu đào, trước có hai người làm, nhưng từ nay dâu sẽ làm, để “trả” lại tiền đã cưới. Mẹ chồng nói tiếp, chăm vườn đào có gì không biết thì chồng sẽ hướng dẫn.

Đó là bà nói qua điện thoại với chị mai mối, chị dịch lại cho tôi, chứ trình độ 40 ngày học tiếng Hàn làm sao tôi có thể nghe rõ. Tôi hỏi chị mai về số tiền ba trăm triệu, chị ta ừ hử bảo sẽ nói chuyện sau, rồi sau đó chị thay luôn số điện thoại.

Vậy là tôi phải ra vườn đào, với công việc làm nông không khác mấy ở Việt Nam. Chồng tôi thì không làm, chỉ nằm trong chòi nghỉ và hướng dẫn tôi làm nửa bằng ngôn ngữ bập bõm tiếng Việt của anh, nửa bằng khả năng nghe tiếng Hàn của tôi và nhiều nhất là bằng ngôn ngữ hình thể.

Tôi bảo chồng dạy tôi học thêm tiếng Hàn vì vốn nghe, nói của tôi chưa nhiều. Chồng bảo: “Tao không phải là thầy giáo. Mày không tự học được thì thôi”. Tôi sốc, nhưng vẫn cố học bằng cách cố gắng đọc các bảng hiệu trên đường từ nhà tới ruộng, đọc tên những vật dụng trong nhà…

Bây giờ tôi phát hiện, chồng tôi có tật hay uống rượu. Vui cũng uống, buồn cũng uống, nhiều khi đi ra ruộng về cũng uống. Nhưng cách uống không như người Việt là phải “có tụ”. Anh uống rượu một mình, rồi gọi tôi lại ngồi bên. Anh nói gì tôi không trả lời (do nghe không hiểu) thì anh đánh, với lý do: “Mày khinh dễ tao hay sao mà không trả lời”. Rút kinh nghiệm, lần sau anh nói, tôi cố gắng nghe và trả lời, nhưng anh ta cũng vẫn đánh. Lý do: “Tại sao mày dám trả lời tao?”.

Chồng hay bạo hành, mẹ chồng kiểm soát chi tiêu từng xu, nhưng tôi may mắn được hai người chị chồng rất thương. Tôi có bầu, hai chị tới mua cho từng hộp sữa, từng bộ quần áo bà bầu, hỏi thèm món gì để chị mua và khuyến khích cứ ăn thỏa thuê không cần kiêng cữ như ở Việt Nam. Tôi bầu bì bị nghén hành không đi làm vườn được thì mẹ chồng nói lười biếng, chồng đánh vì “cưới mày tốn biết bao nhiêu tiền sao mày không chịu làm việc”.

Tôi gọi cho các chị chồng, may có các chị bênh vực nên tôi được nghỉ ngơi đôi chút. Nhưng khi tôi mang bầu tháng thứ tám, ngày cuối tuần, các chị chồng về chơi với gia đình, nấu vài món ăn và tôi làm món không vừa ý chồng, thế là anh đánh tôi suýt ngất. Các chị chồng gọi cảnh sát vì sợ án mạng. Khi đó, mẹ chồng mới trưng ra giấy tờ bệnh án của chồng tôi. Thì ra, tám năm trước, anh ta từng bị tai nạn giao thông đến hôn mê, sau đó phải điều trị tâm thần hết hai năm. Anh ta tạm hết bệnh song đang có chiều hướng đổ bệnh trở lại.

Trận đòn của chồng khiến tôi sinh con sớm ba tuần. Khi con đầy tháng, tin từ Việt Nam cho hay, ba tôi bệnh nặng e khó qua khỏi. Tôi xin phép gia đình chồng về với ba những ngày cuối đời, nhưng họ bảo “không được phép”.

Con được hai tháng, tôi lại ra vườn đào. Số tiền ba trăm triệu vẫn là con số bí ẩn vì nhà chồng nói đã đưa cho bà mai rồi, còn bà mai thì nói nhà chồng chưa đưa. Tôi cay đắng nhận tin ba mất mà không thể về chịu tang, nhà chồng cũng không một lời hỏi han, chia buồn.

Khi con tôi gần ba tuổi, Hội phụ nữ Hàn Quốc tìm tới nhà nói rằng, theo danh sách các cô dâu Việt đến xứ Hàn thì ba năm nay tôi chưa trở về thăm quê. Nếu tôi khó khăn về kinh tế, Hội sẽ lo kinh phí cho về thăm nhà. Tôi mừng hơn được cho vàng, và quan trọng hơn là khi có tiếng nói của tổ chức đoàn thể như vậy, mẹ chồng tôi không thể cấm tôi đi. Hội phụ nữ chỉ lo hộ chiếu và vé máy bay cho bà mẹ và em bé nên mẹ chồng tôi đành bỏ tiền cho con trai theo vợ về quê ngoại.

Đó là một ngày cuối tháng 12 năm 2013, vào dịp giáp Tết Nguyên Đán. Tôi về nhà, việc đầu tiên là khóc một trận no nê trước bàn thờ ba vì con gái bất hiếu. Sau đó, tôi hỏi thăm về bà mai, vì bà ta cũng là người cùng huyện và được biết, bà vừa đi tù chưa đầy năm bởi tội “mua bán phụ nữ”. Thế là số tiền ba trăm triệu của một đời con gái, của một lần “người tính không bằng trời tính” của tôi xem như mất trắng.

Tôi an ủi mình, dù sao chồng mình cũng không đến nỗi tệ, con mình cũng được yêu thương. Mình ráng sống tốt, trời sẽ không phụ người hiền. Nhất là hai người chị chồng, các chị thương tôi như em ruột.

Vậy mà… trong bữa cơm đoàn viên ấy. Định mệnh đã đến với tôi. Anh em họ hàng tôi đến mừng chú rể và tiệc rượu đã dọn ra. Dù tôi biết bệnh của chồng mình, nếu không uống rượu thì đỡ, chứ rượu vào thì thần kinh anh căng thẳng và sẽ “có chuyện”. Chuyện đã xảy ra thật, khi món mực xào, tôi không xào cay đúng khẩu vị của anh (nếu xào cay như vậy thì anh em tôi sẽ ăn không được). Đĩa mực nóng hổi ấy, anh đã ném vào đầu tôi. Đĩa bể, máu đỏ và nước mực tim tím lẫn lộn trong dưa leo, hành… Anh em tôi đã “xử” chồng tôi vì tội “vuốt mặt không nể mũi”. “Mãnh hổ địch quần hồ”, tôi lại biết thêm chồng tôi từng là võ sĩ.

Vụ việc kết thúc khi công an xã nổ súng chỉ thiên. Ngày hôm sau, chồng tôi về nước dù chưa hết hạn hộ chiếu. Tôi ở lại cho thỏa bao tháng ngày xa quê. Cứ nghĩ vợ chồng như chén trong sóng còn khua, nay mai anh sẽ gọi điện thoại bảo về. Nhưng một tháng, hai tháng, năm tháng… vẫn bặt tăm. Chỉ có chị chồng gọi, rằng mọi việc hãy bỏ qua, nếu còn thương chồng, còn nghĩ đến tương lại con trẻ thì chị gửi tiền qua cho tôi mua vé máy bay mà về.

Nhưng tôi thật sự chưa yêu chồng. Mộng của tôi là có thể đặt chân đến vùng đất đẹp như phim ảnh ấy, để ngắm tuyết rơi, để nhìn tài tử và để có mấy trăm triệu xây cho ba mẹ cái nhà tinh tươm. Kết quả, tôi chỉ quanh năm suốt tháng quần quật với vườn đào, về nhà thì căng mình với bà mẹ chồng xét nét và người chồng không biết “lên cơn” lúc nào. Đau đớn nhất, là ba mất mà vẫn không về được để chịu tang. Tôi trả lời chị chồng rằng cho em nghĩ lại. Nhưng tôi không nghĩ được gì với tương lai quá mịt mù nơi xứ ấy.

Chồng tôi vẫn không một lần gọi tôi về. Vậy là sau tôi, con gái lại lớn lên trong căn nhà mái tôn lụp xụp. Tôi tâm sự những dòng này để các cô gái muốn lấy chồng nước ngoài như tôi lấy đó làm kinh nghiệm, khi không có tình yêu thật sự, tất cả sẽ chỉ là viễn tưởng.

HOÀNG CÚC

(ghi theo lời kể của chị Ngô Thị Khánh Ngọc, H.Đức Huệ, tỉnh Long An)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI