Việc tiêm chủng cho trẻ vẫn phải tiếp tục thực hiện

22/07/2013 - 17:22

PNO - PN - Vụ ba trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B tại BV đa khoa Hướng Hóa, Quảng Trị khiến nhiều bậc phụ huynh hoang mang lo lắng. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm y tế dự...

PV: Vì sao phải tiêm ngừa vắc-xin viêm gan siêu vi B? Tại sao phải chọn tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 tiếng sau sinh mà không vào thời điểm khác?

TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu: Bệnh viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút viêm gan B gây ra. Việt Nam là nước thuộc vùng có tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B cao, khoảng 10-20% dân số. Trẻ sơ sinh có nguy cơ lây nhiễm cao nếu mẹ bị nhiễm viêm gan B. Nếu trẻ sơ sinh bị lây nhiễm vi-rút viêm gan B từ mẹ sẽ có nguy cơ trở thành bệnh mạn tính là 90% và khoảng 25% trong số đó sẽ có nguy cơ bị ung thư gan và xơ gan.

Cho đến nay, chưa có thuốc đặc hiệu điều trị viêm gan B. Do đó, theo các chuyên gia trên thế giới, tiêm vắc-xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh là cách tốt nhất để phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con. Nếu tiêm muộn, việc phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con sẽ mang lại hiệu quả thấp. Ở nước ta, vắc-xin viêm gan B được triển khai tiêm cho trẻ em trong Chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1997.

* Mỗi năm TP.HCM sử dụng bao nhiêu liều vắc-xin viêm gan B và đã có ghi nhận ca nào phản ứng sau tiêm hay tử vong không?

- Bình quân mỗi tháng tại TP.HCM có khoảng hơn mười ngàn trẻ sơ sinh được tiêm vắc-xin viêm gan B liều đơn. Đến nay tại TP.HCM chưa ghi nhận trường hợp tai biến sau tiêm do vắc-xin viêm gan B.

* Sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B trẻ thường gặp phải những phản ứng gì? Phản ứng của sốc phản vệ ở trẻ như thế nào? Biện pháp nào để tránh những rủi ro?

- Sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B, có khoảng 5% trẻ bị đau tại chỗ tiêm, 1-6% có biểu hiện sốt nhẹ từ một-hai ngày sau tiêm. Dị ứng cũng có thể gặp nhưng rất hiếm, tỷ lệ khoảng 1/600.000. Giống như khi tiêm với mọi vắc-xin khác, việc giám sát và điều trị cần phải luôn sẵn sàng, kịp thời xử lý trường hợp có phản ứng dị ứng tức thì như sốc phản vệ hoặc phản ứng dị ứng nặng. Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, các bà mẹ nên đề nghị cán bộ y tế thăm khám trước khi tiêm cho trẻ. Nhân viên y tế phải tư vấn kỹ lưỡng cho gia đình bé. Cần tìm hiểu tiền sử bệnh lý của trẻ, gia đình, kiểm tra sức khỏe của mẹ, bé, nhất là các bé có bệnh lý bẩm sinh như tim mạch, bất thường nhiễm sắc thể do di truyền như hội chứng Down...

* Thời gian qua liên tục xảy ra phản ứng sau tiêm các loại vắc-xin, một số tổ chức trên thế giới cũng cho rằng đã có nhiều ca tai biến sau tiêm phòng viêm gan B, ông đánh giá gì về vấn đề này?

- Chương trình tiêm chủng quốc gia là chương trình đã được Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua, đã được các chuyên gia hàng đầu tham gia vào chương trình và được chứng minh qua các chứng cứ khoa học rõ ràng. Theo WHO, tỷ lệ tai biến sau tiêm vắc-xin viêm gan B là rất thấp. Đến nay đã có khoảng trên một tỷ liều vắc-xin viêm gan B được sử dụng cho trẻ và trường hợp tai biến ghi nhận là không đáng kể. Vắc-xin viêm gan B cũng như các loại vắc-xin hay thuốc đều có những phản ứng phụ hoặc tai biến nhất định.

* Việc ba ca tử vong trong một ngày do tiêm vắc-xin tại một điểm tiêm thì có phải là điều bất thường?

- Đã có phản ứng sau tiêm tức là có bất thường. Vấn đề là phải xem xét yếu tố, nguyên nhân bất thường đó là do đâu? Ví dụ như do cơ địa của trẻ, do quy trình thực hiện an toàn tiêm chủng, do quy trình bảo quản vắc-xin, hạn sử dụng của vắc-xin, tá dược trong vắc-xin... Chúng ta không thể kết luận vội vàng. Các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc để làm sáng tỏ vấn đề này.

Việc tiêm chủng cho trẻ vẫn phải được thực hiện cho đến khi có kết luận rõ ràng của cơ quan chức năng, không vì hoang mang mà không tiêm chủng cho trẻ, như vậy trẻ không được bảo vệ khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, hậu quả rất lớn.

 Tiến Đạt (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI