Viện kiểm sát khẳng định vai trò chi phối của cựu Chủ tịch Tổng công ty 3/2 vụ "đất vàng" Bình Dương

24/08/2022 - 16:30

PNO - Cựu Chủ tịch Tổng công ty 3/2 vừa là lãnh đạo của doanh nghiệp nhà nước, vừa đứng đầu một loạt công ty tư nhân "sân sau", bắt tay thực hiện kế hoạch thâu tóm hai khu đất 43ha và 145ha.

Ngày 24/8, TAND TP. Hà Nội tiếp tục xét xử 28 bị cáo trong vụ bán rẻ đất vàng xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (Tổng công ty 3/2), gây thiệt hại hơn 5.700 tỷ đồng.

Sau phần tự bào chữa của các bị cáo cũng như phần bào chữa của các luật sư, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) trình bày luận điểm đối đáp để bảo vệ quan điểm buộc tội. Một trong những nội dung tranh luận liên quan đến bị cáo Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch Tổng công ty 3/2.

Các bị cáo trong vụ đất vàng Bình Dương tại tòa
Các bị cáo trong vụ "đất vàng" Bình Dương tại tòa

Theo VKS, trong suốt gần 40 năm hình thành, phát triển của Tổng công ty 3/2, ông Minh "luôn là người đứng đầu, chịu trách nhiệm chính" về quản lý hoạt động của doanh nghiệp này.

Tại các công ty khác, ông Minh vừa là người tham gia trực tiếp điều hành, vừa là người có "mối quan hệ, ảnh hưởng chi phối" người thực tế quản lý, điều hành.

Điển hình như Công ty Hưng Vượng, ông Minh là Chủ tịch HĐQT, nắm giữ riêng 23% cổ phần. Hay như Công ty Phát Triển, ông Minh trên danh nghĩa không tham gia quản lý, nhưng con gái ông này là Nguyễn Thục Anh lại đứng tên Chủ tịch HĐQT.

Tại cả hai liên doanh là Công ty Tân Thành và Công ty Tân Phú, ông Minh bị quy kết vừa là người chủ trương thành lập, đồng thời cũng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT. Bị cáo vừa là lãnh đạo của doanh nghiệp nhà nước, vừa đứng đầu một loạt công ty tư nhân "sân sau", bắt tay thực hiện kế hoạch thâu tóm hai lô đất 43ha và 145ha bằng thủ đoạn "tiền trảm hậu tấu".

Khi liên doanh thành lập hai pháp nhân Tân Phú, Tân Thành, các hợp đồng liên doanh đều được ký kết trước khi báo cáo và xin chủ trương của Tỉnh ủy Bình Dương. Hành vi của ông Minh bị cáo buộc "có tính quyết định" trong chuỗi sai phạm góp vốn đầu tư và thỏa thuận giá cả để chuyển nhượng quyền sử dụng đất công trái quy định pháp luật.

Vẫn theo đại diện VKS, quá trình hình thành, phát triển về nguồn gốc vốn điều lệ của Tổng công ty 3/2 là vốn có nguồn gốc ngân sách Đảng và ngân sách nhà nước hỗ trợ. Xét về nguồn gốc ngân sách Đảng nói chung, ngoài nguồn đảng phí của đảng viên và các khoản thu khác thì chủ yếu hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước.

Tiền thân của Tổng công ty 3/2 là Xí nghiệp sản xuất hàng cao su 3/2 Sông Bé, được thành lập năm 1982, bởi Tỉnh ủy Sông Bé (sau này tách thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước), là đơn vị kinh tế của tỉnh, chịu sự quản lý mọi mặt của Tỉnh ủy, đồng thời chịu sự quản lý Nhà nước của UBND tỉnh.

Tháng 10/2010, qua nhiều lần đổi tên và chuyển đổi mô hình, doanh nghiệp trở thành thành Tổng công ty 3/2 hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Trong suốt 40 năm hoạt động, phát triển, Tổng công ty 3/2 được xác định "có mọi nghĩa vụ và quyền hạn như các doanh nghiệp nhà nước khác", nguồn vốn chủ yếu hình thành từ ngân sách nhà nước.

"Hơn ai hết, các bị cáo thuộc Tỉnh ủy và Tổng công ty càng phải gương mẫu chấp hành" - đại diện VKS nhấn mạnh…

Trước đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt 22 bị cáo phạm tội vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Trong đó, bị cáo Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy) và Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch UBND tỉnh) cùng bị đề nghị mức án 9-10 năm tù, Phạm Văn Cành (cựu Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương) 4-5 năm tù, Nguyễn Đại Dương (nghề nghiệp kinh doanh) 6-7 năm tù…

Về tội tham ô, VKS đề nghị phạt các bị cáo Võ Hồng Cường (Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty CP Hưng Vượng) 6-7 năm tù, Trần Đình Như Ý (Chủ tịch Công ty TNHH Phát triển) và Nguyễn Thục Anh (cựu Chủ tịch Công ty TNHH Phát triển) cùng 3-4 năm tù.

VKS đề nghị tòa tuyên ba bị cáo phạm cả hai tội nêu trên: Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch Tổng công ty 3/2) lần lượt bị đề nghị 14-15 năm tù và 15-16 năm tù, tổng hợp hình phạt 29-30 năm tù; Huỳnh Thanh Hải (Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty TNHH MTV đầu tư và quản lý dự án Bình Dương) 10-11 năm tù và 11-12 năm tù, tổng hợp hình phạt 21-23 năm tù; Trần Nguyên Vũ (cựu TGĐ Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương sau khi cổ phần hóa, gọi tắt là Tổng công ty 3/2) 12-13 năm tù và 12-13 năm tù, tổng hợp hình phạt 24-26 năm tù.

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI