PNO - PN - Các bé từng được đón nhận vào chùa Bồ Đề nuôi dưỡng, “được” đặt trùng tên như Tùng Anh, Duy Anh, Bảo Anh, Mai Anh, Vi Anh, Huy Anh… nay đã biến mất một cách khó hiểu.
Ngày 24/7, Báo Phụ Nữ nhận được “Đơn đề nghị điều tra” của các anh, chị Nguyễn Bích Ngọc, Nguyễn Việt Linh, Nguyễn Thị Phương, Lý Thúy Quỳnh, Nguyễn Thị Mai Phương, Bùi Vân Khánh Linh - những người từng làm thiện nguyện trong thời gian dài tại chùa Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội. Đơn đề nghị xác minh về sự “biến mất” không lý do của nhiều em bé mồ côi được nuôi tại chùa Bồ Đề.
Ảnh năm 2007 chứng minh sự tồn tại của Tùng Anh và Việt Anh tại chùa Bồ Đề, được nuôi dưỡng, Trong ảnh là sư cô
Quá nhiều nghi vấn
Chị Nguyễn Bích Ngọc cho biết: “Tôi đã đọc loạt bài Thâm nhập đường dây “kinh doanh” con nuôi ở Hà Nội đăng trên báo Phụ Nữ từ tháng 4/2013. Gần đây, trên các phương tiện thông tin, ni sư Đàm Lan (trụ trì chùa Bồ Đề) thanh minh “không có việc nhà chùa cho, nhận con nuôi” khiến tôi bức xúc. Sư Đàm Lan không cho ai nhận con nuôi, nhưng mới đây, tôi tìm được người mẹ nuôi của một trong những đứa trẻ đã “biến mất” ở chùa. Nhiều đứa trẻ xinh xắn, đẹp đẽ mà chúng tôi bế ẵm trong lòng từ khi còn nhỏ, sau một thời gian bỗng dưng “biến mất” một cách khó hiểu”.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi trích đăng lá đơn, và hình ảnh của những cháu bé bị nghi là đã “biến mất” do nhóm thiện nguyện cung cấp. Đơn nêu, “Trong quá trình tìm hiểu các dữ liệu ảnh cũ từng chụp các bé tại chùa, chúng tôi khẳng định, nhiều cháu bé đã không rõ đi đâu, về đâu? Ngày 19/7, tôi quay lại chùa Bồ Đề, gặp lại bà Nguyễn Thanh Hải, một người mà tôi quen biết đã chăm sóc trẻ từ năm 2007 tới nay, nhưng bà Hải chỉ trả lời qua loa và cho biết “chúng nó như chim, đã lớn rồi thì phải bay đi chứ”.
Bé Tùng Anh (hay còn gọi là Khoai), theo tôi nắm được, chính là bé sơ sinh chưa rụng dây rốn được nhà chùa nhận nuôi cuối tháng 8/2007, đến đầu năm 2008 bỗng dưng "mất tích". Khi tôi và các anh chị hỏi thì được các cô chăm sóc và sư cô trả lời: cháu được mẹ ruột đón về. Nếu là mẹ ruột đến đón thì khi giao cháu, có sự chứng kiến hay báo cáo cấp chính quyền, công an nơi sở tại?
Việt Anh vào cùng thời điểm Tùng Anh và Hùng Anh là tháng 8/2007, đến tháng 5/2010 bỗng dưng không còn ở chùa. Khi tôi và các anh chị em khác hỏi thì được biết, Việt Anh được một gia đình ở gần chùa nhận nuôi. Trong khi đó, trả lời báo giới, sư bà khẳng định từ trước tới nay chỉ cho nhận nuôi duy nhất một trường hợp ở Ngô Thì Nhậm. Vậy cháu Việt Anh đã được cho ai nhận nuôi?
Thời điểm năm 2007, tôi và các anh chị tham gia công tác thiện nguyện thì Minh Anh được gần một tuổi, chúng tôi hàng tuần đều sang chăm sóc, mua quà cho bé cùng với Tùng Anh và Việt Anh. Đến năm 2012, Minh Anh không còn ở chùa, nghe thông tin, Minh Anh được cô Cúc (một cô chăm sóc trẻ ở chùa, trực tiếp chăm sóc bé Minh Anh) đưa Minh Anh về quê nuôi. Đến ngày 19/7/2014, sau nhiều bài báo nghi vấn viết về chùa, tôi quyết tâm dò hỏi, thì nhận được thông tin: mẹ đẻ cháu đến đón cháu, đưa đi về tận Kiên Giang”.
Ảnh chứng minh Việt Anh được sư Đàm Lan nhận nuôi dưỡng tại chùa
Ảnh chứng minh sự tồn tại của bé Minh Anh tại chùa Bồ Đề
Dấu hỏi về cách đặt trùng tên trẻ
Những em bé bị biến mất khác, theo liệt kê của nhóm thiện nguyện gồm: bé Duy Anh, được đón nhận và nuôi dưỡng tại chùa năm 2009, đến ngày 19/7/2014 thì cháu không còn ở chùa nữa. Bé Bảo Anh được đón nhận và nuôi dưỡng tại chùa năm 2009, đến nay cũng không có mặt trong chùa. Bé Mai Anh được đón nhận và nuôi dưỡng tại chùa năm 2009, ngày 19/7/2014, khi nhóm thiện nguyện tới thăm, cháu cũng không còn ở chùa nữa. Bé Vi Anh được đón nhận và nuôi dưỡng tại chùa năm 2009, hiện cũng không có mặt ở chùa. Huy Anh được đón nhận và nuôi dưỡng tại chùa năm 2009, và giờ trong chùa không thấy sự hiện diện của bé. Khi nhóm thiện nguyện hỏi thăm cô chăm sóc trẻ ở chùa (làm việc từ năm 2007 đến nay) thì họ nhận được câu trả lời chung chung: “các cháu lớn rồi phải bay đi chứ!”. Khi bị truy hỏi tiếp: “ai đang nuôi dưỡng cháu hay mẹ ruột đến đón?”, thì cô nuôi trẻ trả lời mù mờ: thì các cháu đi các nơi khác
Ngoài ra, còn có một số bé mà nhóm thiện nguyện không nhớ tên, nhưng họ giữ được ảnh, nhân chứng, chứng minh được sự tồn tại của các cháu tại chùa Bồ Đề thì giờ không còn thấy xuất hiện.
Nhóm thiện nguyện cũng chia sẻ nỗi lo lắng: “Tên các cháu được đặt đều là “ANH”, chỉ khác nhau chữ đệm. Hiện tại ở chùa cũng có các bé mới mang tên Tùng Anh, Việt Anh… (là tên của những em bé đã biến mất), nhưng không phải là các bé mà chúng tôi đã từng chăm sóc. Với cách đặt tên này của nhà chùa, nếu ai không sang chùa thường xuyên, hoặc không sang chăm sóc các bé từ thời gian đầu (khoảng những năm 2007, 2008) đến thời điểm hiện nay, sẽ không thể phát hiện được sự biến mất của các cháu”.
Số lượng các bé tại chùa Bồ Đề nằm trong khoảng con số từ 100-150, không hề biến động bao gồm độ tuổi sơ sinh và từ 1-5 tuổi. Trong khi đó, số lượng trẻ vào chùa rất nhiều, mỗi năm đều tăng, vậy thực tế mỗi năm chùa nhận nuôi bao nhiêu trẻ? Danh sách các cháu được nhận từng năm? Khi nhận trẻ, chùa Bồ Đề có làm đăng ký và thủ tục khai sinh với chính quyền địa phương cho các cháu hay không?
Điều đáng nói, chùa Bồ Đề chưa có tư cách pháp nhân trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, không được quyền tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già neo đơn… Nhưng nhiều năm nay, hàng trăm trẻ mồ côi đã được sư trụ trì đón vào chùa sống lay lắt trong điều kiện tồi tàn.
Ngay sau khi loạt bài Thâm nhập đường dây “kinh doanh” con nuôi ở Hà Nội đăng trên báo Phụ Nữ (tháng 4/2013), UBND Q.Long Biên đã có văn bản báo cáo UBND và Sở LĐ-TB-XH TP. Hà Nội, đề cập đến việc nuôi trẻ ở chùa Bồ Đề.
Báo cáo cho biết, việc thực hiện quyền cơ bản của trẻ ở chùa chưa được đảm bảo. Cụ thể:
- Số lượng trẻ được nuôi dưỡng trong chùa lớn, người chăm sóc không đảm bảo về số lượng và tiêu chuẩn giáo dục nên một số trẻ bị lơ là, ảnh hưởng đến phát triển tinh thần và thể chất.
- Trẻ vào chùa không có biên bản giao nhận, thường xuyên thay đổi tên tuổi, tên do nhà chùa đặt... gây khó khăn cho công tác quản lý.
- Khi có đối tượng mới đến chùa, nhà chùa không báo cáo chính quyền sở tại và công an khu vực, gây khó khăn công tác quản lý nhân khẩu. Ví dụ, theo báo cáo của công an phường Bồ Đề, đến ngày 6/5/2013, tổng số đối tượng được nuôi dưỡng tại chùa là 200 đối tượng, đến ngày 10/5/2013 chỉ còn 192 người, nhà chùa không giải thích được lý do vắng mặt tám đối tượng.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết, đơn vị vừa bắt giữ vụ vận chuyển trái phép hơn 22 kg ma túy các loại từ Campuchia chuyển về Việt Nam.