Cụ thể, trong các phần đối đáp giữa đại diện VKS và các luật sư bào chữa cho 86 bị cáo từ ngày 1/4/2024 đến nay, các luật sư bào chữa tiếp tục đề nghị VKS phải xác định lại các nội dung: Hậu quả vụ án; chưa đủ căn cứ buộc tội “tham ô tài sản” đối với bà Trương Mỹ Lan.
Có cơ sở khẳng định bà Trương Mỹ Lan gây thiệt hại 677.000 tỉ đồng
Bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan, luật sư Giang Hồng Thanh đề nghị cần phải có trưng cầu giám định thiệt hại vụ án vì kết quả thẩm định của Công ty Hoàng Quân chênh lệch nhiều lần so với 3 công ty được xác nhận là uy tín khác.
Theo VKS, Công ty Hoàng Quân chỉ định giá tài sản khi đầy đủ hồ sơ pháp lý. Hơn nữa, trong đó có rất nhiều tài sản bổ sung cho các tài sản đảm bảo trước đó, các tài sản bổ sung này không tính vào giá trị giải ngân. Do đó, Công ty Hoàng Quân không định giá trên các tài sản bổ sung này để tránh tình trạng định giá 2 lần.
|
Đại diện Viện kiểm sát đối đáp luật sư |
Đại diện VKS đề nghị các luật sư nên nghiên cứu kỹ hồ sơ để xem cơ quan tố tụng áp dụng phương pháp định giá tài sản nào. VKS nhắc lại, trong vụ án này, cơ quan tố tụng vừa căn cứ vào kết quả thẩm định giá của Công ty Hoàng Quân, vừa áp dụng biện pháp khác để xác định thiệt hại của vụ án (căn cứ theo điều 88 Bộ luật Hình sự).
Theo VKS, trong Điều 215, Điều 205, Điều 206 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có nêu rõ, khi cần xác định lại tài sản để giải quyết vụ án hình sự thì cơ quan tố tụng có quyền ra văn bản yêu cầu định giá tài sản. Nhưng theo Thông tư liên tịch số 01/2017, chỉ trưng cầu giám định theo quy định tại Điều 206 của Bộ luật Tố tụng hình sự khi chưa đủ chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Trong khi đó, cơ quan tố tụng đã xác định rõ hành vi vi phạm của bà Trương Mỹ Lan đã gây ra hậu quả thiệt hại cho ngân hàng SCB là hơn 677.000 tỉ đồng.
“Luật sư cần lưu ý, không cần phải trưng cầu giám định kết quả thẩm định giá tài sản mà cơ quan tố tụng căn cứ vào kết quả thiệt hại trong vụ án” - đại diện VKS nhấn mạnh.
SCB không có lỗi
Luật sư Trương Thanh Đức không đồng ý với khoản đền bù thiệt hại 677.000 tỉ đồng mà SCB đưa ra. Cách SCB lập luận và yêu cầu bà Trương Mỹ Lan khắc phục toàn bộ hậu quả là “rất phũ” trong khi 99% sai trái đến từ chính SCB (có 45 bị cáo là thành viên SCB trong vụ án). Việc SCB muốn rũ bỏ mọi trách nhiệm là không phù hợp đạo lý, pháp lý lẫn tình hình thực tế – hoạt động ngân hàng quá yếu kém.
Đại diện VKS khẳng định, trong xuyên suốt từ năm 2012 đến nay, bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo là cựu cán bộ tại SCB - do bà Trương Mỹ Lan sắp xếp đã sử dụng SCB như công cụ phục vụ mục đích tài chính của mình. Do đó, trong vụ án này SCB không có lỗi.
VKS cho rằng, các kiến nghị “VKS phải loại trừ các khoản vay không thuộc về bà Trương Mỹ Lan, yêu cầu không tính lãi phí các khoản vay này” là không phù hợp, không thể chấp nhận được. Không tính lãi vào các khoản vay chỉ phù hợp với các vụ án thông thường, các khoản vay đúng pháp luật, nhưng còn vụ án Vạn Thịnh Phát là cho vay ngược, tất toán nợ cũ, tạo nợ mới.
Bà Trương Mỹ Lan “tham ô tài sản” là có căn cứ
Các luật sư bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan tiếp tục khẳng định VKS chưa đủ căn cứ quy buộc bà Trương Mỹ Lan phạm tội “tham ô tài sản”.
Đại diện VKS cho biết, bà Trương Mỹ Lan đã phạm tội ở hai giai đoạn khác nhau (trước và sau năm 2018). Các luật sư đã thống nhất hành vi vi phạm của bà Trương Mỹ Lan trong giai đoạn trước 2012 -2018 nên VKS sẽ tranh luận từ giai đoạn từ 2018 – 2022.
|
VKS nói truy tố bà Trương Mỹ Lan "tham ô tài sản" là có căn cứ |
Thứ nhất căn cứ Điều 17 theo Bộ luật hình sự năm 2015 thì nếu có 2 người trở lên cố ý thực hiện cùng một hành vi phạm tội, chủ mưu chỉ huy cầm đầu thực hiện phạm tội… thì gọi là “đồng phạm”. Các bị cáo trong vụ án đều thực hiện một chuỗi hành vi sai phạm, người sau nối tiếp sai phạm từ người trước. Mô hình sai phạm là người có cổ phần cao nhất, có quyền quyết định cao nhất sẽ bầu và ra lệnh cho các chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) và ban giám đốc.
VKS thống nhất ý kiến rằng “HĐQT và ban giám đốc luôn có quyền cao nhất tại ngân hàng” nhưng trong vụ án này, bà Trương Mỹ Lan biết rằng một người nắm giữ hơn 91% cổ phần tại 1 ngân hàng là sai quy định. Luật các tổ chức tín dụng quy định cá nhân chỉ nắm giữ 5% cổ phần, tổ chức chỉ nắm giữ 10% cổ phần.
Nếu căn cứ vào Điều 17, Bộ luật hình sự 2016 thì bà Trương Mỹ Lan là người cầm đầu, chỉ đạo, người tổ chức, xúi giục các bị cáo khác phạm tội. Từ đó VKS có đủ căn cứ để truy tố bà Trương Mỹ Lan tội “tham ô tài sản”.
VKS dẫn chứng tiếp, căn cứ vào Điều 353 Bộ luật hình sự 2015 có nêu, người nào lợi dụng “chức vụ, quyền hạn” chiếm đoạt tài sản thì quy vào tội “tham ô tài sản”. VKS đề nghị luật sư cần phân biệt rõ ở đây là “chức vụ, quyền hạn” chứ không phải là “chức vụ và quyền hạn”. Bà Trương Mỹ Lan đã không sử dụng “chức vụ” để điều hành mà dùng “quyền hạn” cao nhất tại SCB để điều hành những người có “chức vụ” làm công cụ phục vụ cho mục đích của mình. Do đó, truy tố bà Lan tội “tham ô tài sản” là đúng quy định pháp luật.
Bà Trương Mỹ Lan không có nhiều tài sản như lời khai
Luật sư Giang Hồng Thanh nhiều lần nói, trước khi vụ án xảy ra, SCB vẫn đạt lợi nhuận hàng trăm ngàn tỉ đồng thì bà Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt gì của SCB? Đại diện VKS khẳng định, thực tế bà Trương Mỹ Lan không hề có nhiều tài sản, không có tài chính dồi dào như lời bà Lan đã khai. Cách đặt câu hỏi của luật sư không có căn cứ, chứng tỏ luật sư không nghiên cứu hồ sơ vụ án.
Trước khi hợp nhất 3 ngân hàng thành SCB mới, bà Trương Mỹ Lan đã có khoản nợ phát sinh là 48.759 tỉ đồng (gốc và lãi), đây là nợ khó thu khó đòi. Nếu bà Trương Mỹ Lan có tiền tại sao không trả nợ cho ngân hàng SCB mà sử dụng SCB để huy động tiền của người dân, tìm cách rút ruột SCB để mua bất động sản. VKS có đủ tài liệu chứng minh bà Trương Mỹ Lan chỉ có 60 tài sản bất động sản mua trước 2012, còn lại hơn 94,8% tài sản của bà Trương Mỹ Lan sau này là sử dụng tiền “rút ruột” từ SCB để mua thêm tài sản.
“Tiền ở đâu bị cáo chiếm đoạt? Là tiền huy động của dân. Ngân hàng Nhà nước gồng mình để cho SCB vay khoản tiền khổng lồ để chi trả dần, ổn định tình hình tài chính, không biết khi nào thu hồi đủ. Số tiền khổng lồ này đáng lẽ sử dụng nhiều mục đích cho chúng ta, con cháu chúng ta” - đại diện VKS gay gắt nói.
Luật sư Trương Thanh Đức nêu lần đầu tiên xét xử một doanh nhân mà án đề nghị tử hình là chưa phù hợp. Đại diện VKS nói: “Nếu vậy thì lần đầu trong lịch sử có một nữ doanh nhân sử dụng thủ đoạn tinh vi chiếm đoạt số tiền lớn “mà không có từ nào lớn hơn” như bà Trương Mỹ Lan. Trong khi tài sản bà Lan đưa vào đều là khống, cần thì rút ra, nâng khống tài sản. Cả chuỗi hành vi này đều do bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác đã khai nhận, không phải do VKS tự lập luận” – VKS đối đáp.
Tuyết Hoa Bích