Viện Kiểm sát: “Bà Đỗ Thị Nhàn nhận hối lộ có mục đích nên tội và mức án phải nặng hơn”

01/04/2024 - 17:28

PNO - Đại diện Viện Kiểm sát tiếp tục đối đáp với luật sư bào chữa cho bà Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng Thanh tra của NHNN, Trưởng đoàn Thanh tra SCB) và ông Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó chánh thanh tra NHNN).

Bà Đỗ Thị Nhàn dùng thủ đoạn để nhận hối lộ

Trong phần bào chữa cho bà Đỗ Thị Nhàn, các luật sư cho rằng bà Nhàn, ông Hưng và các bị cáo khác trong đoàn thanh tra Ngân hàng SCB đều thực hiện cùng một chuỗi hành vi phạm tội, đều nhận hối lộ như nhau nhưng vì sao chỉ có mình bà Đỗ Thị Nhàn bị cáo buộc tội “nhận hối lộ” khiến mức án đề nghị với bà Nhàn rất nặng.

Đại diện Viện Kiểm sát (VKS) cho rằng, bà Đỗ Thị Nhàn có dùng thủ đoạn nhận hối lộ 5,2 triệu USD của bà Trương Mỹ Lan, động cơ và mục đích phạm tội khác nhau nên cáo buộc tội phải khác nhau.

Bà Đỗ Thị Nhàn đóng vai trò là trưởng đoàn thanh tra Ngân hàng SCB nên phải nhận thức rõ và đầy đủ tác hại nếu báo cáo sai kết quả thanh tra. Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Nhàn biết sai mà vẫn làm, có 2 lần gặp mặt bà Trương Mỹ Lan để thông báo kết quả sai phạm tại SCB để đưa ra các biện pháp đối phó.

Bà Đỗ Thị Nhàn
Bà Đỗ Thị Nhàn

Cụ thể, tại thanh tra đợt 1, bà Đỗ Thị Nhàn đã gặp bà Lan để hướng dẫn tất toán các khoản nợ xấu. Sau đó, bà Nhàn đã chỉ đạo bà Nguyễn Thị Phụng (phó đoàn thanh tra) và Tổ tổng hợp (Nguyễn Tuấn Anh, Vũ Khánh Linh) bỏ ngoài số liệu phân loại nợ xấu 37.953 tỉ đồng đối với 3 dự án (Mũi Đèn Đỏ, 6A và Royal Garden) tại chi nhánh Cống Quỳnh; làm thay đổi toàn bộ các chỉ tiêu tài chính của Ngân hàng SCB (nợ xấu, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế, hệ số an toàn CAR...) theo hướng có lợi cho SCB để hợp thức, đưa vào báo cáo đoàn thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra và các báo cáo trình Chính phủ. Bà Nhàn còn chỉ đạo Nguyễn Thị Phụng xây dựng báo cáo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ tại 4 cuộc họp năm 2018 với nội dung không trung thực, không đúng về sai phạm, vi phạm của Ngân hàng SCB và kiến nghị tạo điều kiện cho Ngân hàng SCB tiếp tục được tái cơ cấu.

Trong đợt thanh tra thứ 2, bà Đỗ Thị Nhàn là người chủ động đề xuất ông Nguyễn Văn Hưng thay đổi kế hoạch thanh tra nhằm thu hẹp phạm vi, thời kỳ thanh tra để không phải thanh tra khoản vay của 71 khách hàng có địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai.

Sau mỗi lần gặp gỡ bà Đỗ Thị Nhàn, bà Trương Mỹ Lan sẽ chỉ đạo ông Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB) thực hiện các công việc theo hướng dẫn của Nhàn. Để cảm ơn bà Nhàn, bà Lan đã chỉ đạo ông Văn đưa hối cho bà Nhàn 4 lần với tổng số tiền 5,2 triệu USD. Tại phiên tòa, dù bà Lan không thừa nhận nhưng lời khai với cơ quan công an của bà Nhàn, ông Văn và bà Lan đều khớp nhau về cách thức, vị trí, thời gian giao tiền; các hồ sơ, dữ liệu chuyến bay và các dữ liệu khác thu thập được đều phù hợp với cáo buộc trong cáo trạng.

Bà Trương Mỹ Lan là người chi phối, toàn quyền quyết định hoạt động SCB thì những quyền lợi mà bà Đỗ Thị Nhàn đã nhận trong quá trình thanh tra tại SCB phải có liên quan đến bà Trương Mỹ Lan. Hơn nữa, tại tòa, nhiều lần ông Võ Tấn Hoàng Văn khai “mỗi lần nhận tiền, chị Nhàn đều hỏi đó là tiền gì. Bị cáo nói đó là tiền chị Lan cảm ơn chị đã giúp đỡ SCB”.

Về quan điểm của luật sư “bà Nhàn nhận tiền khi đã kết thúc kết luận điều tra”, VKS cho rằng, quan điểm của luật sư chưa chính xác vì bà Nhàn đã nhận tiền 3 lần trong khoảng thời gian từ 3/2018 – 12/2018 - là thời điểm chỉ mới ban hành kết luận thanh tra chính thức được 1 tháng.

Như vậy, hành vi làm trái công vụ của bà Đỗ Thị Nhàn là xuyên suốt cả quá trình thanh tra, là phương thức, thủ đoạn để bà Nhàn thực hiện mục đích nhận hối lộ. Bà Nhàn là người đại diện ngành thanh tra, hành vi của bà Nhàn gây bức xúc trong dư luận, gây mất uy tín cho cơ quan nhà nước; hành vi, mục đích phạm tội của bà Đỗ Thị Nhàn khác với các hành vi của các cán bộ, thành viên trong đoàn thanh tra. Vì vậy, việc truy tố bà Nhàn tội “nhận hối lộ” là có căn cứ.

Ông Phạm Văn Hưng và các bị cáo khác nhận quà thụ động

Trong phần bào chữa cho ông Nguyễn Văn Hưng, luật sư cho rằng ông Hưng không phải là người chủ mưu, cầm đầu giống như bà Trương Mỹ Lan. Các luật sư của bà Đỗ Thị Nhàn so sánh vì sao ông Nguyễn Văn Hưng lại nhận mức đề nghị hình phạt thấp hơn bà Nhàn.

Đối đáp nội dung này, đại diện VKS cho biết, ông Hưng với vai trò là người ra quyết định thanh tra Ngân hàng SCB, có vai trò giám sát, chỉ đạo thanh tra, xây dựng báo cáo thanh tra gửi lên Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ, chỉ đạo giải quyết kiến nghị của các tổ thanh tra…

Ông Nguyễn Văn Hưng
Ông Nguyễn Văn Hưng

Mặc dù kết quả thanh tra tại SCB rất xấu, không đủ điều kiện tái cơ cấu, phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt nhưng ông Nguyễn Văn Hưng đã chỉ đạo bà Đỗ Thị Nhàn bỏ qua các sai phạm của SCB; không làm rõ tài chính của 71 khách hàng tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai… gây ra hậu quả nghiêm trọng. Như vậy, đã có đủ căn cứ để gọi ông Hưng là người chủ mưu, cầm đầu trong vụ án này.

Theo VKS, sở dĩ ông Nguyễn Văn Hưng bị cáo buộc tội danh khác với bà Đỗ Thị Nhàn là do việc nhận tiền, quà, lợi ích vật chất của ông Hưng và các bị cáo khác trong đoàn thanh tra là thụ động, không có hành vi bàn bạc với SCB. Số tiền, quà các bị cáo nói chung trong đoàn thanh tra nhận cũng khác với bà Nhàn. Vì vậy, cơ quan tiến hành tố tụng truy tố ông Nguyễn Văn Hưng và các bị cáo trong đoàn thanh tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là có căn cứ, đúng pháp luật.

Tuyết Hoa Bích

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI