Viện dưỡng lão Thị Nghè (quận Bình Thạnh, TPHCM) những ngày cuối năm như có thêm sức sống khi đâu đó trong khuôn viên, sắc mai, sắc đào dần được “bung nở”. Dù chưa bao giờ, không khí chộn rộn, chạy vạy lo cho cái Tết đầm ấm, sung túc ghé qua đây nhưng bù lại, những niềm vui nhỏ bé vẫn được nhen nhóm.
|
Cụ Liên 81 tuổi, hàng ngày đều chào ngày mới bằng ly cè phê sữa đá |
Cụ Liên (81 tuổi) ngồi trên chiếc xe lăn điện, chạy chậm rãi trong khoảng sân rộng. Sáng nào cũng thế, nếu không đau ốm ở đâu, cụ Liên đều bắt đầu ngày mới bằng ly cà phê sữa đá đậm vị Sài Gòn. Dạo gần Tết, thời tiết trở lạnh vào sớm mai khiến vết thương từ vô vàn mảnh đạn vụn vẫn đang ghim trong chân cụ Liên trở nên ê ẩm.
Cụ Liên cười hề hà: “Bao nhiêu năm rồi, dù có gắp cặn kẽ thì vẫn còn những mảnh nhỏ như hạt cát ghim ở chân. Ban đầu, vết thương đau nhức nhưng lâu dần thì tôi cũng quen, chẳng còn thấy nó đau. Tôi cũng chẳng than làm gì vì số phận mình vậy thì chịu vậy”.
|
Những câu chuyện tại Viện dưỡng lão quẩn quanh vài điều nhỏ nhặt |
Ở trong Viện dưỡng lão này gần 30 năm, cụ Liên quen mặt từng người thân của các cụ sống ở đây. Ai thường vào thăm bố mẹ, ai thì bỏ lơ người thân, ai thường đau ốm, ai vừa từ giã cuộc đời trong hiu quạnh cũng được cụ Liên ghi nhớ. Cụ Liên không hạnh phúc hơn ai, không tự nhận bản thân đầy đủ hơn ai nhưng cụ Liên nói cách mình suy nghĩ ảnh hưởng đến cuộc sống của mình.
Cụ Liên có con, cháu đầy đủ nhưng chuyển vào Viện dưỡng lão ở cũng một phần ba cuộc đời vì muốn con cháu bớt lo, bớt “hành” người thân. Cụ Liên nói bản thân tàn nhưng không phế, vẫn có thể tự chăm sóc bản thân nên khi còn chủ động thì không nên phiền hà ai. Con cái sinh ra mang ơn sinh thành, dưỡng dục nhưng các con cũng có cuộc sống cá nhân, nếu không lo được cho con, cũng đừng bắt con phải lo ngược lại, tiếng cụ Liên đứt quãng nhưng rõ ràng từng chữ một.
|
Một góc khuôn viên trong Viên dưỡng lão là nơi chuyện trò mỗi ngày của các cụ |
Tại Viện dưỡng lão Thị Nghè, có 56 cụ hưởng chế độ chính sách xã hội, 85 cụ ở theo dạng dịch vụ. Dịp gần Tết, người thân của một số cụ có đến thăm nhưng nhiều trong số đó vẫn đang mong chờ một cuộc họp mặt trước đêm giao thừa. Lọt thỏm ở một góc sân, cụ B., tôi tạm gọi như thế vì ngoài những thông tin chia sẻ về hoàn cảnh, cụ từ chối nói tên, từ chối ống kính từ phóng viên.
Cụ B. có 3 người con, 2 trai, 1 gái đều đã lập gia đình. Cụ sinh ra và lớn lên ở Hạ Long (Quảng Ninh), có thời gian sống ở Hà Nội, sau đó cùng con cháu chuyển vào Sài Gòn. Năm nay, Tết về với cụ B. cũng không khác 2 năm trước, kể từ khi dọn vào Viện dưỡng lão sống.
|
Góc sân của cụ B những ngày trước Tết được chăm chút kỹ hơn |
“Tôi không cần con cháu đến thăm vì tôi vẫn còn khoẻ. Nếu nhớ con, cháu thì tôi về còn không mong chúng nó vào thăm vì ai cũng có việc. Tôi cũng không phải nằm một chỗ nên muốn thì tôi về với con. Ngoài kia, xe cộ ồn ào, con cháu có công việc cả, tôi về thì có ai?”, cụ B. nói.
“Với cụ B., Viện dưỡng lão không buồn như nhiều người vẫn nghĩ. Ai muốn sống ở nơi yên tĩnh, không khí trong lành thì hợp với nơi đây. Còn ai muốn sống cạnh người thân, muốn được chăm lo, muốn nhìn con cháu mỗi ngày thì ở đây buồn lắm!”, cụ B. vừa nói vừa tỉa tót lại hàng bông vạn thọ mà bà gieo cách đây ít lâu, đợt này hoa không kịp nở chào Tết.
|
Cụ Nguyễn Thị Thanh đăng ký thực đơn ăn uống dịp Tết với nhân viên Viện dưỡng lão. Cụ vừa trải qua đợt bệnh dài nên khu vườn do cụ chăm sóc cũng dần trơ gốc, chết dần |
Trong lần trở lại Viện dưỡng lão, đúng một năm sau ngày tôi đến thăm, vẫn những gương mặt cũ từng thấy như cụ Quành, cụ Mai Văn Đột, cụ Mùi, cụ Thanh, cụ Minh... Mái tóc các cụ giờ đây dần bạc hơn, người thêm gầy gò và dấu hiệu cho thấy sức khoẻ yếu dần.
Nhịp sống quẩn quanh tại Viện dưỡng lão, thảng hoặc khiến ai đến đây đều cảm thấy như có một điều gì sắp tắt: một sự sống nào đó đang yếu dần trong khu trạm xá, một cuộc đời sống mòn qua từng ngày chỉ chờ đến khi nhắm mắt xuôi tay.
|
Cụ Hồng Liên, 82 tuổi vẫn còn minh mẫn, khoẻ mạnh. Cụ thường tập thể dục vào buổi sáng để mong tự chăm sóc được cho bản thân |
Buồn là thế nhưng nếu hỏi về nỗi buồn, không ai trong Viện dưỡng lão “cho phép” cảm xúc ấy được thốt ra thành chữ. Hầu hết, những phận đời ở đây tránh nói đến chuyện buồn, còn lại, nhiều người đã quen với những xúc cảm lẽ thường nên cũng không muốn nhắc lại.
Cụ Mai Văn Đột nói con của mình cũng muốn đón ông về ăn Tết nhưng ông mắc bệnh tim, bác sĩ dặn không nên đi xa vì “lỡ như có gì xảy ra, không kịp đưa đến bệnh viện”. Thành ra, Tết năm nào với cụ Đột cũng chỉ mong ngóng con cháu vào thăm.
|
Những thanh niên tình nguyện mang đến sắc mai vàng cho Viện dưỡng lão Thị Nghè |
Tại Viện dưỡng lão Thị Nghè, hỏi Xuân có về không thì thưa rằng có, bởi nhành đào, nhành mai cũng đã len lỏi vào từng góc phòng của các cụ. Nhưng, Xuân về không đồng nghĩa với niềm vui cũng về vì khi mọi người ngoài kia đang hối hả về nhà thì tại đây, nhà là nơi không phải ai cũng có, cũng được chào đón.
Những ngày cận Tết, ánh mắt mong chờ người thân vẫn luôn hướng về nơi cổng ra vào của Viện dưỡng lão. Trong nhiều lượt khách khứa đến thăm, chiếm phần nhiều là các tổ chức thiện nguyện, thỉnh thoảng trong đó mới có một vài gia đình đến thăm người thân. Có thể, trong 2-3 ngày nữa, nhiều cụ sẽ được gia đình đón về để cùng nhau chờ thời khắc giao mùa sang. Nhưng nếu vắng con cháu, cái Tết Canh Tý cũng sẽ nhẹ nhàng trôi qua vì tại đây, không mảnh đời nào là đơn độc.
"Chúng tôi cũng có bạn, không thân ít thì thân nhiều nhưng hay hỏi han nhau. Mỗi ngày, người này đi chợ, người kia đi chợ, tôi gửi mua chút đồ ăn vậy mà cũng thành bữa cơm ngon. Quan trọng, mình thấy quen với nhịp sống ở đây, quen đồ ăn, quen không khí có nhiều cây xanh nên rời đi có khi lại thấy nhớ", cụ Liên nói.
|
Những chiếc bánh mì còn sót lại sau bữa ăn được đem phơi để dành cho một lần ăn khác |
|
Một vài niềm vui nho nhỏ được gieo mầm bởi các tình nguyện viên |
Bài, ảnh: Diễm Mi