Viện dưỡng lão có gì đáng sợ?

13/05/2019 - 06:00

PNO - Tôi nhận ra, với người già, quỹ thời gian đã cạn, việc cho nhau những quãng thời gian chất lượng bằng sự ân cần thăm hỏi, sẻ chia, chính là món quà quý giá hơn mọi món quà mà ta có thể cho nhau.

Mẹ chồng tôi là người Pháp, nay đã 80 nhưng còn rất khỏe và năng động. Có lần, tôi đánh tiếng mời bà: “Mẹ ơi, khi nào mẹ già yếu thì về ở với chúng con nha!”. Bà cười: “Không, ta đã chọn cho mình một viện dưỡng lão ưng ý. Ở đó rất tốt, ta rất thích!”. Rồi bà thêm: “Ta không trông đợi vào bất cứ đứa con nào cả”. 

Vien duong lao co gi dang so?
 

Thoạt tiên, tôi hơi sốc khi nghe điều đó, bởi các con của bà đều rất quan tâm, chăm sóc mẹ. Nhưng sau khi tiếp xúc với nhiều người cao tuổi nơi tôi sống và đặt ra câu hỏi về sự sắp đặt cho những ngày già yếu, hầu như ai cũng cho biết, họ thích vào viện dưỡng lão hơn. 

Đi viện dưỡng lão ở Tây

Tôi từng đến vài viện dưỡng lão ở Pháp, khi thì tháp tùng mẹ chồng đi thăm, trò chuyện với người già trong đó, khi thì do yêu cầu công việc. Cũng như các bệnh viện, viện dưỡng lão ở đây không hề có mùi thuốc kháng sinh hay các loại mùi khác. Không gian thoáng đãng, nhiều cây xanh, các khu sinh hoạt chung xen kẽ các khu lưu trú. Đây đó, các cụ ông ngồi đánh cờ, các cụ bà ngồi tán gẫu. Số khác thì theo dõi các chương trình truyền hình yêu thích ở các sảnh rộng. Lác đác ở những góc yên tĩnh, vài cụ già ngồi đọc sách...

Ở đây, nhiều gia đình chọn đưa cha mẹ già tới viện vào các ngày làm việc trong tuần. Đến cuối tuần, họ lại đến đón cha mẹ về vui vầy bên con cháu. Những người có điều kiện còn thuê nguyên một phòng riêng biệt với đầy đủ tiện ích cùng các máy móc phục vụ nhu cầu chăm sóc y tế đặc biệt cho người ở. Căn phòng này cũng cho phép người ở có một không gian riêng tư, yên tĩnh... Đối với người già độc thân, không con cái, việc ở lại viện dưỡng lão được theo dõi sức khỏe, đáp ứng các nhu cầu y tế đặc biệt, rõ ràng là tốt hơn việc ở nhà một mình, ốm đau không ai biết, té ngã chẳng ai hay.

Trong thời gian ở viện, người già được chăm sóc, hỗ trợ rất tốt về các sinh hoạt cá nhân, từ việc tắm rửa, vệ sinh cho đến miếng ăn, giấc ngủ. Việc thăm khám sức khỏe được thực hiện đều đặn mỗi sáng mỗi chiều. Mỗi cá nhân với các điều kiện chăm sóc y tế đặc biệt cũng được lên lịch để các điều dưỡng viên phục vụ đúng thuốc, đúng lịch. Ngoài thời gian tham gia vào các sinh hoạt chung do viện tổ chức, ở đó, các tổ chức xã hội thường xuyên đến giao lưu, trò chuyện với người già.

Lại cũng có câu lạc bộ yêu chó, cứ mỗi tháng một lần, các thành viên đem thú cưng của mình vào giao lưu với các cụ già yêu chó. Bởi lẽ, nhiều người già rất mê chó nhưng không may, khi vào viện, họ phải để thú cưng của mình ở nhà. Những chú chó được huấn luyện, có thể tham gia các trò chơi, trình diễn để góp vui cho các cụ. Vuốt ve một chú chó, một cụ bà hóm hém nói với tôi: “Ta mê chó lắm! Chó là cả cuộc đời ta! Cả cuộc đời ta!”. 

Còn mẹ chồng tôi, cứ có thời gian rỗi là bà vô viện dưỡng lão thăm bạn. Vốn không quen biết nhau, nhưng cứ thăm nhiều lần, trò chuyện hoài thì thành bạn. Bà có thể biết ông A gia cảnh thế nào, khi nào con cháu đến thăm; bà B quê ở tận đâu, có bệnh gì, sở thích là gì… 

Tôi nhận ra, với người già, quỹ thời gian đã cạn, việc cho nhau những quãng thời gian chất lượng bằng sự ân cần thăm hỏi, sẻ chia, chính là món quà quý giá hơn mọi món quà mà ta có thể cho nhau. Tôi cũng thấy rằng, viện dưỡng lão trong mắt người già phương Tây không phải là nơi đáng sợ và buồn tẻ; không phải là nơi con cái… vứt bỏ cha mẹ. Ở đó, người già được chăm sóc chu đáo và thoải mái, không có cảm giác là gánh nặng với ai. Ngược lại, con cái cũng có thể yên tâm đi làm, bảo đảm cuộc sống.

Đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu?

Chuẩn bị cho đợt thực tập ngắn hạn trong khuôn khổ một khóa học tiếng Pháp, vài bạn học của tôi nói rằng, họ sẽ chọn thực tập tại các viện dưỡng lão vì muốn giúp đỡ người già và người tàn tật. “Nghĩ đến cảnh người già phải sống trong viện dưỡng lão thôi đã thấy buồn”, cô bạn người Brazil nói. Ở một khóa học khác, đề tài viện dưỡng lão cũng được đưa ra bàn tán sôi nổi. Và tôi nhận thấy, phần lớn dân nhập cư đến từ các nước đang phát triển hay kém phát triển đều không ủng hộ việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão trong tuổi xế chiều. Họ cho rằng, đó là một hình thức phủi trách nhiệm, bỏ rơi cha mẹ hay như cách nói của người Việt là “bất hiếu”.

Nhiều bạn Việt Nam đặt câu hỏi: tại sao cha mẹ có thể nuôi nhiều con mà không than thở, trong khi con cái lại không thể nuôi được cha mẹ mà phải gửi vào viện dưỡng lão? Ngược lại, nhóm bạn học đến từ các nước phát triển như Nga, Ý, Tây Ban Nha… (những người đã thấy thế nào là một viện dưỡng lão chất lượng) lại cho rằng đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là một giải pháp tốt cho cả cha mẹ và con cái.

Vien duong lao co gi dang so?
Ảnh minh họa

Là người Việt, tôi thấm đẫm nền giáo dục hiếu kính cha mẹ. Nhưng những gì tôi quan sát được từ thực tế lại cho thấy rằng, việc giữ cha mẹ tại nhà để chăm sóc không hề là thước đo của lòng hiếu thảo, cũng không chắc tốt hơn việc gửi cha mẹ vào một viện dưỡng lão chất lượng, uy tín.

Cuộc sống hiện đại, nhất là ở các đô thị Việt Nam không khác ở các nước phương Tây là mấy. Người lớn đi làm, trẻ con đi học, vắng nhà cả ngày. Mà bọn trẻ bây giờ, nếu có thời gian rảnh, đa phần chúng chúi đầu vào iPad, điện thoại hoặc hẹn hò bè bạn. Ông bà ở nhà cả ngày dài, ốm đau lặt vặt đôi khi cũng tự lo, đó là chưa kể còn phải lo cơm nước cho con cái.

Dẫu không phải trách nhiệm thì việc nhàn rỗi khiến người già cảm thấy buồn chán. Họ luôn cần việc gì đó để làm cho đỡ “buồn tay buồn chân”. Mà người già thì nay ốm mai đau, không tiểu đường, huyết áp thì cũng đau bụng, nhức đầu, không muốn phiền hà con cháu nên tự chịu đựng, xoay xở. Đó là chưa kể những khi hụt bước, sẩy chân và muôn vàn tình huống không ai lường trước được. 

Lại có những trường hợp, cha mẹ già không thể ở ổn định với bất cứ đứa con nào, cứ vài tháng lại chuyển từ nhà đứa này sang nhà đứa khác, có khi các con xa nhau cả trăm, cả ngàn cây số. Ở với con trai thì “kẹt” con dâu, ở với con gái thì “kẹt” con rể. Không tiếng bấc tiếng chì cũng mặt nặng mày nhẹ. Đến chơi vài hôm thì được, ở luôn lại không dễ. Cũng có khi, con dâu, con rể không phàn nàn gì nhưng chính cha mẹ già, với lòng tự trọng, cũng cảm thấy e ngại và không thoải mái vì cảm giác làm phiền con cái. Hoặc do tuổi cao, cha mẹ già đâm ra trái tính trái nết, con dâu thì không chịu, con rể cũng không ưng.

Mà, tuổi già như “chuối chín cây”, bước đi còn không vững, vệ sinh thân thể không xong, nhớ nhớ quên quên nay rày mai khác, đôi khi điều kiện sức khỏe lại cần được chăm sóc bởi các thiết bị y tế đặc biệt mà tại gia đình không có, thì việc sống một mình là nguy hiểm. Trong trường hợp này, việc có một viện dưỡng lão tốt để người già được chăm sóc chu đáo, trong tuần, con cái có thời gian rảnh thì đến thăm, cuối tuần lại thay nhau đón cha mẹ về vui vầy. Đó chả phải là giải pháp tối ưu, nhẹ nhàng cho cả đôi bên sao?

Bản thân viện dưỡng lão là một mô hình hiệu quả và nhân văn. Vấn đề là cách thức tổ chức, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho người lưu trú có đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người lưu trú cũng như thân nhân họ hay không? Và tại sao đây là một dịch vụ trả tiền, mà hiện nay, đa số các viện dưỡng lão ở Việt Nam luôn cho người già cảm giác như bị ở tù, còn con cháu lại không đành lòng đem gửi cha mẹ vào? Cho đến khi trả lời được các câu hỏi này, thì mỗi chúng ta đều canh cánh một mối lo: làm thế nào để thu xếp chu toàn cho giai đoạn tuổi cao sức yếu của cha mẹ?

Kim Toàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI