|
Đền Thổ Châu |
Những người dân lâu đời nhất ở Thổ Châu (tính từ khi tái lập xã đảo năm 1993) vẫn còn gọi hòn đảo xa đất liền nhất trên vùng biển Tây Nam này là hòn đảo bị bắt cóc. Tên gọi gắn liền với câu chuyện lịch sử bi thương đã gần nửa thế kỷ khi Thổ Châu từng bị Pol Pot chiếm đóng trái phép.
Từ cảng Bãi Vòng, thành phố Phú Quốc, sau hơn 4 giờ lênh đênh, có lúc mịt mù chẳng thấy bờ, chúng tôi cập đảo Thổ Châu. Ngay buổi chiều đầu tiên ra đảo, cả nhóm liền đến thăm đền Thổ Châu, là điểm tham quan lịch sử tâm linh còn khá mới. Cũng từ đây, chúng tôi thấy mình như được trở về quá khứ. Được xây dựng từ năm 2012, đền có 2 gian, một gian thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, gian còn lại để hương khói cho những người xấu số đã khuất.
Chú Tám Bảnh - một cư dân sống gần đền - kể: suốt hơn chục năm nay, người dân ở đây đều thay phiên túc trực coi sóc, không để đền nguội lạnh bao giờ. Đứng giữa không gian tĩnh lặng, dưới những gốc bàng hàng trăm tuổi ngay sân đền, mùi khói nhang khiến bầu không khí thêm thâm nghiêm, trầm mặc.
Cách đền Thổ Châu không xa là miếu Bà Chúa Xứ - lăng Ông Nam Hải cũng chia làm 2 gian, gọi chung là đền thờ Hoàng đảo. Đây là nơi thường diễn ra những lễ hội địa phương như cầu ngư, cầu mưa thuận gió hòa, cũng là chốn mang ý nghĩa tâm linh bảo hộ tinh thần cho ngư dân.
Nơi lý tưởng để sống chậm
|
Cột mốc A1 trên Hòn Nhạn - Ảnh: Võ Đình Tiến |
Đêm đầu tiên ở đảo, tiếng sóng biển cứ rì rào, lúc gần khi xa. Chúng tôi ăn tối rồi giao lưu với vài người bản địa rất thân thiện chẳng ngờ gốc gác đều là dân tứ chiếng, được nghe những câu chuyện từ thuở đảo chỉ là vùng đất hoang vu, dân kinh tế mới và bộ đội ra tiếp quản đã mở đất, dựng nhà, lần hồi tạo dựng để Thổ Châu có diện mạo như ngày nay.
Lần đầu tiên chúng tôi thức dậy trong tình cảnh không điện, không mạng internet, thấy mình như trở về thập niên 90. Ở đảo chưa có điện lưới, vẫn còn chạy máy phát. Nhịp sống diễn ra rất chậm nhưng đó là cơ hội tuyệt vời để chúng tôi hòa mình vào thiên nhiên, thưởng thức cảnh sắc từ màu xanh êm ả của biển, vẻ hoang sơ của vùng đất biên cương, ngắm những hàng dừa nghiêng nghiêng, những ngôi nhà “chạy gió” nằm san sát, đám trẻ nhỏ lao xao với trò chơi bắn bi… Một cảm giác hết sức yên bình.
Buổi sáng, tôi thả bộ trên bờ cát Bãi Ngự, hít thở bầu không khí tinh khôi, cảm thấy thật sảng khoái, sẵn sàng bước vào ngày mới.
Từ cầu cảng, nhìn Bãi Ngự hệt như hình cánh cung với 2 đầu là 2 mỏm núi sừng sững tạo nên cảnh sắc thiên nhiên độc đáo, vừa kín gió vừa như bức tranh sơn thủy hữu tình. Tương truyền năm xưa, khi chạy trốn sự truy đuổi của nhà Tây Sơn, vua Gia Long đã đến Thổ Châu. Đây cũng là lời giải thích cho cái tên Bãi Ngự - nghĩa là nơi vua ở.
Là nơi đón bình minh sớm nên mặt trời ở đảo hình như cũng to và đẹp hơn. Sau khi ngắm bình minh, chúng tôi thuê xe máy tham quan con đường xuyên rừng nối Bãi Dong và Bãi Ngự. Con đường chỉ khoảng 10km nhưng 2 bên có rừng rậm bao phủ, cây cối xanh tươi, hoa mọc lẫn vào đá núi. Có những đoạn một bên là biển, một bên là rừng hết sức hùng vĩ. Từ trên cao nhìn xuống vực biển là những tán bàng vuông cổ thụ nghiêng mình ước chừng trăm năm tuổi.
Trở về với thiên nhiên
|
Bãi Dong xinh đẹp và quyến rũ |
Từ Bãi Dong, chúng tôi thuê tàu gỗ để khám phá một vòng Thổ Châu trên biển. Một ngày đầy ắp hoạt động thú vị từ thưởng ngoạn, du hành qua các hòn lớn nhỏ của quần đảo cuối trời Tây Nam...
Suốt dọc đường lênh đênh, chúng tôi được nghe bao câu chuyện thú vị mang màu sắc huyền bí do người lái tàu kể lại về đất và rừng nơi đây. Sau mỗi câu chuyện, chúng tôi lại được check-in một hòn đảo nhỏ nằm chênh vênh giữa muôn trùng sóng. Hòn Xanh như 2 trái núi nối liền nhô lên, Hòn Cao với những dốc đá nhiều hình thù dựng đứng… Chính sự hiên ngang hùng vĩ như khiêu khích càng kích thích ham muốn chinh phục từ những đôi chân mê khám phá.
Riêng hòn Từ, do đặc thù quân sự nên không tiếp dân thường đến tham quan. Sau Thổ Châu, đây là hòn thứ hai trong quần đảo có người sinh sống. Nhưng dù chỉ ngắm nhìn từ xa, vẻ đẹp nguyên thủy của rẻo đất áng chừng 1km2 này cũng đủ khiến chúng tôi không thể rời mắt. Từ bờ cát dài trắng mịn, hàng dừa nghiêng soi, biển sạch và trong tận vài mét vẫn thấy đáy, khi nắng lên rọi xuống mặt nước sẽ lấp lánh những tia sáng hệt như lân tinh. Bức tranh được điểm xuyết bởi vài chiếc thuyền lơ lửng giữa mênh mông ngoài xa.
Sau nửa ngày chơi trò bập bênh với sóng, chúng tôi dừng ở Hòn Cao để cắm trại và ăn trưa. Sau bữa trưa là hoạt động được mong chờ nhất: lặn ngắm san hô và tắm biển. Những thảm san hô với hình thù vô cùng đẹp mắt như một kho báu chỉ thuộc riêng vùng biển này.
Thiên đường hải sản
|
Bữa trưa trên đảo nhỏ |
Bữa trưa của chúng tôi đầy ắp hải sản tươi sống. Mực và ghẹ đảo được xem như đặc sản bởi độ tươi, chắc thịt và giòn. Nhưng, món đặc sắc phải kể đến là cá mú sao. Chỉ cần mang theo cần câu là có thể vừa câu vừa chế biến tại chỗ. Chúng tôi chia nhau người nhặt củi đốt lửa nơi khe đá để làm món luộc và nướng, người trải những tấm bạt tại chỗ dọn tiệc rồi cùng dã ngoại giữa một bên biển xanh một bên rừng thẳm, thưởng thức một bữa ăn tuyệt vời.
Hải sản ở Thổ Châu vô cùng rẻ, là “nhà cung cấp” cho nhiều hàng quán ở Phú Quốc. Theo mỗi chuyến tàu, những con cá mú, cá bớp tươi xanh, tôm mũ ni, mực các loại được thở ô xy mang vào đảo ngọc, sẵn sàng phục vụ số lượng lớn bởi ở Thổ Châu, ngoài đánh bắt gần bờ, ngư dân còn nuôi cá lồng bè. Hằng năm có 2 mùa gió Nam - Bắc nên cũng xảy ra tình trạng người dân phải chuyển bến dời nhà 2 lần, lúc sang Bãi Dong, khi về Bãi Ngự. Tùy theo thời điểm bạn đến sẽ thấy 2 đầu hòn đảo chỉ cách khoảng 10km mà nơi nhộn nhịp, chốn lại hoang vắng.
Dù hành trình đến đảo khá gian nan nhưng mấy ngày ít ỏi ở Thổ Châu đã thực sự giúp chúng tôi thanh lọc chính mình, nạp lại năng lượng để sẵn sàng cho những tháng ngày kế tiếp. Và chúng tôi tin sự chữa lành kỳ diệu ấy đến từ việc trở về với thiên nhiên.
- Không có tàu trực tiếp từ đất liền đi Thổ Châu, từ TPHCM có thể bay đến Phú Quốc rồi nối chuyến. Mỗi tháng chỉ có khoảng 6 chuyến tàu vào các ngày 5, 10, 15, 20, 25, 30 xuất bến lúc 10g sáng ở cảng Bãi Vòng. Nên liên hệ tàu trước, gọi số điện thoại: 0978 958 776 (anh Thiện) để hỏi lịch tàu chạy. - Đảo chưa có khách sạn, rất ít nhà nghỉ và homestay, vật chất tiện nghi còn sơ sài. Có thể thuê phòng tại nhà nghỉ Hoàng Dương, Dình Nhân hoặc homestay Tình Biển (chị Hằng: 0903 174 493, anh Tiến: 0774 003 330). Tại đây có cho thuê tàu, tổ chức tour đi cột mốc A1. - Thuê tàu: anh Đức (035 868 5995), anh Dũng (có cho thuê xe máy, dịch vụ xe ôm, 0919 392 166). - Giá vé tàu Phú Quốc - Thổ Châu: 50.000 đồng. |
Hồ Thị Linh Châu