Viện kiểm sát phản bác nhiều ý kiến bào chữa của luật sư trong vụ án Vạn Thịnh Phát

01/04/2024 - 20:46

PNO - Trong chiều ngày 1/4, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) tiếp tục đối đáp ý kiến luật sư bào chữa cho ông Chu Lập Cơ - và ông Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella.

Toà nhà Times Square định giá 35.000 tỉ đồng là phù hợp

Trước đó, trong phần bào chữa cho ông Chu Lập Cơ, các luật sư đề nghị cần xác định lại thiệt hại, chứng thư thẩm định giá của Công ty Hoàng Quân về tài sản là tòa nhà Times Square.

Đối đáp nội dung này, đại diện VKS cho biết, sau khi hợp nhất 3 ngân hàng thành Ngân hàng SCB mới, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các cá nhân tại SCB, Vạn Thịnh Phát và Công ty Times Square thực hiện lập hồ sơ vay khống để giải ngân 73 khoản vay cho 67 khách hàng với số tiền là hơn 29.441 tỉ đồng.

Đến năm 2017, khoản vay đến hạn nhưng do là khoản vay khống nên không thể thanh toán cho SCB. Bà Trương Mỹ Lan tiếp tục thống nhất với ông Chu Lập Cơ sử dụng tòa nhà Times Square để gia hạn đảm bảo, thế chấp cho các khoản vay đứng tên 54 khách hàng. Kết quả, đến ngày 17/10/2022, tòa nhà Times Square đang là tài sản đảm bảo cho 46 khoản vay có dư nợ hơn 39.217 tỉ đồng.

Kết quả giám định giá trị tài sản đảm bảo các khoản vay do ông Chu Lập Cơ ký để hợp thức hóa thủ tục vay vốn tại thời điểm tháng 9/2022 là 30.100 tỉ đồng. Do đó, ông Chu Lập Cơ đã giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho SCB là 9.116 tỉ đồng.

Ông Chu Lập Cơ
Ông Chu Lập Cơ

VKS cho rằng, chứng thư thẩm định giá của Công ty Hoàng Quân xác định tòa nhà Times Square là 35.000 tỉ đồng (do tòa nhà còn giá trị sử dụng là 24 năm) là phù hợp, hành vi phạm tội của ông Chu Lập Cơ kéo dài nên việc xác định hậu quả đối với bị cáo như cáo trạng xác định là có căn cứ, đúng quy định.

Ông Chu Lập Cơ là người nước ngoài, không rành tiếng Việt, do tin tưởng vợ nên mới ký vào văn bản. Song VKS đã xem xét ghi nhận hoàn cảnh phạm tội của ông Chu Lập Cơ trước khi đề nghị mức án.

Chấp nhận ông Nguyễn Cao Trí có thêm tình tiết giảm nhẹ

Trong phần bào chữa cho ông Nguyễn Cao Trí, luật sư không tranh luận về tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, theo các luật sư, ông Trí có đến 5 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, là người gây thiệt hại nhỏ nhất nhưng khắc phục hậu quả nhanh nhất, đang khắc phục nhiều hơn con số thiệt hại thật sự trong cáo trạng. Nếu chiếu theo Điều 59 Bộ luật Hình sự 2015 thì ông Trí thuộc trường hợp có thể nhận khoan hồng đặc biệt, xem xét được miễn hình phạt.

Đại diện VKS cho biết, ông Trí đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, có ý thức trách nhiệm bồi thường, tác động gia đình khắc phục hậu quả hơn 600.000 tỉ đồng. Ông Trí có 4 tình tiết giảm nhẹ, trong quá trình bào chữa tài tòa, các luật sư đã cung cấp thêm một tình tiết giảm nhẹ nữa là “ba mẹ vợ của ông Trí là người có công với cách mạng, được tặng huân chương”. VKS đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, ghi nhận thêm tình tiết này của ông Trí.

Ông Nguyễn Cao Trí
Ông Nguyễn Cao Trí

Về kiến nghị “xác định chấm dứt các công nợ, các giao dịch chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Văn Lang của ông Nguyễn Cao Trí và bà Trương Mỹ Lan” thì VKS cho rằng kiến nghị này có cơ sở chấp nhận.

Còn về kiến nghị “phần tiền bị kê biên là hơn 3 triệu USD của ông Nguyễn Cao Trí nên áp dụng theo tỉ giá vào ngày mới xét xử vụ án là 24.012 đồng/USD để cấn trừ vào số tiền ông Trí khắc phục hậu quả là 1.000 tỉ đồng. Cáo trạng đang tính theo tỉ giá 23.601 đồng/USD”. Theo VKS, lời đề nghị này có thể chấp nhận để có lợi cho ông Trí.

Với các bị cáo khác như ông Trương Khánh Hoàng - cựu quyền Tổng giám đốc SCB, VKS cho rằng ông Trương Khánh Hoàng có uỷ quyền cho ai thực hiện đi nữa thì vẫn phải chịu mọi trách nhiệm của một Tổng giám đốc. Cáo trạng quy kết ông Trương Khánh Hoàng là chính xác, có căn cứ.

Theo VKS, bà Trần Thị Mỹ Dung - cựu Phó tổng giám đốc SCB bị truy tố tội "tham ô tài sản" là có căn cứ vì thời gian phạm tội xuyên suốt từ năm 2019 đến 2022, đã hợp thức hóa 617 khoản vay, giúp bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt từ SCB hơn 200.000 tỉ đồng.

Luật sư cho rằng, dự thảo kết luận thanh tra ghi nhận SCB âm 4.964 tỉ đồng là lỗi kỹ thuật đánh máy. VKS khẳng định chi tiết này không có căn cứ vì báo cáo này 3 người thực hiện thì không có chuyện cả 3 cùng nhầm. Ông Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) có hành vi sai phạm với lỗi cố ý xuyên suốt trong nhiều văn bản. Hành vi thu hẹp phạm vi thanh tra là không làm đúng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, không báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước xuất phát từ lỗi chủ quan, chứ không hoàn toàn khách quan như luật sư trình bày...

Trong phần bào chữa cho các bị cáo, một số luật sư cho rằng VKS sử dụng các tình tiết như “không áp dụng tình tiết phạm tội có tổ chức”, “dùng thủ đoạn tinh vi”, “phạm tội 2 lần trở lên” để áp dụng tình tiết tăng nặng là không có căn cứ.

Theo VKS, các bị cáo trong vụ án đều là người có chức vụ, biết sai nhưng vẫn thực hiện theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan, lên kế hoạch thực hiện và chỉ đạo nhân viên giúp sức… nên đây là phạm tội có tổ chức.

Các bị cáo thành lập công ty “ma”, thông đồng với các công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản, lùi ngày ghi chứng thư, lập phương án rút tiền, “giải quỹ”… là phạm tội tinh vi.

Các bị cao đều biết khoản vay không đúng quy định nhưng vẫn ký hồ sơ giải ngân để giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan, đồng nghĩa phạm tội 2 lần trở lên.

Đối đáp giữa luật sư và VKS trong phiên tòa chiều ngày 1/4

Luật sư cho rằng có đến 1.186 mã tài sản là tài sản đảm bảo khoản vay chứ không phải 1.166 mã tài sản: VKS đề nghị các luật sư nghiên cứu kỹ tài liệu. Có 20 mã tài sản vừa đảm bảo cho khoản vay phát sinh giai đoạn trước và sau 1/1/2018, do đó khi tổng hợp phải trừ đi 20 mã tài sản này nên con số 1.166 mã tài sản mà VKS công bố là đúng.

Luật sư đề nghị phải trừ số tiền lãi khỏi số tiền thiệt hại: Theo quy định pháp luật thì trách nhiệm nợ, lãi là của khách hàng. Số hậu quả thiệt hại quy ước cho 2 bị cáo = tổng tài sản – giá trị tài sản đảm bảo do công ty Hoàng Quân định giá, SCB trích lập dự phòng rủi ro. Do đó, không có cơ sở pháp luật để trừ số tiền lãi khỏi số tiền thiệt hại như luật sư đề nghị.

Luật sư kiến nghị tại sao không yêu cầu định giá trong tố tụng hình sự mà sử dụng kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân: Kết quả đã chỉ rõ tài sản đảm bảo mà bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm dùng để chiếm đoạt và gây thiệt hại cho SCB là 677.000 tỉ đồng nên cơ quan tố tụng không yêu cầu định giá trong tố tụng hình sự.

Vì sao có sự chênh lệch đến 10 lần về giá trị định giá giữa Công ty Hoàng Quân và Savills: VKS khẳng định Công ty Hoàng Quân chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả định giá. Báo cáo giám định của Savills dựa trên việc xác định dự án được hình thành trong tương lai đã hoàn thành (vào năm 2025).

Luật sư cho rằng các Chứng thư thẩm định giá của Hoàng Quân là có sai sót, không đáng tin cậy, có sự chênh lệch 219 mã tài sản không được Công ty Hoàng Quân định giá: Một mã tài sản được đảm bảo cho nhiều khoản vay, có những mã chưa thực hiện thủ tục công chứng, đăng ký giao dịch đảm bảo. Do đó việc cộng cơ học của các luật sư là chưa chính xác

Tuyết Hoa Bích

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI