PNO - Năm 2024, tròn 100 năm ngày sinh soạn giả Viễn Châu (danh cầm Bảy Bá) - người để lại di sản đồ sộ khoảng 70 vở tuồng và hơn 2.000 bản vọng cổ, kỷ lục về số bài ca cổ của một tác giả.
Nhiều hoạt động vinh danh, tưởng niệm ông được tổ chức. Đặc biệt, tỉnh Trà Vinh khởi động chuỗi hoạt động quảng bá, kêu gọi gây quỹ xây dựng khu lưu niệm cố soạn giả, Nghệ sĩ nhân dân Viễn Châu.
Những “dấu son” nghệ thuật
Công trình khu lưu niệm cố soạn giả, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Viễn Châu được chủ trương thực hiện hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa. Các hoạt động vận động gây quỹ được UBND tỉnh Trà Vinh chủ trì, tổ chức tại TPHCM, Trà Vinh, Cần Thơ, Hà Nội… Nhiều nghệ sĩ khẳng định, dự án hoàn toàn khả thi, bởi dấu ấn của NSND Viễn Châu đối với nghệ thuật cải lương vô cùng sâu đậm.
Nghệ sĩ ưu tú Kim Tử Long và Nghệ sĩ ưu tú Phượng Hằng thể hiện bài ca cổ Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà nổi tiếng của soạn giả Viễn Châu
NSND Lệ Thủy là người xông xáo nhất trong các hoạt động hưởng ứng gây quỹ. Lần đầu tiên, bà dùng tư cách cá nhân kêu gọi văn nghệ sĩ các lĩnh vực - nhất là các nghệ sĩ trẻ - chung tay ủng hộ vì: “Dù ít dù nhiều, các em đều ca bài của chú Bảy”. NSND Lệ Thủy vẫn thường nhắc về cố soạn giả Viễn Châu với tất cả sự mến mộ và lòng tri ân. Bà kể: “Chú Bảy Viễn Châu là một trong những người dìu dắt tôi từ khi mới 13-14 tuổi. Mấy chục năm nay, khán giả vẫn nhớ đến tôi trong nhiều bài ca và các vở tuồng của chú Bảy. Tôi cũng là người hát bài tân cổ giao duyên đầu tiên - Chàng là ai - được chú Bảy viết vọng cổ cùng lời tân nhạc của Nguyễn Hữu Thiết”. Đây thực sự là “cuộc cách mạng” trong làng cổ nhạc. Ở tuổi 14, cô bé Lệ Thủy không khỏi lo ngại, nhưng được sự động viên của ông, bài tân cổ Chàng là ai qua giọng ca Lệ Thủy được đón nhận nồng nhiệt. Rồi chú Bảy viết thêm Người ấy là ai, Tôi viết tên anh, Cô hàng chè tươi… tiếp tục đưa tiếng hát Lệ Thủy vang xa.
Sinh thời, “vua vọng cổ hài” Văn Hường cũng hay nhắc: “Soạn giả Viễn Châu coi như là thầy tui rồi. Ổng là người sáng tạo ra trường phái vọng cổ hài, viết cho tui thu đâu cả mấy trăm bài”. Khoảng năm 1960, trong một lần lê la các quán cổ nhạc tìm giọng ca mới, soạn giả Viễn Châu đã “chấm” Văn Hường. Chất giọng tinh nghịch và cách ngân “ư… hự” độc đáo khi xuống vọng cổ của Văn Hường đã gợi cảm hứng sáng tạo cho Viễn Châu. Bài vọng cổ hài Đêm tân hôn ra đời, đưa Văn Hường đến với công chúng, mở đường cho ông tiến tới danh hiệu “vua vọng cổ hài”.
NSND Ngọc Giàu cũng từng chia sẻ: “Không có Viễn Châu là không có Ngọc Giàu” khi bà bắt đầu nổi tiếng từ bài Áo tình đắp mộ người yêu được soạn giả Viễn Châu viết cho thu đĩa. Tên tuổi Nghệ sĩ ưu tú Diệu Hiền gần như gắn với 2 bài vọng cổ Tần Quỳnh khóc bạn và Trụ vương thiêu mình của Viễn Châu…
Nhiều nghệ sĩ nhận định, soạn giả Viễn Châu có sở trường viết “đo ni đóng giày”, tôn vinh chất giọng lẫn kỹ thuật của người ca rất nhiều, nên dù đã thành danh hay nghệ sĩ mới đều mong muốn được ông viết bài ca cho mình. Danh xưng “ông vua” viết vọng cổ của Viễn Châu không đến từ số lượng mà từ các “hit” gắn liền tên tuổi các tài danh, như: Tình anh bán chiếu - Út Trà Ôn, Hoa lan trắng - Út Bạch Lan, Tiếng trống tàn canh - Thành Được, Tu là cội phúc - Minh Cảnh, Hòn vọng phu - Mỹ Châu, Hận Kinh Kha - Tấn Tài, Lòng dạ đàn bà - Minh Vương…
Di sản để lại
NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM - cho rằng, cái tên Viễn Châu cần được đánh giá đúng ở 2 lĩnh vực: một danh cầm và một soạn giả. Trong đó, danh cầm Bảy Bá đã được tôn vinh xứng đáng với danh hiệu NSND, nhưng soạn giả Viễn Châu lại chưa được ghi nhận đúng tầm. “Sự nghiệp đồ sộ ông để lại, qua rất nhiều năm mà đến giờ đi đâu cũng có người ca, người nghe từ trên mạng đến phong trào đờn ca tài tử - cải lương, vào trong đời sống. Các bài ca đó còn ghi nhận giá trị luân lý đạo đức rất nhiều, là sự đóng góp xã hội rất lớn.
NSND Lệ Thủy, NSND Trọng Hữu và các nghệ sĩ trẻ tham gia tiết mục Chuyện tình Hàn Mặc Tử trong đêm nghệ thuật “Viễn Châu - Trọn đời nghiệp cầm ca”
Từ năm 2020, Hội Sân khấu TPHCM đã làm hồ sơ đề xuất giải thưởng Nhà nước cho soạn giả Viễn Châu, nhưng vẫn chưa đạt kết quả. Với vai trò một tác giả, soạn giả Viễn Châu hoàn toàn xứng đáng nhận giải thưởng Nhà nước” - ông Trần Ngọc Giàu chia sẻ. Ông cũng cho rằng, các nhạc sĩ cần nghiên cứu, đánh giá toàn diện về đóng góp của danh cầm Viễn Châu (hay Bảy Bá) trong việc kết hợp tân nhạc vào bản vọng cổ để cho ra đời “tân cổ giao duyên”. Từ đó, rút ra cái gì được để phát huy, cái gì còn hạn chế để thay đổi, tiếp tục phát triển âm nhạc cải lương hôm nay.
Ông Hồng Quốc Khánh - Giám đốc nhà hát Tây Đô (Cần Thơ) - khẳng định: không có gì để bàn cãi về chất lượng tác phẩm của soạn giả Viễn Châu: “Đó là những bài ca hay về ca từ lẫn nội dung ý nghĩa; lời ca mộc mạc mà thấm, cốt truyện giản dị mà cảm xúc. Đó là điều mà các tác giả trẻ nên học tập”.
“Ông Bảy thường xuyên đưa vào bài ca những điển tích cũng như trích nhiều ca dao tục ngữ nên lời ca dù mộc mạc, gần gũi nhưng lại nghe sang, thâm thúy và ý nghĩa” - tác giả trẻ Phạm Văn Đằng nói. “Chuông vàng” Nguyễn Thanh Toàn cho biết, anh vẫn sử dụng nhiều bài của soạn giả Viễn Châu để đi hát và làm MV: “Tôi thường ca các bài Trúc Lan Phương Tử, Tình anh bán chiếu, Người điên yêu trăng… Ông viết văn vần rất dễ ca, lời văn dễ cảm nên cũng dễ thuộc, dễ diễn. Tôi cảm nhận, ông Bảy và các tác giả ngày trước, khi viết luôn nghĩ đến người ca, sao cho họ dễ ca, dễ diễn nhất”.
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 có thêm giải thưởng cho tác giả chuyển thể là bước tiến lớn, động viên lực lượng sáng tác.