Việc làm nhỏ giúp nhiều người khốn khó

08/07/2024 - 06:37

PNO - Hơn 5 năm qua, 12 chi hội phụ nữ của phường 14, quận 10 luôn duy trì thói quen phân loại rác tại nguồn, thu gom ve chai và tái chế rác thải nhựa. Hoạt động này không chỉ giúp gây quỹ chăm lo cho những người khó khăn mà còn lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng.

Thói quen gom rác thải nhựa

Như một thói quen, hằng ngày trong gia đình, bà Phan Thu Trang - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 10, phường 14, quận 10 - vẫn phân loại rác. Nhà bà có các thùng rác rất đặc biệt được tái chế từ bìa các tông và nhựa tái chế để đựng rác thải nhựa, rác hữu cơ và rác vô cơ. Đến cuối tuần, bà và chị em hội viên phụ nữ lại cùng nhau mang ve chai ra điểm sinh hoạt chung để bán lấy tiền gây quỹ.

Bà Trang cho biết, từ khi Hội Phụ nữ phường ra mắt mô hình “Việc làm nhỏ, lợi ích lớn” khu phố ai cũng hăng hái tham gia. Đến nay, chi hội đã vận động được 50 hộ tham gia mô hình. "Trước đây, các loại rác thải đều được để chung với nhau và chờ người thu gom mang đi. Còn bây giờ, nhà ai cũng phân loại, để dành để chung tay vì cộng đồng.

12/12 chi hội phụ nữ của phường 14, quận 10 tích cực thu gom rác thải nhựa để gây quỹ giúp người khó
12/12 chi hội phụ nữ của phường 14, quận 10 tích cực thu gom rác thải nhựa để gây quỹ giúp người khó

Việc làm này tuy nhỏ nhưng mang lại hiệu quả rất lớn" - bà Trang chia sẻ. Theo bà Trang, chị em thường đem sách báo, chai nhựa… đến góp, mỗi đợt bán chỉ được vài trăm ngàn đồng nhưng ai cũng thấy vui. Số tiền thu được sẽ dành để chăm lo cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Còn tại khu phố 9, ngoài việc thu gom rác thải nhựa để bán gây quỹ, chị em còn tận dụng những chiếc chai, can, thùng nhựa để “biến tấu” thành những vật dụng hữu ích như bồn hoa, bình tưới nước, bàn ghế. Ngoài ra, “khu phố của chúng tôi còn trồng nhiều cây thuốc nam như sả, húng quế, tía tô... để góp thêm mảng xanh cho môi trường nơi mình sinh sống và có sẵn để sử dụng khi cần.

Giờ đây, mỗi nhà đều có những vườn rau xanh. Các gia đình có thể trao đổi để sử dụng. Khi sản phẩm đã nhiều, các dì, các chị gom lại bán gây quỹ” - bà Nguyễn Thị Nhung - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 9 - cho hay. Chỉ đống rác thải nhựa thu gom cả tuần qua, bà Nhung nói thêm: “Từ hội viên phụ nữ đến người dân trong khu phố, chúng tôi rất đoàn kết, ai cũng rèn luyện thói quen gom rác bán gây quỹ và tái chế rác để bảo vệ môi trường”.

Hằng tuần, hội viên phụ nữ khu phố 9 còn tổng vệ sinh các tuyến hẻm, cùng nhau cải tạo những bãi đất trống để trồng hoa, cây cảnh, tạo mỹ quan đô thị và nâng cao môi trường sống xanh, sạch, đẹp.

Bà Trần Thị Thanh Thủy - Chủ tịch  Hội LHPN phường 14, quận 10 -  trao tiền hỗ trợ cho những  hoàn cảnh  khó khăn
Bà Trần Thị Thanh Thủy - Chủ tịch Hội LHPN phường 14, quận 10 - trao tiền hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn

San sẻ yêu thương, thay đổi nhận thức...

Mô hình “Việc làm nhỏ, lợi ích lớn” được Hội LHPN phường 14, quận 10 phát động năm 2018 và duy trì cho đến nay. Theo bà Trần Thị Thanh Thủy - Chủ tịch Hội LHPN phường 14 - hoạt động được tổ chức mỗi quý 1 lần, thường gắn kết tổ chức với ngày hội môi trường, 8/3, 20/10 nhằm gây quỹ chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn.

Hiện nay, 12/12 chi hội phụ nữ khu phố đều đang thực hiện có hiệu quả, mỗi đợt thu gom khoảng 200kg rác tái chế, bán được 1,6 triệu đồng. Đôi khi, mô hình còn nhận được thêm sự ủng hộ từ các mạnh thường quân.

Ngoài ra, Hội Phụ nữ phường còn thường xuyên tổ chức hội thi biểu diễn tiểu phẩm, hội thi tái chế, thu gom rác đổi cây xanh, khẩu trang, giỏ đi chợ… nhằm tuyên truyền và thay đổi nhận thức nơi cán bộ, hội viên phụ nữ và bà con nhân dân trong thực hiện bảo vệ môi trường thông qua những hành động thiết thực tạo nên lợi ích lớn.

Đến nay, với việc phân loại rác, thu gom ve chai bán lấy tiền gây quỹ, Hội Phụ nữ phường đã tiết kiệm được hơn 23 triệu đồng, chăm lo cho 7 phụ nữ có bệnh hiểm nghèo hết 10 triệu đồng, tặng 8 thẻ bảo hiểm y tế hơn 6,4 triệu đồng, tặng 2 phương tiện sinh kế (xe hủ tíu, xe bánh mì) 4 triệu đồng. Ngoài ra, các chi hội còn chăm lo thường xuyên cho 17 cụ già neo đơn, khuyết tật với tổng số tiền 3,4 triệu đồng/năm.

Chi hội Phụ nữ khu phố 9 sử dụng rác tái chế làm thành những sản phẩm hữu ích
Chi hội Phụ nữ khu phố 9 sử dụng rác tái chế làm thành những sản phẩm hữu ích

Hơn thế, “từ khi ra mắt mô hình, ý thức tự phân loại rác tại nhà của người dân đã tăng lên đáng kể. Hiện có 12 điểm “Thu gom, phân loại rác tại nguồn” tại 12 chi hội phụ nữ, thu hút hơn 3.000 lượt tham gia. Thay vì kêu gọi đóng góp tiền, hành động nhỏ này giúp mọi người san sẻ với người khó khăn, tiết kiệm và rèn thói quen tốt, cũng như góp phần bảo vệ môi trường sống trong lành" - bà Thủy nói.

Nhiều năm qua, gia đình chị Trần Ngọc Lan, sống tại chung cư Hòa Bình, thuộc diện đặc biệt khó khăn, được Hội Phụ nữ phường 14 chăm lo. Bà Lan đã lớn tuổi, trí não chậm phát triển, hằng ngày đi bán vé số để nuôi người chị già yếu. Hằng tháng, Hội Phụ nữ đã trích 200.000 đồng từ quỹ để hỗ trợ chị em chị Lan. Ngoài ra, chị Lan cũng thường xuyên nhận được bảo hiểm y tế và quà trong các dịp lễ đặc biệt.

Tương tự, bà Phạm Thị Thủy - 64 tuổi, sống tại 224/32 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, thuộc diện cận nghèo. Gia đình bà có 6 thành viên, nhưng 3 người đã lớn tuổi và bệnh tật triền miên, không thể lao động, chỉ còn người em út bán quán cà phê là lao động có thu nhập chính trong gia đình. Trước hoàn cảnh ấy, Hội Phụ nữ phường đã hỗ trợ gia đình bà 200.000 đồng/tháng cùng các phần quà.

“Thấy các chị phụ nữ cũng phải gom lon, chai nhựa, sách báo để bán gây quỹ chăm lo cho những người khó khăn như tôi, tôi rất xúc động. Thế nên tôi sẽ cố gắng làm việc, học hỏi và noi gương các chị em trong việc bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất” - bà Phạm Thị Thủy chia sẻ.

Ra mắt 3 điểm bán túi ni lông tự hủy

Để phát huy hiệu quả mô hình nói trên, Hội Phụ nữ phường 14, quận 10 đã ra mắt Tổ Phụ nữ tuyên truyền chống rác thải nhựa và 3 điểm bán túi ni lông tự hủy thân thiện với môi trường tại nhà bà Nguyễn Thị Nhung - 606/131 đường 3/2, nhà bà Hà Thị Hấm - 11495/5 Tô Hiến Thành và nhà bà Vũ Thị Vĩnh - 43/143 Thành Thái nhằm khuyến khích mọi người, đặc biệt là phụ nữ, trở thành những tuyên truyền viên bảo vệ môi trường bằng những việc làm nhỏ nhất.

Đây cũng là địa điểm các chi hội tổ chức mô hình “Việc làm nhỏ, lợi ích lớn”. Chị em hội viên phụ nữ có thể đem chai nhựa, giấy báo để đổi lấy túi ni lông tự hủy. Mọi người dân cũng có thể đến mua túi để sử dụng.

Ngọc Trăm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI