PNO - PN - Thông tin về vụ mua bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề vẫn đang tiếp tục khiến dư luận phải “chóng mặt”. Chiều 12/8, người đại diện chính quyền thành phố khẳng định...
Ông Tháng, cha chị Thuận khẳng định chị Thuận đã mang con cho tại một tỉnh miền Nam
Ông Tháng, cha chị Thuận khẳng định chị Thuận đã mang con cho tại một tỉnh miền Nam
Ai đang hưởng 20 triệu tiền bán bé Cù Nguyên Công?
Trở lại vụ “mua bán trẻ em” xảy ra tại chùa Bồ Đề, hiện Nguyệt khai bé Cù Nguyên Công đã chết, nhưng cơ quan điều tra (CQĐT) chưa khai quật tử thi, chưa thể xác định đó có phải là bé Công thật hay không. Trong khoản tiền 35 triệu đồng bán bé Công, Trang khai được hưởng năm triệu đồng, Hà hưởng 10 triệu, còn 20 triệu đồng còn lại, công an đang điều tra làm rõ xem ai được hưởng. Cần nói thêm, trước khi hợp tác với CQĐT về vụ án này, Phạm Thu H. (mẹ đẻ bé Công) khẳng định: “Việc đưa bé Công vào chùa Bồ Đề gửi cũng như lúc đón ra đều phải trao đổi trước với bà Đàm Lan, sau đó bà Đàm Lan bảo tôi làm việc với Trang để viết giấy gửi con vào chùa”.
Liên quan đến sự mất tích đáng ngờ của 11 em bé được nuôi dưỡng ở chùa Bồ Đề từ năm 2007 đến nay, ông Phan Đăng Long - Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã khẳng định chắc như đinh đóng cột tại cuộc họp báo chiều 12/8 rằng: “Công an Hà Nội đã tìm thấy đủ 11 cháu bé, hiện các cháu đang được nuôi dưỡng tại gia đình, sau một thời gian được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề”. Cũng tại cuộc họp báo này, ông Phan Đăng Long thông tin: “Ni sư Thích Đàm Lan không liên quan đến vụ án “buôn bán trẻ em”, xảy ra tại chùa Bồ Đề”. Ngay lập tức, phát ngôn thay cho cơ quan tố tụng của ông Long đã gây “bão” trong dư luận.
Trước đó, tại cuộc họp báo ngày 5/8, Thượng tá Vũ Thái Hưng - Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Hà Nội khẳng định: “bà Đàm Lan cũng là đối tượng điều tra của vụ án “buôn bán trẻ em”, xảy ra ở chùa Bồ Đề”. Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát Điều tra công an TP. Hà Nội đã khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ trách nhiệm các đối tượng liên quan. Hơn nữa, đây là vụ án “đặc biệt nghiêm trọng”, nên phát ngôn của ông Phan Đăng Long tại cuộc họp báo chiều 12/8, liệu có “cầm đèn chạy trước ô tô”?
Không tìm thấy sự tồn tại của em bé đã được xác minh "trả về"
Ngày 14/8, trao đổi với PV Báo Phụ Nữ, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, đại diện nhóm thiện nguyện làm đơn yêu cầu điều tra về sự “mất tích” của các cháu đã chỉ ra những điều bất thường trong kết luận được các cơ quan chức năng công bố tại buổi họp báo chiều 12/8. Chị Ngọc cho biết: “Chúng tôi là người đứng đơn đề nghị điều tra, nhưng chưa được ai gọi, hỏi, ghi lời khai của chúng tôi để làm rõ những vấn đề mà chúng tôi nghi vấn. Một cán bộ Đội chống tội phạm buôn người đã từng gửi cho tôi bản danh sách thông qua điện thoại, khác hẳn với danh sách mà chúng tôi đề nghị điều tra. Mặc dù trong đơn, chúng tôi ghi rõ tên, tuổi, kèm hình ảnh của các cháu, nhưng không rõ vì mục đích gì mà tôi được gửi danh sách không liên quan như vậy?”.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 12/8, trên một số tờ báo xuất hiện một bản danh sách được cho là đã điều tra, do Công an Q.Long Biên phát ra, khiến nhóm thiện nguyện hết sức bất ngờ. Đơn của nhóm thiện nguyện có đề nghị ghi rõ tên, hình ảnh của bé Tùng Anh (gọi là Khoai, vào chùa Bồ Đề năm 2007) cùng một số bé khác. Nhưng, Công an Q.Long Biên đưa vào danh sách có tên bé Cù Duy Anh và Cù Huy Anh, không phải là những trường hợp mà nhóm thiện nguyện cho rằng đã bị biến mất. Bên cạnh đó, có ba cháu bé có tên trong đơn vẫn chưa được xác minh là Kiều Minh Anh, Cù Việt Anh và Kiều Mai Anh.
Phóng viên Báo Phụ Nữ đã đi xác minh cụ thể về nhân thân bé Tùng Anh, SN 2007 (tên khai sinh là Lâm Thuận Thiên) con chị Phan Thị Thuận, SN 1984, hộ khẩu thường trú tại xóm 8, xã Xuân Châu, H.Xuân Trường, Nam Định. Theo báo cáo của Công an Q.Long Biên, cháu Tùng Anh được mẹ đón về từ năm 2007, hiện đang sinh sống cùng mẹ tại địa chỉ trên. Nhưng, khi chúng tôi về xóm 8, xã Xuân Châu, những người lớn tuổi sống vài chục năm tại xóm khẳng định trong xóm không có ai tên Phan Thị Thuận và cả xã không có ai họ Lâm. Tại trụ sở UBND xã Xuân Châu, ông Phạm Văn Vinh - Phó chủ tịch kiêm Trưởng công an xã sau khi cùng các công an viên xem tất cả các sổ sách về hộ khẩu của xã khẳng định xóm 8 không có ai tên là Phan Thị Thuận, SN 1984. Chúng tôi đề nghị ông Vinh tìm xem xã có người nào có tên họ gần giống thì có trường hợp Phạm Thị Thuận, SN 1984.
Bố đẻ chị Thuận là ông Phạm Văn Tháng cho biết, gần chục năm trước, bốn người trong gia đình ông có đến chùa Bồ Đề xin ở lại để chữa bệnh. Được khoảng ba năm, cả nhà lại đưa nhau về quê. Chị Thuận yêu một người và có thai. Theo chị Phạm Thị Hòa, em gái chị Thuận, khi biết tin chị Thuận có thai, người đàn ông bỏ đi biệt tích. Những người trong gia đình chị Thuận đều cho biết, chị Thuận đã đem cho đứa con ở một tỉnh miền Nam nhưng không rõ tỉnh nào. Chị Thuận có lần đến chùa Bồ Đề chơi nhưng về ngay và lúc đó chưa mang thai. Năm 2007, chị Thuận không mang con về nhà và cho đến nay chưa bao giờ con trai của chị Thuận ở cùng mẹ tại xã Xuân Châu. Đầu năm 2014, chị Thuận đã cùng người bác sang Trung Quốc làm ăn, từ lúc đó chưa về nhà.
Chúng tôi trở lại trụ sở UBND xã, ông Phạm Văn Vinh khẳng định gần đây không có một đơn vị công an nào đến xác minh về trường hợp Phạm Thị Thuận và chính quyền cũng không thấy chị Thuận nuôi con ở quê. Trong trường hợp bản danh sách ghi chính xác tên tuổi thì xã Xuân Châu không có ai là Phan Thị Thuận. Nếu danh sách ghi nhầm (Phạm Thị Thuận lại viết thành Phan Thị Thuận) thì chị Phạm Thị Thuận cũng không nuôi con ở quê.
Một trường hợp khác mà nhóm thiện nguyện đặt dấu hỏi là trường hợp bé Huy Anh. Trả lời phỏng vấn báo chí, sư Đàm Lan khẳng định trong chùa không có ai là Huy Anh, nhưng khi nhóm thiện nguyện có đơn, trong danh sách mới được xác minh của Công an quận lại ghi rõ cháu Huy Anh đang sống tại chùa cùng mẹ là Nguyễn Thị Lan, 25 tuổi quê ở Nghệ An. Theo chị Ngọc, cách trả lời tiền hậu bất nhất của sư Đàm Lan khiến nhóm của chị không thể không nghi ngờ tính chân thực của danh sách các cháu đang ở trong chùa.
Ngày 14/8, PV Báo Phụ Nữ có cuộc làm việc với công an Q.Long Biên, thượng tá Nguyễn Viết Chức - Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Q.Long Biên lúc đầu còn khẳng định chắc chắn: “cán bộ dưới quyền của tôi đã điều tra kỹ càng, đến từng nhà, rà từng người…”. Nhưng khi PV Báo Phụ Nữ đưa ra chứng cứ về việc không có cháu Tùng Anh hiện đang được sống với mẹ ở quê, thì thượng tá Chức thừa nhận mình đã quá tin vào cấp dưới báo cáo, “chúng tôi tưởng là cán bộ đã đi xác minh cụ thể, hóa ra không phải…”. Ngay tại buổi làm việc sáng 14/8, thượng tá Nguyễn Viết Chức đề nghị PV Báo Phụ Nữ cung cấp bản danh sách thật của 11 trường hợp, cùng đơn đề nghị điều tra của nhóm thiện nguyện, ông hứa sẽ kiểm tra lại quy trình làm việc của cán bộ dưới quyền.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.