Viêm kết mạc vì tắm hồ bơi

16/05/2016 - 14:19

PNO - Trung bình mỗi ngày có hơn 100 trẻ đến khám tại phòng khám mắt Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, TP. HCM, trong đó hơn 80% bị viêm kết mạc (VKM).

Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ bị VKM tăng cao là do đi bơi.

Ngứa, đỏ mắt sau khi tắm hồ

Chị Nguyễn Hà Vân ở P.9, Q.3 kể: “Trời nóng, lại nghe nhiều thông tin về trẻ em bị chết đuối do không biết bơi, nên vợ chồng tôi cho cậu con trai năm tuổi đi học bơi. Nhưng sau bữa bơi đầu tiên, tối về con than ngứa mắt, dụi mắt liên tục, đến sáng hôm sau thì mắt đỏ, đổ ghèn nên tôi đưa đến BV Nhi Đồng 1 khám. Bác sĩ (BS) kết luận cháu bị VKM do dị ứng với hóa chất trong nước hồ bơi, phải nhỏ mắt và uống thuốc cả tuần mới hết. Tôi đành gác lại ý định cho con học bơi, vì tìm hồ sạch mà vắng người sao khó quá”.

Bé Lê Khánh Hoàng, sáu tuổi ở P.16, Q.8 cũng tạm gác niềm vui học bơi vì thể chất ốm yếu và hay bị bệnh đường hô hấp. Dù nhà gần hồ bơi của một chung cư nhưng mẹ bé sợ con xuống nước dễ nhiễm lạnh sinh bệnh nên hầu như bé chỉ được đứng bên thành hồ xem các bạn tắm. Gần đây, do trời nóng bức, mẹ mới “thả” bé xuống nước. Như cá gặp nước, cậu bé lặn hụp tập bơi với ba. Nhưng hệ quả sau hai ngày đi bơi là bé Hoàng bị ho, lên cơn suyễn, mắt bị đỏ, sưng bụp.

Viem ket mac vi tam ho boi
BS Trần Châu Thái khám mắt cho bệnh nhi

BS khám cho biết, có thể hóa chất trong nước hồ bơi làm kích ứng cơn suyễn và khiến bé bị VKM. Phụ huynh Thanh Trúc tâm sự trên một diễn đàn: “Mới bơi có ba lần, con bị sốt, ho liên tục và đỏ mắt. Mình nghĩ chắc do thời tiết nóng quá, con lại ngâm trong nước nhiều và sợ nước hồ không sạch, nhiều bạn bơi chung nữa nên đã lây nhiễm bệnh. Con bệnh là ba mẹ phải thay phiên nghỉ việc ở nhà chăm nên oải quá, thế là phải nghỉ bơi”.

Để bé bơi an toàn

Theo BS Trần Châu Thái - Phòng khám Mắt, BV Nhi Đồng 1, hồ bơi là môi trường rất dễ lây bệnh, nhất là ở trẻ con. Hồ bơi càng đông người khả năng lây nhiễm càng cao. Môi trường nước hồ bơi có thể làm lây nhiễm bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, da, mắt… Riêng với mắt, bệnh thường gặp là VKM họng hạch (viêm họng và viêm hạch) và VKM dịch có chấm thường do virus Adeno gây ra. Virus này có trong dịch tiết mắt và mũi của trẻ bị bệnh.

Ở trường học, bệnh lây lan qua đường hô hấp khi trẻ hắt hơi hoặc dịch tiết nước mắt. Khi xuống hồ bơi, dịch tiết này làm nước bị nhiễm khuẩn, trẻ lặn hụp hoặc lỡ uống nước hồ bơi dễ bị VKM. Bên cạnh đó, bệnh VKM còn do hóa chất nước hồ bơi. Nước hồ bơi được khử khuẩn bằng dung dịch clo, dễ kích ứng mắt, đường hô hấp. Khi hồ vừa mới khử khuẩn, còn đậm đặc chưa đủ thời gian để clo hòa lẫn, bốc hơi, nế u trẻ xuống tắm sẽ bị kích ứng gây VKM, lên cơn suyễn… Ngược lại, nếu clo quá ít hay đã bốc hơi hết thì môi trường này không diệt khuẩn được, làm bệnh càng dễ lây lan.

Sau khi bơi, nếu trẻ có những dấu hiệu như: cộm, xốn, rát và mắt đỏ, ngứa, sưng nề, chảy nước mắt, nghĩ a là trẻ đã bị VKM. Nếu chăm sóc không tốt, hay dụi mắt hoặc dùng khăn không sạch lau chùi mắt thì sau hai - ba ngày trẻ sẽ bị bội nhiễm làm mắt đổ ghèn. Khi ghèn có màu vàng, xanh chứng tỏ mắt trẻ đã bị nhiễm trùng, dịch tiết lúc này không phải là nước mắt, mà là nhầy, mủ. Nếu chăm sóc tốt, có thể tự khỏi sau hai tuần. Nếu chăm sóc không đúng cách, có thể gây viêm loét giác mạc, làm mờ mắt hoặc có thể bị mù.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI