Viêm phổi Covid-19: Tại sao hàng loạt người già tử vong?

12/02/2020 - 07:03

PNO - Tính đến ngày 12/2, trên thế giới có 45.168 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới, số người tử vong lên đến 1.115 ca với hơn 90% là người già.

Bệnh nhân cao tuổi bị nhiễm virus Corona thì tình trạng bệnh sẽ nặng hơn
Bệnh nhân cao tuổi bị nhiễm virus corona thì tình trạng bệnh sẽ nặng hơn

Con số bệnh nhân tử vong do dịch viêm phổi cấp nCoV (còn gọi là viêm phổi Vũ Hán - thành phố trung tâm của dịch bệch) vẫn chưa dừng lại ở Trung Quốc, mỗi ngày nó lại chạm mốc mới mà không ai mong muốn. Theo số liệu thống kê, hầu hết bệnh nhân tử vong từ 60 tuổi trở lên.

Tại sao người cao tuổi là đối tượng nguy hiểm nhất của bệnh viêm phổi Vũ Hán? Phải chăng việc suy giảm đề kháng ở người lớn tuổi là yếu tố quyết định sự sống còn của họ trong cơn đại dịch này?

Phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia hô hấp PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan – Giám đốc Phòng khám Đại học Y Dược 1 TPHCM để hiểu rõ hơn vấn đề này.

Phóng viên: Thưa bác sĩ, tại sao bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (nCoV) gây ra lại đặc biệt nguy hiểm với người già?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan: Người lớn tuổi vốn dễ gặp bất lợi về sức khỏe khi thời tiết thay đổi, hay có dịch bệnh, Vì mọi chức năng trong cơ thể người già đều suy giảm theo thời gian.

Đặc biệt, nếu người già có thêm các bệnh nền như: đái tháo đường, hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh lý tim mạch thì khi bị viêm phổi Vũ Hán sẽ dễ gây nguy hiểm hơn.

Các bác sĩ Trung Quốc ngày đêm làm việc để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm virus chủng mới ncoV
Các bác sĩ Trung Quốc ngày đêm làm việc để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm nCoV

* Bác sĩ có thể phân tích rõ hơn bệnh nhân có bệnh nền đái tháo đường, hen suyễn, COPD, tim mạch thì sẽ ảnh hưởng như thế nào nếu chẳng may bị viêm phổi Vũ Hán?

Bệnh nhân đái tháo đường dễ bị nhiễm trùng hơn và diễn tiến bệnh nhiễm trùng cũng phức tạp hơn. Do ở bệnh nhân đái tháo đường, các cơ chế miễn dịch để bảo vệ cơ thể đều suy yếu. Ngoài ra, các vi sinh vật trở nên độc hại hơn trong môi trường có lượng đường cao.

Các vi sinh vật cũng tăng kết dính với các tế bào trong cơ thể bệnh nhân đái tháo đường hơn so với người bình thường. Do vậy, bệnh nhân bị nhiễm virus corona chủng mới mà có thêm bệnh nền đái tháo đường thì sẽ làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn.

Đối với bệnh nhân hen suyễn, đường dẫn khí bị viêm mạn tính nên khi nhiễm nCoV thì càng dễ bị viêm phổi nặng hơn, tính mạng nguy kịch hơn.

Trong cơ thể con người, hệ thống tim mạch và hô hấp cùng phối hợp để cung cấp oxy cho cơ thể. Vì vậy khi phổi bị viêm, lượng oxy trong máu giảm, tim sẽ đập nhanh hơn, co bóp mạnh hơn để bù đắp, dẫn đến hậu quả là lượng oxy tiêu thụ của cơ tim gia tăng, nhưng thời gian nghỉ ngơi của tim và lượng máu nuôi tim lại bị giảm. Do đó những bệnh nhân có bệnh nền tim mạch thì nguy cơ thiếu máu cơ tim sẽ cao hơn, có thể gặp nguy hiểm khi nhiễm virus corona.

Đặc biệt với bệnh COPD – được các chuyên gia nhận định là bệnh nền nguy hiểm nhất và nguy cơ đe dọa tính mạng cao hơn những bệnh nền khác nếu bị nhiễm nCoV. Vì COPD cũng gây viêm mạn tính ở đường hô hấp như hen. Nhưng COPD nặng hơn hen vì chưa có thuốc chống viêm như COPD; bệnh nhân COPD thường có nhiều bệnh lý đi kèm.

Do đó, nếu chẳng may một bệnh nhân COPD bị nhiễm virus corona thì sẽ gặp nguy hiểm hơn.

Người già, có thêm bệnh nền là đối tượng dễ gặp nguy hiểm khi bị viêm phổi Vũ Hán
Người già, nếu có thêm bệnh nền là đối tượng dễ gặp nguy hiểm khi bị viêm phổi Vũ Hán

* Nếu người trẻ cũng có bệnh nền mà bị nhiễm virus corona chủng mới thì có nguy hiểm không, thưa bác sĩ?

Người trẻ có bệnh nền thì nguy cơ ít hơn người già, nhưng vẫn cần điều trị và kiểm soát bệnh nền thật cẩn thận.

* Người già có bệnh nền cần giữ sức khoẻ ra sao, lưu ý những gì trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, thưa bác sĩ?

Những bệnh nhân có bệnh lý nền cần điều trị và kiểm soát bệnh nền thật cẩn thận, người già càng phải tăng cường việc tự bảo vệ. Riêng với bệnh nhân COPD, cần chích ngừa cúm và chích ngừa viêm phổi, áp dụng các biện pháp nâng cao tổng trạng như ăn uống đủ chất và tập thể dục đều đặn.

Bên cạnh đó, các nguyên tắc phòng, chống nCoV đã được Bộ Y tế công bố cần được tuân thủ như: hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp, xúc miệng bằng nước sát khuẩn, đeo khẩu trang đúng cách và rửa tay bằng xà phòng.

* Đang trong mùa dịch, mọi người (kể cả người già, trẻ em) có nên đi chích ngừa cúm? Chích ngừa cúm có hạn chế hay phòng ngừa được bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra không, thưa bác sĩ?

Chích ngừa nói chung rất tốt cho sức khỏe, trong đó có ngừa cúm. Đang trong mùa dịch này, mọi người, từ trẻ em đến người già rất nên chích ngừa cúm.

Tuy hiện nay vẫn chưa có vắc xin ngừa 2019-nCoV nhưng chích ngừa cúm mùa cũng rất có lợi cho cơ thể. Vì ngoài việc bảo vệ người chích không mắc loại cúm này còn có lợi cho việc ngăn ngừa tái tổ hợp của virus khi mắc đồng thời cả 2 loại cúm mùa và 2019-nCoV.

* Xin cảm ơn bác sĩ.

Thùy Dương (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI