Việc thu mua tạm trữ lúa còn nhiều bất cập

18/04/2013 - 09:02

PNO - PNO - Đó là nội dung được các ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp khẳng định tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành việc thu mua tạm trữ lúa, gạo vụ Đông xuân năm 2012-2013 vào ngày 16/4 tại thành phố Cao Lãnh.

Báo cáo với đoàn kiểm tra liên ngành, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng cho biết, việc triển khai thực hiện thu mua lúa còn nhiều bất cập nên chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Điển hình là thời điểm thu mua. Theo ông Hùng, việc thực hiện thu mua từ ngày 20/2/2013 là chưa hợp lý, vì vào thời gian này Đồng Tháp đã thu hoạch trên 80% diện tích lúa và đa số nông dân đã bán tại ruộng nên không còn hưởng lợi từ việc thu mua tạm trữ. Đã vậy, việc triển khai thu mua của các doanh nghiệp (DN) lại rất tùy hứng, mà nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế triển khai chủ trương thu mua tạm trữ lúa có nhiều bất minh. “Cơ chế thẩm định để phân bổ chỉ tiêu cho DN mua tạm trữ không rõ ràng, thiếu công khai, không gắn kết với chính quyền địa phương nên xảy ra tình trạng một số DN có năng lực trên địa bàn đã không được phân bổ chỉ tiêu mua lúa tạm trữ”, ông Phan Kim Sa, Phó Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp bức xúc: “Đồng Tháp có sản lượng lúa hàng năm đứng hàng thứ ba cả nước, nhưng chỉ có bảy DN trong tỉnh được phân bổ chỉ tiêu 74.000 tấn gạo, tương đương 148.000 tấn lúa là chưa tương xứng”. Theo ông Sa, cơ chế triển khai thu mua tạm trữ rất kỳ cục. Nói là triển khai thu mua tạm trữ giúp địa phương, nhưng trên thực tế địa phương hoàn toàn “mù” thông tin về công tác mua lúa tạm trữ. Để có được con số, Sở Công thương phải điện thoại xin từng DN. Sự phối hợp này cũng rất tạm bợ khi không ít DN không hề báo cáo tiến độ thu mua theo đề nghị của Sở Công thương. Chính nạn “mạnh… ai nấy làm” đã dẫn đến hệ lụy: DN ngoài tỉnh xem thường việc thực hiện chỉ tiêu thu mua tạm trữ.

Viec thu mua tam tru lua con nhieu bat cap

Viec thu mua tam tru lua con nhieu bat cap

Theo nhận định của Sở NN-PTNT Đồng Tháp, phần lớn việc thu mua lúa của DN thông qua thương lái, nên nông dân chưa thực sự hưởng lợi đầy đủ chủ trương thu mua tạm trữ của Chính phủ

Theo tài liệu phục vụ đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh Đồng Tháp, tính đến ngày 31/3/2013 (thời điểm kết thúc đợt thu mua tạm trữ) các DN kinh doanh xuất khẩu gạo của tỉnh đã thu mua được 86.444 tấn (quy gạo), đạt 117% chỉ tiêu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Trong khi đó, 19 DN ngoài tỉnh chỉ thực hiện đạt 66% chỉ tiêu (99.625/151.000 tấn quy gạo. Chính những bất cập này đã làm cho nông dân bị bất lợi. Ông Nguyễn Thanh Hùng bức xúc: “Chỉ riêng việc triển khai mua tạm trữ chậm đã làm nông dân bị mất bình quân 500đ/kg lúa, nếu cân đối con số 80% trong tổng diện tích 210.000ha của vụ Đông Xuân thì nông dân Đồng Tháp bị thiệt gần 400 tỷ đồng”. Ngoài ra, theo ông Hùng, ngay cả khi đã triển khai, người nông dân vẫn khó chạm được mức lợi nhuận theo chủ trương của Chính phủ (ít nhất là 30%). “Nếu lấy giá thu mua trong khoảng thời gian từ 21/3 - 29/3 với giá lúa cao nhất là 5.300đ/kg thì trên lý thuyết nông dân lãi 27%. Tuy nhiên, trên thực tế, giá lúa chỉ tăng nhẹ trong hai tuần, sau đó lại giảm nên nhiều nông dân đạt lợi nhuận dưới 27%”, ông Hùng đề xuất: “Tới đây, việc tạm trữ nên hướng tới mục tiêu kịp thời-minh bạch và hài hòa lợi ích”. Theo ông Hùng, trước mắt nên hướng đến việc mua lúa để nông dân được trực tiếp hưởng lợi nhiều hơn so với việc thu mua gạo như hiện nay. Khi xây dựng chính sách tạm trữ, nên lồng ghép với chính sách xuất khẩu, không để cho DN thiếu năng lực được phân bổ chỉ tiêu…

Tùng Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI