PNO - Viện Dược liệu đòi 10ha đất tại Q.9 để làm vườn cây thuốc và từ chối các cuộc họp với Q.12 trong việc tìm mặt bằng hoán đổi qua giới thiệu của Sở TNMT tại hai địa chỉ thuộc xã Vĩnh Lộc và xã Phạm Văn Hai.
Câu chuyện hàng ngàn học sinh tại Q.12 thiếu trường, thiếu lớp trong khi khu đất được quy hoạch xây trường lại nằm hoang phế vì đơn vị thuộc Bộ Y tế chờ có đất hoán đổi mới chịu di dời (xem bài 10 năm, quận chưa xây được trường vì vướng... cái vườn của bộ, đăng trên Báo Phụ Nữ TP.HCM số ra ngày 25/5) thu hút sự quan tâm lớn của bạn đọc.
Học sinh Q.12 không đủ trường học nhưng đất xây trường thì bỏ hoang
Bảo tồn hay dùng sai mục đích, bỏ hoang?
Trình bày về khu nhà đất hơn 1ha tọa lạc tại địa chỉ 75/4 Phan Văn Hớn (P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM) do mình quản lý, Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM (trực thuộc Viện Dược liệu, Bộ Y tế) cho rằng, đây là vườn bảo tồn gen và giống cây thuốc của các tỉnh phía Nam, trong đó có trên 300 loài cây với nhiều nguồn gen quý hiếm, đặc hữu, có nguồn gen còn số lượng cá thể rất thấp. Cũng theo trung tâm, bộ sưu tập nguồn gen cây thuốc tại đây là sản phẩm của rất nhiều thế hệ các nhà khoa học đã sưu tầm, thuần hóa và đang phát triển ổn định.
Thực tế, Trung tâm Sâm và Dược liệu được UBND TP.HCM tạm giao quản lý, sử dụng 10.887m2 đất nói trên từ năm 1983, đến năm 1993 hết thời hạn. Ngày 31/5/1999, Sở Địa chính - Nhà đất (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường) có tờ trình cho biết, trung tâm không còn sử dụng đất theo mục đích ban đầu là trồng dược liệu quý và sản xuất ứng dụng, nhà đất bị bỏ hoang, sử dụng không hiệu quả hoặc trồng một số cây không đúng theo mục đích tạm giao đất, vi phạm điều 26 Luật Đất đai.
Khi ấy, Q.12 là quận mới thành lập, có nhu cầu sử dụng đất để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng và kiến nghị UBND TP.HCM thu hồi đất để xây trường học. UBND Q.12 được giao phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết các tồn tại trên phần đất thu hồi, có kế hoạch bồi hoàn tài sản và công sức đầu tư trên đất cho Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM.
Cũng trong năm 1999, Thanh tra TP.HCM có quyết định thành lập đoàn thanh tra việc các tổ chức trong nước được nhà nước giao đất, cho thuê đất và việc đền bù giải tỏa ở Q.12. Theo báo cáo kết luận của đoàn thanh tra, phần đất tại P.Tân Thới Nhất do Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM quản lý đã bị bỏ hoang, sử dụng sai mục đích và chưa hoàn tất thủ tục giao đất, nên tiếp tục kiến nghị thu hồi. Tháng 3/2002, UBND TP.HCM ban hành quyết định số 853/QĐ-UB thu hồi đất giao UBND Q.12 quản lý, xây trường học.
Chỉ Q.9 mới là vùng đất cao?
Trong công văn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vào tháng 12/2016, Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM “giảng giải”: vườn bảo tồn nằm trên khu đất cao, suốt từ năm 1983 đến nay không bị ngập. Khu đất này thích hợp cho công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát triển nguồn gen và giống cây thuốc.
Sau 35 năm được giao đất, vườn dược liệu vẫn là vườn hoang ở quận 12, TP.HCM
Về việc di dời vườn nhằm giao đất lại cho UBND Q.12 xây trường học, Viện Dược liệu đã giao trung tâm tìm kiếm địa điểm mặt bằng hoán đổi và trung tâm đề xuất tìm chọn một khu đất có diện tích khoảng 10ha tại Q.9 để dời vườn cây về. Lý do là Q.9 có những khu đất cao, không bị ngập nước (thủy triều), có điều kiện tương tự cơ sở 75/4 Phan Văn Hớn.
Viện và trung tâm "phán" rằng, có như thế mới “đáp ứng xây dựng vườn đạt yêu cầu vườn bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc quốc gia khu vực các tỉnh phía Nam và Tây nguyên, cũng như phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo chuyên sâu nguồn nhân lực phục vụ phát triển dược liệu và kinh tế xã hội các tỉnh trong khu vực”.
Theo Cổng thông tin điện tử TP.HCM, thành phố này nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền Ðông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Ðịa hình tổng quát thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Ðông sang Tây. Do đó, ngoài Đông Bắc Q.Thủ Ðức và Q.9, vùng cao của thành phố còn nằm ở H.Củ Chi.
Suốt từ khi có quyết định thu hồi đất năm 2002 đến nay, trải qua nhiều cuộc họp có sự tham gia của đại diện Bộ Y tế, UBND TP.HCM luôn khẳng định việc bàn giao mặt bằng để Q.12 xây dựng, mở rộng Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ là không thể thay đổi. Đồng thời, từ năm 2009, UBND TP.HCM cho biết, đã có quy hoạch Khu Nông nghiệp công nghệ cao tại H.Củ Chi; Viện Dược liệu có thể lập dự án đầu tư nếu có nhu cầu sử dụng đất tại khu vực này.
Thế nhưng, đến năm 2012, Hội đồng khoa học Bộ Y tế cho rằng, một số cây không thể di dời, có nguy cơ bị chết và đề nghị được giữ lại quản lý, sử dụng nhà đất số 75/4 Phan Văn Hớn để triển khai các dự án. Theo UBND TP.HCM, khu đất đã được quy hoạch xây trường học, việc Bộ Y tế đề nghị tiếp tục sử dụng làm vườn ươm, trồng, bảo tồn gen và phát triển các loài dược liệu là không phù hợp với quy hoạch được duyệt.
Khu nhà đất bỏ hoang
Mãi đến năm 2014, khi có kết luận của Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế phải làm việc với UBND TP.HCM để bố trí đất mới phù hợp với công tác duy trì, phát triển vườn dược liệu và thực hiện lộ trình di dời, bàn giao nhà đất nêu trên, Viện Dược liệu lại đòi 10ha đất tại Q.9 để làm vườn cây thuốc và từ chối các cuộc họp với cơ quan chức năng Q.12 trong việc tìm mặt bằng hoán đổi qua giới thiệu của Sở Tài nguyên và Môi trường tại hai địa chỉ nhà đất thuộc xã Vĩnh Lộc và xã Phạm Văn Hai, H.Bình Chánh.
Bảo tồn tự nhiên mới là tối ưu
Trao đổi với chúng tôi, dược sĩ Trần Thị Thanh Hương - Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM - cho biết, việc bảo tồn gen và giống cây thuốc trước nguy cơ cạn kiệt là cần thiết. Tuy nhiên, mỗi cây thuốc lại phụ thuộc vào điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và sinh thái đặc trưng của các vùng đất khác nhau mới bảo đảm bảo tồn tốt giống, hoạt chất.
Do đó, có ba hình thức bảo tồn cây dược liệu, gồm bảo tồn nguyên vị, chuyển vị và bảo tồn tri thức bản địa. Bảo tồn nguyên vị là bảo tồn cây thuốc ngay chính vùng đất mà nó sinh sôi, phát triển, được phát hiện. Bảo tồn chuyển vị là hình thức tập hợp những cây thuốc có nguy cơ mất giống, tuyệt chủng về trồng trong những vườn ươm, vườn thực vật, nhà kính… Bảo tồn tri thức bản địa áp dụng tại những vùng có những bài thuốc gia truyền bí mật.
“Tôi cho rằng, việc bảo tồn tự nhiên như các vườn quốc gia là tốt nhất, vì vừa bảo tồn được sự đa dạng sinh học, vừa phục vụ tốt cho nghiên cứu. Hình thức bảo tồn chuyển vị với những cây thuốc không phù hợp điều kiện đất đai, tự nhiên thì chưa chắc bảo đảm giữ được giống và hoạt chất, thậm chí dễ có nguy cơ thoái hóa giống” - bà Hương nói.
Bàn về vườn bảo tồn gen và giống cây thuốc, dược sĩ Dương Hồng Tố Quyên - Phó trưởng khoa Dược, Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM - đánh giá, để có được khu vườn bảo tồn do con người xây dựng, cần phải kết hợp rất nhiều yếu tố từ nhân lực, tài lực, khoa học kỹ thuật đến các yếu tố môi trường, thổ nhưỡng, khí hậu, đất đai, nguồn nước… Mỗi loại cây, loại dược liệu sẽ thích nghi và sinh sống được ở môi trường đặc trưng riêng.
Ông Bùi Đắc Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc Công ty cổ phần Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười - đã bỏ hết tâm huyết vào khu bảo tồn và phát triển tràm gió nguyên sinh rộng 900ha tại Long An
Điều quan trọng nhất đối với cây thuốc là có hoạt chất hay không và yếu tố môi trường ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dược liệu. Do đó, một số dược liệu chỉ có thể trồng ở một số điều kiện môi trường nhất định mới cho hàm lượng hoạt chất đạt yêu cầu. Xu hướng thế giới hiện nay thiên về bảo tồn nguyên vị nhằm bảo vệ các loài, các chủng và các sinh cảnh, các hệ sinh thái trong điều kiện tự nhiên. Hình thức này chính là các khu bảo tồn tự nhiên và vườn ươm hoang dã (bảo tồn hay thuần hóa một số loài dược liệu trong điều kiện môi trường tự nhiên).
Khu bảo tồn tự nhiên là các khu bảo tồn tài nguyên hoang dã quan trọng được tạo ra để bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học. “Những khu bảo tồn tự nhiên của nước ta như các vườn quốc gia Tràm Chim, Nam Cát Tiên, Cúc Phương, Yok Đôn, Chư Yang Sin (Đắk Lắk), Chư Mom Ray (Kon Tum), Ba Vì… Đây là các khu vực có hệ sinh thái tự nhiên rất phát triển, có các loài động thực vật rất phong phú, cũng là nơi có các giống cây thuốc rất đa dạng. Để bảo tồn nguồn đa dạng sinh học này, cần có các chính sách, kế hoạch của nhà nước và chính quyền địa phương” - bà Quyên nhận định.
TP.HCM chỉ làm phòng thí nghiệm đối với dược liệu
Ngày 30/10/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1976/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, quy hoạch các vùng rừng, các vùng có dược liệu tự nhiên ở 8 vùng dược liệu trọng điểm bao gồm Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ để lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu, đạt khoảng 2.500 tấn dược liệu/năm; xây dựng 5 vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia đại diện cho các vùng sinh thái, là nơi tập trung, bảo tồn và trồng mới nhiều loài cây thuốc được thu thập ở các địa phương khác nhau, đại diện cho vùng khí hậu đặc trưng để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và phát triển dược liệu.
Theo quyết định này, Tây Nam bộ và Đông Nam bộ được quy hoạch phát triển trồng 10 loài dược liệu bao gồm các loài bản địa gừng, trinh nữ hoàng cung, nghệ vàng, nhàu, rau đắng biển, hoàn ngọc, tràm, xuyên tâm liên, râu mèo và kim tiền thảo với quy mô khoảng 3.000ha; ưu tiên phát triển tràm, xuyên tâm liên, trinh nữ hoàng cung. Trong quyết định này, TP.HCM chỉ được nhắc đến ở các phụ lục đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu phát triển dược liệu trọng điểm và nhà máy chiết xuất dược liệu quy mô công nghiệp 900 tấn cao khô/năm.
Trở lại yêu cầu “đòi” 10ha đất tại Q.9 để di dời vườn bảo tồn gen và giống cây thuốc của Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM với lý do “Q.9 là vùng đất cao” hoàn toàn đi ngoài các chủ trương, quy hoạch. Nếu chỉ vì lý do tìm nơi đất cao, Củ Chi cũng là vùng cao đã được TP.HCM đề xuất hoán đổi, nhưng cơ quan của bộ “không chịu”.
Nếu vẫn bảo đảm điều kiện tự nhiên tương đồng với TP.HCM, cả vùng Đông Nam bộ rộng lớn (như trong quyết định về quy hoạch vùng dược liệu của Thủ tướng Chính phủ) khả thi hơn đề xuất 10ha tại Q.9.
Cũng cần nói thêm, theo thống kê, hiện Viện Dược học có 7 vườn bảo tồn gen và giống cây thuốc trải dài trên cả nước. Ngoài “vườn” tại Q.12 (TP.HCM) với diện tích hơn 1ha, vườn lớn nhất của viện là Vườn cây thuốc Hà Nội với khoảng 2,2ha và nhỏ nhất là Vườn cây thuốc Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) với diện tích 3.000m2.
Vừa bảo tồn dược liệu, vừa phát triển du lịch
Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười thuộc xã Bình Phong Thạnh, H.Mộc Hóa, tỉnh Long An vốn là một vùng đất phèn, quanh năm hoang hóa. Hưởng ứng chủ trương khai hoang Đồng Tháp Mười, từ năm 1983, ông Nguyễn Văn Bé (Ba Bé) và các đồng nghiệp nhận nhiệm vụ đào kênh mương rửa phèn, đốn tràm, chặt lá và nấu dầu tràm suốt mấy năm ròng rã. Nhưng với nhận thức của một nhà khoa học và tầm nhìn của nhà lãnh đạo, ông Ba Bé đã cùng các cộng sự quyết tâm xây dựng nơi này thành một khu bảo tồn cây tràm gió nguyên sinh.
Ông Bùi Đắc Thắng
Ông Bùi Đắc Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc công ty - cho rằng, hiện đây là một trong những vùng trồng dược liệu trọng điểm của Long An nói riêng và cả nước nói chung. Ngoài bảo tồn, nghiên cứu, trồng trọt, công ty còn chế biến, sản xuất tạo ra dược phẩm, mỹ phẩm, sản phẩm từ các loại tinh dầu có giá trị thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, công ty đã mạnh dạn phát triển du lịch nghỉ dưỡng với tour ngay tại khu vực bảo tồn dược liệu, vì bộ phim cùng tên được quay ngoại cảnh chính tại đây. Đến năm 1988, trung tâm tập trung làm thủy lợi, đắp bờ bao, hình thành các khu đất chuyên biệt rừng nguyên sinh và bắt đầu trồng thử nghiệm những cây có tinh dầu quý như tràm trà, bạch đàn chanh, nghệ xà cừ, nghiên cứu tinh chế các loại tinh dầu tràm. Năm 2009, trung tâm trở thành Công ty cổ phần Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười, đã tạo ra bước ngoặt mới cho vùng đất ngập nước này.
UBND tỉnh Long An đã phê duyệt đề án xác lập “Khu Bảo tồn đa dạng sinh học, cây dược liệu Đồng Tháp Mười” - rừng đặc dụng cấp tỉnh cho công ty, bảo đảm cho khu này phát triển bền vững theo mô hình đa dạng từ dược liệu, du lịch, là nơi để sinh viên, học sinh các trường đến thực tập.