Viêm mũi họng kéo dài dễ biến chứng thành viêm tai giữa

27/07/2016 - 16:33

PNO - Nếu điều trị không dứt điểm, đa số trẻ bị viêm mũi họng (VMH) kéo dài sẽ bị biến chứng thành viêm tai giữa (VTG). Lúc này, bệnh nhi (BN) còn có nguy cơ bị các di chứng nguy hiểm khác.

Tại phòng Soi tai của BV Tai - Mũi - Họng TP.HCM, thường xuyên có nhiều phụ huynh (PH) đưa con đến khám. Đa số các bé dưới năm tuổi, thậm chí bé nhỏ nhất chỉ mới chín tháng tuổi. Những BN này đa số mắc bệnh VTG, nguyên nhân bắt nguồn từ viêm mũi, viêm amiđan hoặc viêm VA kéo dài.

Chị Trần Thị Thanh, mẹ bé Nguyễn Hoài Nam, 13 tháng tuổi (BN khám VTG) chia sẻ: “Con tôi bị sổ mũi, ho; gia đình tự mua thuốc cho uống nhưng không khỏi. Mấy hôm nay gọi không thấy bé nghe, lại hay quấy khóc, bỏ bú. Đưa đến khám mới biết bé bị VMH biến chứng thành VTG tiết dịch, màng nhĩ bị đục hết, giờ phải hút mủ và dùng thuốc kháng sinh. Nếu không thuyên giảm sẽ phải nhập viện”. Chỉ từ tháng Sáu tới nay, khoa Khám bệnh BV Tai - Mũi - Họng đã ghi nhận có đến 4.570 trẻ từ sơ sinh tới năm tuổi bị VMH, trong đó 1.148 bé bị chuyển biến thành VTG do không điều trị kịp thời.

Viem mui hong keo dai de bien chung thanh viem tai giua
Ảnh minh họa: Internet

Theo bác sĩ (BS) chuyên khoa II Nguyễn Thanh Vinh - PGĐ BV Tai - Mũi - Họng TP.HCM, thời tiết chuyển từ nắng sang mưa, không khí ô nhiễm, bụi bặm chính là nguyên nhân khiến lượng trẻ bị viêm hô hấp trên gia tăng. Đặc biệt, trẻ càng nhỏ khi bị VMH càng dễ chuyển thành VTG. Vòi nhĩ của trẻ nằm ngang, mở rộng hơn người lớn, nên đường thông thương giữa tai và mũi họng dễ dàng hơn, vi khuẩn, dịch tiết từ mũi họng dễ xâm nhập lên tai hơn. Số trẻ sơ sinh bị VMH có nguy cơ biến chứng thành VTG cao nhất vì sức đề kháng chưa đủ, khả năng chống chọi với bệnh tật kém.

Tương tự, tại khoa Tai - Mũi - Họng của BV Nhi Đồng 1, tình trạng trẻ từ hai-năm tuổi bị viêm hô hấp rồi biến chứng thành VTG khá nhiều. BS Phạm Nguyên Thái - khoa Tai - Mũi - Họng cho biết: “Có trẻ đưa vào bị VTG nặng, thủng màng nhĩ, viêm xương chũm, phải cho nhập viện. Nếu điều trị bằng thuốc vẫn không cải thiện được tình trạng bệnh, phải cho BN chụp CT, phẫu thuật để hút mủ, giải quyết mô sưng và nạo vét ổ áp-xe”.

Khi trẻ bị ho, sổ mũi kéo dài (dấu hiệu viêm đường hô hấp trên), PH cần đưa con đến BS để điều trị dứt điểm. Nếu thấy bé kêu đau nhói trong tai, sốt, quấy khóc, biếng ăn, bỏ bú, nghe kém thì có thể bé đã bị VTG cấp tính, cần được đưa tới BV chuyên khoa để điều trị kịp thời. Một khi PH thấy bé đã bị chảy mủ, chảy dịch từ tai và mũi, thì nhiều khả năng màng nhĩ đã bị thủng, ảnh hưởng tới thính lực. Nặng hơn, bệnh sẽ tiến triển thành viêm xương chũm, rò mủ ra ngoài da, thậm chí xâm lấn vào sọ não, nguy hiểm tính mạng.

Với trường hợp bị VTG, tùy mức độ bệnh, BS sẽ có hướng điều trị riêng. Khi bệnh được điều trị dứt, BN vẫn có nguy cơ bị các di chứng nguy hiểm về sau như hủy xương, viêm màng não, nghe kém… Vì thế, ngoài việc phát hiện kịp thời các dấu hiệu bệnh để đưa trẻ đến BS, PH cần biết cách giúp trẻ phòng tránh bệnh. PH nên cố gắng cách ly trẻ khỏi yếu tố bụi bẩn (ra đường đeo khẩu trang, giữ môi trường sống sạch sẽ), tránh nằm máy lạnh nhiều, mùa hè đi bơi ít. Đặc biệt, khi trẻ mắc bệnh, PH phải biết chăm sóc ban đầu như hút mũi, nhỏ mũi cho con. Làm được những điều đó, trẻ có mắc bệnh cũng mau khỏi, không tiến triển nặng.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI