Bà Trương Mỹ Lan gây thiệt hại hơn 677.000 tỉ đồng
Đối với kiến nghị xem xét lại tính pháp lý của chứng thư thẩm định của Công ty thẩm định giá Hoàng Quân và đề nghị xem xét lại thiệt hại của vụ án, đại diện Viện kiểm sát (VKS) vẫn giữ quan điểm rằng bà Trường Mỹ Lan đã gây ra thiệt hại cho ngân hàng SCB số tiền là 677.000 tỉ đồng.
VKS cho rằng, trong cáo trạng và những lời khai tại phiên toà, đều cho thấy bà Trương Mỹ Lan có một chuỗi hành vi xuyên suốt: Thâu tóm, chi phối, điều hành toàn bộ hoạt động SCB; sử dụng SCB như một công cụ cá nhân; tạo dựng hệ thống chân rết và công ty “ma” để rút ruột SCB; giải ngân trước, hợp thức hoá sau; nâng khống giá trị tài sản; cắt đứt dòng tiền, bán nợ xấu; mua chuột cán bộ, lãnh đạo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng để bưng bít sai phạm.
|
Đại diện Viện kiểm sát cho rằng có đủ cơ sở luận tội bà Trương Mỹ Lan giống cáo trạng truy tố |
Theo VSK, thiệt hại của vụ án không chỉ được xác định bằng trưng cầu định giá tài sản mà cơ quan tố tụng đã áp dụng thêm các biện pháp khác để thu thập (căn cứ theo điều 88 Bộ luật Hình sự). VKS không chỉ căn cứ vào kết quả thẩm định giá của Công ty thẩm định giá Hoàng Quân để xác định hậu quả vụ án mà căn cứ vào các biện pháp điều tra khác. Một số luật sư bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan có đưa ra các hồ sơ tín dụng có tài sản đảm bảo lớn hơn dư nợ gốc thì CQĐT sẽ tiếp tục làm rõ.
Với ý kiến ngân hàng nên giảm lãi, khoanh lại lãi suất để 86 bị cáo không chịu trách nhiệm về lãi, phí, đại diện VKS cho biết, hiện SCB phải thực hiện khoản vay đặc biệt với NHNN để trả nợ cho cho người dân. Do đó, các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự và dân sự các khoản nợ, lãi mà SCB đã vay từ NHNN là hợp lý.
Về ý kiến luật sư cho rằng việc SCB bán nợ xấu cho VAMC, bán nợ trả chậm và cấn trừ nợ đều là các biện pháp xử lý nợ hợp pháp theo quy định của pháp luật, VKS cho rằng, bán nợ là phù hợp nhưng nếu sau 5 năm mua nợ mà VAMC không bán được nợ thì nợ xấu đó vẫn quay về ngân hàng, buộc SCB phải tự xử lý. Trong khi đó, trong vụ án này bà Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền trước, sau đó mới bán nợ nhằm gán nợ nên bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc có “thủ đoạn chiếm đoạt tài sản” là có cơ sở.
Bà Lan “Vi phạm quy định về ngân hàng” và “Tham ô tài sản” là có cơ sở
Các luật sư cho rằng xuyên suốt vụ án từ thời điểm 1/1/2012 đến 1/2018, bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo đều thực hiện cùng phương thức, hành vi tương tự nhau nhưng cơ quan truy tố bà Lan về 2 tội danh khác nhau làm tăng hình phạt cho bị cáo. Trong khi đó, bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quyền hạn tại SCB, quyền quyết định vẫn là HĐQT SCB nên không thể quy bà Lan tội “tham ô tài sản”, việc quy bà Lan vào tội này chưa phù hợp với các quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật các tổ chức tín dụng.
Đại diện VKS khẳng định, 2 tội danh này của bà Trương Mỹ Lan là có cơ sở. VKS dẫn chứng, mặc dù bà Trương Mỹ Lan không phải là thành viên HĐQT nhưng kết luận tại cáo trạng và các lời khai tại toà đều đã chứng minh bà Lan là người đứng đầu tại SCB. Quá trình điều tra xác định rõ bà Lan đã thâu tóm, sở hữu, chi phối hơn 91% cổ phần tại SCB. Lời khai và bản kê theo dõi tình hình biến động cổ đông của Tạ Chiêu Trung (cựu Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB), bao gồm cả số cổ phần của 5 pháp nhân nước ngoài, lời khai của những người đứng tên cổ phần, lời khai của nhân viên Việt Vĩnh Phú; lời khai các cựu lãnh đạo SCB như Bùi Anh Dũng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung… đã thể hiện rõ vấn đề này.
|
Bà Trương Mỹ Lan tại toà |
Bên cạnh đó, 2 cựu Phó tổng giám đốc Vạn Thịnh Phát đã giao nộp 6 sổ chứng nhận sở hữu cổ phần của Công ty Công ty Việt Vĩnh Phú. Cơ quan chức năng đã thu giữ tài liệu 5 pháp nhân đầu tư tài chính vào Công ty Việt Vĩnh Phú tại văn phòng làm việc của bà Trương Mỹ Lan.
Ngoài tài liệu đã thu thập ở trên, VKS còn dẫn chứng quy định của Luật Doanh nghiệp có thể hiện rõ chỉ cần cổ đông có cổ phần hơn 10% là có quyền bầu ra vị trí HĐQT, cổ đông nào nắm giữ cổ phần cao nhất thì sẽ nắm quyền. Bà Trương Mỹ Lan nắm giữ trên 91% cổ phần SCB, cho thấy bà Lan nắm quyền.
Các luật sư có đề nghị chứng minh bà Trương Mỹ Lan có quyền chi phối 5 công ty nước ngoài này, cho rằng bà Lan không có quyền hạn để bố trí nhân sự, nhưng VKS cho biết, cơ quan điều tra đã có các tài liệu chứng minh bà Lan có sắp xếp, bố trí nhân sự để chiếm đoạt tài sản thông qua các lời khai của các bị cáo tại toà như “bà Lan không chỉ cho chức vụ mà khi nghỉ việc phải báo cáo bà Lan”. Dù bà Trương Mỹ Lan không nhận tội nhưng rõ ràng “từng nhân sự được bố trí thời gian nào, thuyên chuyển vị trí công tác đều thông qua và báo cáo bà Lan”. “VKS có đủ cơ sở khẳng định bà Trương Mỹ Lan thâu tóm cổ phần, có quyền quyết định tại SCB, có sắp xếp nhân sự vào vị trí chủ chốt. Do đó luật sư cho rằng bà Trương Mỹ Lan không phải chủ thể “tham ô tài sản”, không có quyền hạn tại SCB là không có căn cứ” - đại diện VKS nhận định.
Với ý kiến “một số bị cáo đồng phạm với bà Trương Mỹ Lan nhưng bị truy tố các tội danh khác nhau như”, đại diện VKS cho rằng theo quy định, nếu từ 2 người trở lên đã quy định vào tội “đồng phạm”. Từ năm 2012 đến nay, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã thực hiện 1 chuỗi hành vi phạm tội, có tổ chức, sử dụng thủ đoạn tinh vi xảo quyệt.
Cơ quan điều tra đã rà soát tính chất hành vi phạm tội và xác định có vai trò giúp sức của các đồng phạm này. Các bị cáo đều là người có kiến thức, chức vụ quyền hạn, vị trí cán bộ cấp cao, dù biết là hành vi phạm tội nhưng vẫn giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tiền nên bị truy tố tội “tham ô tài sản”. Với các bị cáo nhóm dưới, có người làm công ăn lương thực hiện theo chỉ đạo, có người có nhận thức sai phạm nên nghỉ việc… không có tham ô gì nên không chịu chung hình phạt về tội “tham ô” mà truy tố về tội “vi phạm hoạt động ngân hàng” hoặc tội danh khác.
Tuyết Hoa Bích