PNO - PN - Những ngày gần đây, trước sức ép của dư luận, ni sư Thích Đàm Lan (trụ trì chùa Bồ Đề) đã trả lời phỏng vấn nhiều tờ báo, thậm chí viết giấy cam kết với cơ quan chức năng, khẳng định chắc như đinh đóng cột
Sự “biến mất” đáng ngờ của bé Cù Việt Anh mà nhiều tình nguyện viên thắc mắc trong đơn đề nghị điều tra gửi các cơ quan chức năng là hoàn toàn có cơ sở. Ni sư Đàm Lan đã cho bé đi làm con nuôi một gia đình giàu có, trú tại phố P. (Hà Nội). Gia đình này đã có hai người con trai, bế bé Việt Anh về nuôi từ tháng 2/2009, đến tháng 9/2010 mới gửi đơn “xin nhận con nuôi” đến phường Bồ Đề. Hồ sơ cho-nhận con nuôi có bút tích của ni sư Đàm Lan tại nhiều văn bản như: giấy khai sinh, giấy thỏa thuận về việc cho và nhận con nuôi…
Trong số hồ sơ từ độc giả gửi về báo, có giấy xác nhận của chị Ánh(*), trú tại huyện Tam Nông, Phú Thọ, viết ngày 18/5/2011. Chị Ánh tự nhận mình là mẹ đẻ của bé Cù Việt Anh, sinh bé tại Bệnh viện E ngày 1/10/2007. Giấy xác nhận được chị Ánh viết tay, không đề số CMND, không có chứng thực của chính quyền sở tại, nên chúng tôi chưa hẳn tin đó là mẹ ruột của bé Cù Việt Anh.
Nếu chị Ánh là mẹ ruột của Việt Anh, vậy thì vì lý do gì mà người khai sinh cho bé là ni sư Đàm Lan? Tại sao ni sư Đàm Lan khẳng định với chính quyền địa phương đó là một đứa trẻ bị bỏ rơi? Lần theo các chứng cứ, chúng tôi tìm được chị Lương, người nhận nuôi bé Việt Anh. Chị Lương có đơn gửi Công an phường Bồ Đề, trình bày việc chị Ánh đã làm giấy cam kết với ni sư Đàm Lan là đã nhận lại bé Việt Anh về và đồng ý giao cho chị Lương nuôi từ tháng 2/2009. Vậy mà mới đây, trả lời chúng tôi, ni sư Đàm Lan giải thích: “Một gia đình ở gần chùa thấy thích thằng bé quá nên… tự “bắt cóc” về nuôi”. Chúng tôi hỏi: “Trẻ bị bắt cóc, sao nhà chùa không báo công an?”. Ni sư này đáp: “Tôi mà báo công an thì có mà đi tù hết!”.
Mặt khác, nếu có chuyện chị Ánh đã đòi lại con từ ni sư Đàm Lan, thì tại sao ni sư Đàm Lan lại đứng ra làm biên bản thỏa thuận cho-nhận con nuôi vào ngày 17/5/2011? Thời điểm này, bé Việt Anh đã không còn được nuôi dưỡng trong chùa và chùa Bồ Đề không có chức năng như một cơ sở bảo trợ xã hội để đứng ra tiếp nhận cũng như cho-nhận con nuôi.
Cần nói thêm, trên các diễn đàn, mạng xã hội, nhiều tình nguyện viên đã chia sẻ những bức xúc về việc những cháu bé đẹp đẽ cứ lần lượt đến rồi đi một cách khó hiểu, còn các cháu bệnh tật, ốm đau thì ở lại chùa và bị đối xử tệ bạc. Các cháu mồ côi và người già phải sống trong điều kiện chật chội. Hai nhân vật mà chúng tôi phỏng vấn bí mật trong bài viết Những đứa con rơi nơi cửa Phật đã bị đuổi việc, nên hầu hết mọi người đều không dám tiết lộ bất cứ điều gì liên quan.
Những đứa trẻ được nuôi giữ trong chùa Bồ Đề
Biên bản cho con nuôi do bà Thích Đàm Lan ký ngày 17/5/2011
Người mẹ đau khổ
Xung quanh hồ sơ cho-nhận con nuôi của bé Cù Việt Anh, rất nhiều nghi vấn được đặt ra. Chúng tôi đã tìm về huyện Tam Nông, Phú Thọ để xác minh về chị Ánh. Chị Ánh hiện đang sống với bố mẹ. Bố chị Ánh là cán bộ hưu trí. Một gia đình có truyền thống như thế, việc bỏ rơi con ở chùa Bồ Đề quả là khó tin. Vậy lý do gì mà chị Ánh lại đột nhiên xuất hiện và đứng đơn xác nhận mình là mẹ của bé Việt Anh, đồng ý cho bé làm con nuôi chị Lương?
Tối 25/7, chị Ánh đã có cuộc nói chuyện đầy nước mắt với chúng tôi, khác rất xa so với câu chuyện một đứa bé bị bỏ rơi ở cửa chùa mà chúng tôi nghe kể trước đó. Chị Ánh vừa khóc vừa kể: “Tôi trót yêu một người không thể lấy tôi làm vợ. Mang bụng bầu xuống Hà Nội, tôi tự sinh con và nuôi con đến khoảng ba tháng, sau đó đành gửi vào chùa. Sư Đàm Lan nhận con tôi và giữ luôn giấy chứng sinh của cháu, rồi tự đi khai sinh lúc nào tôi không rõ. Tôi hoàn toàn không biết con mình bị khai là trẻ bị bỏ rơi. Lúc nào tôi cũng hy vọng có thể sớm đón con về. Nhưng…”, nói đến đây, giọng chị Ánh nghẹn lại.
Bố chị Ánh cay đắng tiếp lời: “Lỗi là ở tôi! Vì sai lầm của tôi mà bây giờ cả nhà tôi phải sống trong day dứt. Vì không dám đối mặt với sự thật, sợ bại hoại thanh danh gia đình, con gái mình khó xin việc, nên tôi đồng ý để nó gửi con vào chùa Bồ Đề. Giờ tôi bị trừng phạt và phải sống trong cảnh xót xa nhớ thương cháu hằng đêm không ngủ được. Tôi treo ảnh nó ngay đầu giường, có đêm cứ nằm mà ngắm nó đến sáng… Hồi tôi còn công tác, biết Ánh có con, chính tôi đã bảo nó gửi tạm ai đó một thời gian để tôi lo cho nó công việc ổn định đã. Suốt thời gian cháu tôi ở chùa, tôi được biết hai con gái tôi thường xuyên vào chùa chăm Việt Anh. Nhưng ở đó, tất cả trẻ con có mẹ đều được coi là trẻ bỏ rơi. Con tôi bảo, không ai được tiết lộ thân phận là mẹ đẻ của chính con mình. Con gái tôi phải gọi con là em, xưng chị. Nó đến thăm con mỗi tuần như những người làm tình nguyện ở chùa chăm các cháu bị bỏ rơi.
Nhà chùa họ làm thế có mục đích gì, lúc ấy tôi không hiểu lắm, nhưng tôi nghĩ là con, cháu mình thì kiểu gì cũng còn đó, mất đi đâu được. Không ngờ tôi mất cháu thật. Sau khi tôi nghỉ hưu, khăn gói xuống Hà Nội đón cháu thì họ đã làm xong thủ tục cho cháu đi làm con nuôi mất rồi. Tôi có hỏi con tôi vì sao, nó chỉ khóc. Phải có điều gì uẩn khúc lắm nó mới viết giấy xác nhận cho con mình đi làm con nuôi, khi thâm tâm không hề muốn. Lắm lúc tôi chỉ muốn chết đi mà chẳng chết được. Nhưng chết mà không tìm lại được cháu tôi thì biết có nhắm mắt được không?”.
Khi được hỏi: “Chị có mong muốn một cơ hội sửa chữa sai lầm của mình không?”, chị Ánh đáp: “Suốt mấy năm nay tôi sống trong đau khổ, dằn vặt. Chuyện này phức tạp lắm, nếu tôi nói ra thì cũng không sửa chữa được sai lầm của mình. Thôi thì tôi tự chấp nhận tôi đã đánh mất cơ hội để sửa sai rồi. Bố tôi bảo tôi về quê để bố mẹ đỡ buồn lo, nhưng tôi không thể rời Hà Nội, bởi ở đó cho tôi hình dung là mình đang được ở gần con trai”.
Bé Việt Anh năm nay đã lên lớp 2. Cháu học rất giỏi, được gia đình bố mẹ nuôi thương yêu và chăm sóc chu đáo. Đó là thông tin mà chị Ánh nghe từ một người đàn bà chăm sóc trẻ trong chùa. Cô không liên lạc được với bố mẹ nuôi của bé. “Con được nuôi dưỡng bởi những người tốt, điều đó an ủi tôi nhiều lắm...”. Người mẹ trẻ ấy vẫn đắm chìm trong mặc cảm. Cô sống một mình, gần như không bè bạn. Nỗi ân hận vì lỡ lầm khiến mẹ con chia biệt luôn dày vò chị....
Nhóm phóng viên
(*) Tên các nhân vật đã được thay đổi.
Điểm 7, điều 3 Luật Nuôi con nuôi quy định: “Trẻ em bị bỏ rơi là trẻ em không xác định được cha mẹ đẻ”. Trường hợp biết bé Việt Anh có mẹ, nhưng ni sư Đàm Lan vẫn khai sinh là trẻ bị bỏ rơi, sau đó làm thủ tục cho-nhận con nuôi thì đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Điều 13 Luật Nuôi con nuôi nghiêm cấm việc lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em; giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi.
Ngoài ra, Luật này cũng quy định sự đồng ý cho-nhận con nuôi phải hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, không bị đe dọa hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Con nuôi có quyền được biết về nguồn gốc của mình.
“Chị gái mình cùng một số người bạn hảo tâm của chị trước đây cũng hay từ thiện tại chùa này. Rất nhiều người thấy các cháu ở nóng quá, tự nguyện mua quạt cho các cháu, nhưng lần sau đến vẫn không thấy quạt đâu... Mỗi lần có đoàn từ thiện nào đến nhà chùa đều làm cho các cháu trông thiếu thốn vô cùng... Dù không nói ra nhưng thầy không muốn nhận quần áo, bỉm, sữa, quà... chỉ muốn nhận tiền…” (La Nuit).
“Mình cũng đã từng đưa lớp của con trai đến đây làm thiện nguyện. Tuy nhiên, quả là bức xúc. Nhà chùa vận động các nhà hảo tâm làm từ thiện bằng tiền chứ hạn chế bánh kẹo, mì, dầu ăn vì nói nhà chùa không có chỗ bảo quản, chuột ăn. Tuy nhiên, khi trực tiếp đưa sữa và bánh cho các bé, các bé nhận quà với sự háo hức lạ thường, như thể lâu lắm không được ăn. Các bé sống trong chùa trong cảnh nhếch nhác, ghẻ lở. Mình có bế một bé và bé cứ bám chặt lấy mình như sợ bị bỏ xuống. Thật tội nghiệp. Mong các nhà báo hãy làm sáng tỏ sự thật này để các bé được nuôi dưỡng ở một môi trường lành mạnh hơn. (Tran Tu Quyen).
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.