Cả thanh xuân theo gánh hát, có biết tết là gì?
“Hồi trẻ tôi đẹp lắm, tính ra ai cũng sợ vẻ đẹp của tôi hết đó. Ta nói con gái mà nhìn tay chân tôi cũng thích, nhìn sướng nâng à. Này nha, đi diễn dịp Tết mà hồi còn trẻ, ngày hát mấy suất không biết mệt, khán giả cứ kéo tới ùn ùn, có biết Tết là gì đâu. Giờ thời gian dư giả mà cũng không biết tết, kỳ ghê ông ơi!”, tiếng nghệ sĩ Thiên Kim cười hỉ hả vang trên lầu 2 khu dưỡng lão.
|
Nghệ sĩ Thiên Kim kể về ngày xưa của mình cho một đồng nghiệp trẻ đến thăm |
Bà kể chuyện mang nặng đẻ đau 5 đứa con rồi giờ chỉ có đứa con trai út, cũng 50 tuổi là còn tới lui, chăm nom mà vẻ tự hào: “Con trai út của tôi giỏi lắm! Nó học giỏi, 10 ngón tay đều có hoa tay, hồi đó tôi không có tiền để cho nó học đành phải nghỉ ngang làm nghề may. Nhưng rồi nó may cũng đẹp, nó nhìn dáng rồi có thể may luôn áo dài vừa y. Vậy mà số nó khổ, nghèo nên cũng không chăm cho tôi được…”.
NS Thiên Kim mới kể tới chừng đó thì dưới lầu tiếng NS Ngọc Đáng vừa đi vừa nói, chẳng biết ai hỏi: “Tui không có ngủ trưa đâu, tui sợ mập. Tui năm nay 91 tuổi rồi, ngủ là ngủ luôn giấc đó nên sợ ngủ trưa lắm!”.
|
Sân khấu viện dưỡng lão sẽ sáng đèn mỗi đêm rằm |
Trên lầu viện dưỡng lão là nơi ở của nghệ sĩ Thiên Kim, Ngọc Đáng cùng vài gương mặt nghệ sĩ tiếng tăm thời trước nhưng ai cũng yếu, mỗi lần lên xuống cầu thang đều không dễ dàng. Trên lầu, nhiều phòng khoá trái cửa, đó là phòng của nghệ sĩ nào đó vừa qua đời hoặc phòng của người nằm viện mấy tháng rồi chưa về được. “Mấy căn phòng mà đi viện, có khi chắc cũng chẳng về, bệnh tình không giỡn được đâu nên mỗi ngày phải tập thể dục. Nay tôi cũng nhức chân quá nên có gì mới xuống lầu, không thì thôi”, NS Thiên Kim kể.
|
Thời gian nương náu ở viện dưỡng lão của nghệ sĩ Thiên Kim 18 năm thì nghệ sĩ Ngọc Đáng cũng 11 năm hơn. Cả 2 là bạn chung lầu. |
Rồi NS Ngọc Đáng cũng lên tới trên lầu, cứ cười tủm tỉm: “Sao tới 1, 2 giờ chiều là mắt cứ muốn díu díu lại. Tôi sợ ngủ trưa vô cùng mà thiệt hay, cái người hay ngủ trưa thì điện thoại bị hư báo thức, cứ đang ngủ là báo”. Hỏi ra thì bà cũng đang chờ đứa con gái vào nhận đồ Mạnh Thường Quân cho mẹ để đem về nhà, sẵn tiện sửa giùm cái điện thoại.
Những sinh hoạt thường ngày tại Viện dưỡng lão nghệ sĩ, đến tết vẫn chừng đó việc làm lặp đi lặp lại:
Ở nhà dưỡng lão này cũng vui buồn bất chợt, có con vô thì vui, ai vô cho quà thì vui còn không chuyện ai người đó làm, cơm ai người đó ăn. Nghệ sĩ coi vậy mà khó tính, không ai chịu ăn chung, ngủ chung.
"Tết đến cũng vậy, tôi cũng ở trên lầu, sang thắp nhang tổ thì sang chứ 86 tuổi, tôi đâu còn ham chi tết”, NS Thiên Kim còn đang kể thì bạn cùng lầu của bà đã dựa lưng vô thành ghế mà ngủ. “Cái bà đó thiệt hay, nói sợ mập, sợ ngủ trưa mà ngủ ghê lắm, nhiều ngày ngủ muốn hết ngày ai cũng tưởng bả lăn quay ra rồi. Vậy mà chiều lại thức, xuống dưới lầu làm ly cà phê”, NS Thiên Kim nói thêm.
|
Ngày nào có đoàn vào thăm, các nghệ sĩ tụ họp xuống sân ngồi chuyện trò rôm rả còn thường ngày, phòng ai người nấy ở |
Trên lầu này, NS Thiên Kim là người vô Viện dưỡng lão sớm nhất, cũng ngót nghét 18 năm trời. Từ hồi con trai út có vợ là bà vô đây ở hẳn, thăng trầm gì ở khu nhà nghĩa tình này bà nắm hết. Ai vô, ai ra, ai chết đi, ai hay khóc bà đều biết mà có kể ai nghe. Hết thời vàng son, tuổi trẻ, bà chẳng màng nói chuyện người khác nữa, cứ đời mình, mình sống.
Vậy mà trong ngôi nhà này cũng có kiểu giận hờn, người này được con vô thăm nhiều hơn thì người kia buồn, tủi. Rồi ai trên lầu đi xuống còn khoẻ, còn nhanh, ca còn có hơi hám thì cũng hãnh diện với người còn lại, niềm vui tuổi già chỉ chừng đó nhưng vắng ai là buồn hiu.
“Bà Ngọc Hương bị yếu trong người mà không biết nên chừng đổ bệnh ra được mấy ngày là đi. Từ ngày vắng nó, cái khu này cũng buồn hơn mà 1 năm cứ tầm 1 - 2 người mất đi, vắng dần vắng dần. Chừng người nào trụ lại cuối chắc buồn lắm à!”, NS Thiên Kim lại cười, nếp nhăn xô lệch, cứ nhắm híp lại rồi nước mắt chảy ra.
|
Trong viện dưỡng lão có 5 con chó, nghệ sĩ nào cũng xem chúng như bạn |
Ai cũng buồn mà không nói
Giữa trưa, NS Lệ Thẩm (84 tuổi) cũng không ngủ được, cứ đi ra đi vào, hết lấy đồ ăn cho chó rồi lại dọn dẹp mấy mẩu rác đoàn từ thiện bỏ lại khi sáng. “Cả cái khu dưỡng lão này ít người ngủ trưa được nhưng tối thì 7 giờ hơn là ngủ hết cả. Tôi ở dưới giống như người giữ nhà, đi ra đi vô dễ. Mấy cây mai này, tụi nhỏ tình nguyện đến lặt lá rồi treo giấy lên chứ trong nhà này không ai đụng tới đâu, 3 ngày xuân nhanh qua mà nghệ sĩ còn sức đâu để làm”, cô đào Lệ Thẩm năm nào từ tốn.
|
Một góc viện dưỡng lão ngày cuối năm |
Trường hợp vào nhà dưỡng lão của NSƯT Lệ Thẩm cũng đau lòng như bao hoàn cảnh khác. Bà có người con gái duy nhất nhưng hoàn cảnh con cũng khổ vì sinh tận 5 đứa con nên bà đi để con nhẹ gánh phần nào. Bà vào đây từ năm 1998, đến nay cũng thuộc dạng “lão làng” trong Viện nên dù trẻ tuổi hơn nghệ sĩ Thiên Kim, Ngọc Đáng nhưng lại được ở dưới trệt.
|
Từ trái sang: nghệ sĩ Lệ Thẩm, Ngọc Đáng, Thiên Kim |
Cô đào Lệ Thẩm ngày nào vẫn còn nguyên nét hiền lành, đôn hậu, đi đứng khoan thai nhưng hỏi ra mới biết mắt bên trái của bà giờ không nhìn được, mắt phải thì mờ như có sương, nhìn cũng tầm vài ba mét chứ không xa hơn. “Nhìn vậy chứ trong người nghệ sĩ nào cũng vài thứ bệnh. Tụi tôi ở đây vui hơn, có anh chị em nhưng tết thì cũng như ngày thường thôi, vui cũng không vui, mà buồn nói ra cũng không làm được gì nên ai cũng ngại nói”, NS Lệ Thẩm trầm ngâm.
|
Hoa mai ngoài sân khoe sắc nhưng phía trong nhà, nhiều nghệ sĩ chẳng thể ra để thấy được |
Trong ngôi nhà này, NS Diệu Hiền là người mới nhưng 3 năm nay, từ khi vào, khán giả tới thăm bà đông nhất. Mọi ngày, bà cũng đi ra đi vào hong nắng mà chiều này thì ngồi trong phòng chờ cơm, vì cả sáng có người đến thăm, đi nhiều lần nên mệt.
Cô đào chánh năm nào vào vai Triệu Thị Trinh trong Nhuỵ Kiều tướng quân ngồi trên giường vá tay áo. Cây kim nhỏ trên tay người nghệ sĩ ngoài 70 lượn lên lượn xuống trầy trật đủ chỗ.
“Năm nay, tôi vô chùa ăn tết vài ngày chứ không ở khu dưỡng lão. Từ ngày Cô Út Bạch Lan mất, rồi Ngọc Hương mất, tôi thấy buồn lắm nên cũng không muốn đi ra ngoài nhiều nữa. Tết ở đây buồn nhiều, ngoài sân mai nở chưa tôi cũng không để ý”, NS Diệu Hiền vừa may vừa nói.
|
Nghệ sĩ Diệu Hiền trò chuyện khi nghệ sĩ Hoài Thanh đến thăm |
Trong góc phòng nhỏ, bà dán hình của mình thời còn xuân sắc, góc thì để khăn choàng cổ, áo khoác, khu để thuốc uống. Trên tường, người học trò cũng vừa đem tặng cành mai, cành đào cho căn phòng có được chút không khí tết.
“Cái phòng này mai đào có hết nhưng ngoài cửa sổ không biết tết đến đâu rồi. Hỏi có buồn không thì cũng vậy à, hết ngày này thì qua ngày khác chứ muốn ở lại cũng đâu có được, thành ra cứ quanh quẩn trong phòng rồi lên chùa, nhớ con nhớ cháu thì về nhà rồi lại trở vô đây”, NS Diệu Hiền nói mà giọng nghe buồn buồn.
|
Nghệ sĩ Diệu Hiền ít ra ngoài phần vì đau chân, phần vì buồn khi người bạn - cố nghệ sĩ Ngọc Hương đã mất |
Buổi chiều ở viện dưỡng lão vắng người ra kẻ vào, con số 22 nghệ sĩ sống tại đây chỉ có vài người là thường tới lui vườn cây, nhà bếp còn lại nhờ người khác mang giùm. Duy có việc thắp nhang tổ thì đều đặn mỗi ngày, ai khoẻ thì 2 bận, mệt hơn thì 1 lần khấn vái, chỉ trừ những ai không còn khả năng đi được thì tại tâm.
Những ông hoàng, bà chúa trên sân khấu thuở nào từ nhiều gánh hát, giờ đây quy về một mối trong hoàn cảnh buồn thương tuổi xế chiều, tìm niềm vui theo cách của mình.
|
Ban công phòng của nghệ sĩ Thiên Kim. Hôm nào con bà vào thăm, bà đứng ở đây nhìn xuống cho tới khi con đi khuất hẳn mới vào trong. |
Già rồi nên đừng có buồn nhiều, sống vui lên
NS Ngọc Đáng từ trên lầu đi xuống, đi sang bên đường làm ly cà phê cho tỉnh. Ở nhà này, nom bà là người vui vẻ nhất vì cứ cười suốt: “Ngày phải 2 cữ cà phê sáng chiều chỉ để cho tỉnh chứ sao tôi già mà tôi ngủ nhiều quá. Tôi không có bệnh tật gì, chấp hết cả cái nhà này, tôi khoẻ nhất đó. Bí quyết là đừng có suy nghĩ gì nhiều, muốn ăn thì ăn, ngủ thì ngủ. Chuyện gì cũng giải quyết được hơi đâu mà lo cho già”.
|
Nghệ sĩ Ngọc Đáng tạo dáng bên cành hoa giấy, "ngó bộ bà còn trẻ lắm à nghen!" |
Nghệ sĩ Ngọc Đáng chia sẻ vài câu chuyện không đầu không cuối:
Bên hàng ghế đá, chị gái NS Mộng Lành – Đoàn tuồng cổ Minh Tơ, ngồi nhìn ra cổng, có ai vào hỏi gì bà trả lời đôi câu rồi ngồi im lặng. “Cả đời chị em sống xa nhau. Nó đi hát hết tuổi trẻ của nó. Tôi thì đi làm chuyện của tôi rồi cũng không ai có chồng con gì cả, đến cuối đời thì nó vô đây. Rồi không biết đi đứng sao, cách đây thời gian thì nó té giờ chỉ nằm một chỗ. Người ta thương nó nên cho tôi vào để chăm, ai cho tiền cũng để dành mua tã cho nó. Chị em đi cả đời giờ gặp lại hoàn cảnh này, thôi cũng được ở gần nhau”, chị gái NS Mộng Lành lại nhìn ra ngõ thở dài.
|
Chị gái nghệ sĩ Mộng Lành xin vào viện dưỡng lão ở hẳn để chăm sóc em của mình |
Không ai trong ngôi nhà này muốn nói đến nỗi buồn của người khác vì bản thân mình cũng có khác gì hơn. Người sống đơn chiếc không người thân, người có con mà con không nhìn mặt, có con mà con khổ cũng không chăm nom được cha mẹ già… rồi túm tụm vào trong viện dưỡng lão, vui những điều nhỏ nhặt, buồn những chuyện trần ai.
Trong nhà dưỡng lão có 5 con chó, vừa coi nhà vừa là bạn chơi cùng nghệ sĩ. Mỗi chú chó nào già rồi chết đi cũng khiến những người nghệ sĩ đau buồn như một đồng nghiệp vừa qua đời. “Thương lắm, tụi chó trong này khôn và sống có chất, chỉ ăn thịt không ăn xương. Nó cũng ở mười mấy năm, vui buồn gì cũng biết, ăn uống cũng có trật tự đứa trước, đứa sau. Chó của nghệ sĩ mà, phải vậy chứ!”, NS Lệ Thẩm lại cười.
|
Nghệ sĩ Lam Sơn được con trai vào đưa đi cắt tóc để... ăn Tết |
Chiều xuống, trên lầu 2, cặp bạn già Thiên Kim – Ngọc Đáng mở cải lương nghe, miệng cứ tòm tèm miếng bánh vợ chồng con trai út của NS Thiên Kim mới đem vào. Dưới lầu, NSƯT Lệ Thẩm chậm rãi đi qua gian nhà thờ thắp nén nhang chiều. Còn những căn phòng khác điện vẫn sáng nhưng nghệ sĩ thì nằm im chờ người vào đút cơm hoặc như NS Diệu Hiền, chỉ muốn nằm nghỉ ngơi sau một ngày dài tiếp đoàn khách đến thăm.
|
Đều đặn 5 giờ chiều là nghệ sĩ Thiên Kim, Ngọc Đáng lại ngồi trước ti vi nghe cải lương |
Rồi mai trời lại sáng, nhịp sống trong khu nhà dưỡng lão cũng sẽ bắt đầu từ rất sớm khi không người nghệ sĩ nào ngủ được quá nửa đêm. Nghe đâu, ngày mai lại có đoàn nghệ sĩ đến thăm, mang theo quà tết, lì xì dành cho những ông hoàng, bà chúa một thời trên sân khấu. Nếu đúng lúc vui mà khoẻ, NS Diệu Hiền sẽ ca Tần Quỳnh khóc bạn, NS Ngọc Đáng hát bài Làng tôi của nhạc sĩ Chung Quân, NS Lệ Thẩm cũng làm câu ca cổ phục vụ khán giả…
Nghệ sĩ Diệu Hiền ca Tần Quỳnh khóc bạn:
Đoàn nghệ sĩ đến thăm mấy chốc rồi cũng về, vậy mà nghe tin đoàn nào tới, mấy cô đào xưa cũng tranh thủ điểm chút phấn, tô chút son hoặc choàng thêm cái khăn, cái áo để dễ coi. “Hồi trẻ tụi tôi ai cũng đẹp, biết bao người theo mà về già lại sống đời như thế này. Cái nghề này nói bạc thì cũng bạc nhưng rồi ai mà không phải già đi. Điểm chút son, chút phấn soi vào gương thấy mình cũng đẹp à!”, NS Thiên Kim lại cười hà hà.
Tết ư, chắc tết còn dạo chơi đâu đó quên mất đường về nơi đây, để cái tết mà những nghệ sĩ lão thành này có, chỉ là còn trong hồi ức.
Diễm Mi