Viễn cảnh tranh giành vắc xin đậu mùa khỉ khiến thế giới lo ngại

03/08/2022 - 09:46

PNO - Trước tình hình bệnh đậu mùa khỉ lan rộng, các quốc gia phát triển bắt đầu gom loại vắc xin sẵn có được cho là giúp phòng bệnh hiệu quả. Đáng chú ý, nhiều nước nghèo có thể rơi vào tình cảnh khan hiếm vắc xin như thời COVID-19.

Từ dư thừa đến khan hiếm

Cách đây gần một thập niên, Mỹ có khoảng 20 triệu liều vắc xin đậu mùa - cũng có hiệu quả chống lại bệnh đậu mùa khỉ - được đặt trong các tủ đông lạnh của kho dự trữ quốc gia. Số lượng lớn vắc xin này - ngày nay được gọi là Jynneos, có thể làm chậm sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ khi nó xuất hiện lần đầu tiên ở Mỹ vào giữa tháng Năm. Nhưng thực tế, nguồn cung cấp Dự trữ Quốc gia Chiến lược chỉ còn khoảng 2.400 liều có thể sử dụng được, đủ để tiêm chủng đầy đủ cho 1.200 người. Phần còn lại đều đã hết hạn. Bây giờ, khoảng mười tuần sau khi bùng phát dịch, nhiều người muốn chủng ngừa không thể tìm thấy vắc xin và có thể không thể tiêm chủng trong nhiều tháng tới. 

Ngay cả trước khi bệnh xuất hiện, một chuỗi sự kiện đã khiến kho dự trữ vắc xin gần như trống rỗng. Tại một số thời điểm, các quan chức liên bang chọn không bổ sung liều vắc xin mới khi những lô cũ hết hạn. Thay vào đó, họ đổ tiền vào việc phát triển phiên bản đông khô của vắc xin có thể làm tăng đáng kể thời hạn sử dụng. Một lý do cho việc giảm dự trữ vắc xin đậu mùa của Mỹ là các quan chức liên bang không coi bệnh đậu mùa khỉ là một vấn đề và hậu quả là hiện nay, bệnh đã nổi lên như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Tính đến cuối tháng Bảy, hơn 5.000 ca bệnh đã được báo cáo ở Mỹ, đó là số lượng bệnh nhân cao nhất thế giới.

Nhân viên y tế chuẩn bị liều vắc-xin bệnh đậu mùa khỉ tại trung tâm tiêm chủng Edison ở Paris, Pháp - ẢNH: AP
Nhân viên y tế chuẩn bị liều vắc xin bệnh đậu mùa khỉ tại trung tâm tiêm chủng Edison ở Paris, Pháp - ẢNH: AP

 

Với chỉ 16,4 triệu liều vắc xin đậu mùa khỉ Jynneos có sẵn trên toàn cầu, vẫn chưa rõ làm thế nào thế giới có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về vắc xin đậu mùa khỉ. Hiện tại, công ty công nghệ sinh học Đan Mạch Bavarian Nordic (BN) nắm giữ bằng sáng chế duy nhất do Cơ quan Dược phẩm châu Âu và FDA phê duyệt về vắc xin đậu mùa khỉ. Sự thiếu hụt vắc xin dự trữ, năng lực sản xuất có hạn của BN, và việc phân phối vắc xin sẵn có giữa các quốc gia có nguy cơ cao, là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng, thế giới ngày nay vẫn không được chuẩn bị tốt về khả năng triển khai vắc xin một cách hợp lý và công bằng so với thời đại dịch COVID-19. Với quyền sản xuất, phân phối vắc xin chỉ nằm trong tay BN và danh sách hơn một chục quốc gia chờ mua sản phẩm, Mỹ dự kiến ​sẽ là quốc gia nhận được nhiều vắc xin nhất vào năm 2022 với khoảng 14,4 triệu liều.

Các nước nghèo vẫn nằm ngoài cuộc đua

Tính đến cuối tháng Bảy, đã có hơn 22.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo ở gần 80 quốc gia kể từ tháng Năm, với khoảng 75 ca tử vong nghi ngờ ở châu Phi, chủ yếu ở Nigeria và Congo. Vào ngày 29/7, Brazil và Tây Ban Nha báo cáo trường hợp tử vong đầu tiên liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ. Ngay hôm sau, Ấn Độ cũng ghi nhận ca tử vong đầu tiên. 

Meg Doherty - Giám đốc Chương trình toàn cầu về HIV, viêm gan và các bệnh lây truyền qua đường tình dục của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - cho biết, có một “nguy cơ khá chắc chắn” rằng các quốc gia có thu nhập cao sẽ là những nước thắng thầu thu mua vắc xin. Bà Doherty chia sẻ: “Yêu cầu mà chúng tôi đã và đang tiếp tục nhấn mạnh là sự công bằng trong phân phối vắc xin”. Tiến sĩ Boghuma Kabisen Titanji - trợ lý giáo sư y khoa tại Đại học Emory (Mỹ) - nhận xét: “Những sai lầm mà chúng ta đã thấy trong đại dịch COVID-19 đã và đang lặp lại. Các quốc gia châu Phi vốn đối phó với dịch đậu mùa khỉ trong nhiều thập niên chỉ được nhắc đến ở phần chú thích trong các cuộc trò chuyện về phản ứng toàn cầu”.

WHO đang phát triển một cơ chế chia sẻ vắc xin cho các quốc gia bị ảnh hưởng, nhưng chi tiết về cách thức hoạt động của nó vẫn còn quá ít. Cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc không đưa ra đảm bảo nào về việc ưu tiên các nước nghèo ở châu Phi, và chỉ nói rằng vắc xin sẽ được phân phối dựa trên nhu cầu dịch tễ học. Một số chuyên gia lo ngại cơ chế này có thể quay về lối mòn đã thấy với COVAX - cơ chế do WHO và các đối tác tạo ra vào năm 2020 để cố gắng đảm bảo người dân các nước nghèo hơn được chủng ngừa COVID-19. 

COVAX nhiều lần bỏ lỡ các mục tiêu chia sẻ vắc xin với các quốc gia nghèo hơn. Tiến sĩ Ingrid Katz - chuyên gia y tế toàn cầu tại Đại học Harvard (Mỹ) - tin rằng, dịch đậu mùa ở khỉ “có thể kiểm soát được” nếu các loại vắc xin được phân phối một cách thích hợp. 

 Tấn Vĩ (theo New York Times, AP, Guardian, Health Policy)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI