Hợp tác xã làm ăn hiệu quả, phụ nữ góp sức làm giàu quê nhà - Bài 2:

Việc làm giữ chị em ở lại với làng quê

22/07/2024 - 14:35

PNO - Tận dụng nguồn tài nguyên bản địa để gia tăng sản xuất, chế biến sản phẩm, tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn, đang được nhiều địa phương đồng bằng sông Cửu Long khuyến khích. Đã xuất hiện những hợp tác xã rất năng động.

Cá tôm thành đặc sản, người dân khỏi ly hương

Chúng tôi đến Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát (HTX Hiểu Phát) ở xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang ngay thời điểm các xã viên đang tất bật sản xuất để kịp giao hàng cho đối tác. Chị Lê Thị Kim Thoa - Giám đốc HTX - cho hay, các mặt hàng đơn vị đang chế biến gồm tôm khô, khô cá lóc đồng, khô cá sặc rằn, khô cá kèo, mắm tôm chua… với nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương.

Dù đơn hàng nhiều và gần đây một số chi phí tăng, nhưng HTX vẫn giữ giá bán: 600.000-900.000 đồng/kg tôm khô, 400.000 đồng/kg khô cá kèo, 350.000 đồng/kg khô cá lóc, 200.000-250.000 đồng/kg mắm tôm chua… Lãi không nhiều nhưng đảm bảo cho HTX hoạt động và đặc biệt là tiêu thụ tốt nguồn nguyên liệu cho bà con địa phương với giá cao hơn 10% so với bên ngoài, giúp bà con an tâm sản xuất.

Chị Lê Thị Kim Thoa - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát - ở xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang
Chị Lê Thị Kim Thoa - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát - ở xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang

Ở tỉnh Kiên Giang, các huyện Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, An Minh là những vùng nuôi tôm nổi tiếng và cũng là nơi có nhiều tôm cá tự nhiên. Thế nhưng bà con chưa thể làm giàu là do chỉ nuôi rồi bán cho thương lái. Nếu “rớt giá”, việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó, là bà con cầm chắc phần thua lỗ. Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Ruộng Sạ 2 (xã Phong Đông), chị Thoa bàn với chị em tìm hướng đi riêng nhằm tạo đầu ra ổn định cho bà con nuôi thủy sản.

Sau khi đi học hỏi kinh nghiệm chế biến tôm khô, cá khô, các loại mắm ở các nơi, năm 2019, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát được thành lập và chị Thoa được chọn làm giám đốc.

Ban đầu, HTX chỉ sản xuất với số lượng hạn chế rồi mang sản phẩm ra bán ở chợ huyện, chợ tỉnh. Về sau, nhờ sự hỗ trợ của các ngành chức năng, sản phẩm đã được quảng bá tại các hội chợ, hội nghị, hoạt động xúc tiến thương mại ở các nơi, thì thị trường tiêu thụ mới dần được mở rộng ra các tỉnh thành; số lượng cung ứng tăng dần lên hàng chục tấn tôm khô, cá khô. Chị Kim Thoa cũng thường xuyên lên TPHCM, ra miền Bắc để giới thiệu các sản phẩm của HTX và tìm kiếm đối tác.

Chị chia sẻ: "Phải kiên trì, nỗ lực học hỏi, vừa chế biến vừa rút kinh nghiệm và lắng nghe ý kiến của người tiêu dùng để không ngừng nâng cao chất lượng các loại sản phẩm. Từng bước, các sản phẩm của HTX được khách hàng ưa chuộng. Hiện, HTX có 5 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm tôm khô, mắm tôm, mắm lóc, khô cá lóc, khô cá kèo. HTX cũng liên kết với nhiều hộ nuôi tôm cá tự nhiên để có nguồn nguyên liệu chất lượng”.

Song hành cùng các sản phẩm OCOP, người nữ giám đốc năng động còn lặn lội sang Hậu Giang học thêm nghề đan lục bình để tạo việc làm cho hơn 300 chị em phụ nữ nông thôn tại huyện Vĩnh Thuận. Chị Thoa cho biết, nghề đan lục bình không khó, ai làm cũng được và làm trong thời gian nhàn rỗi. Tôi bỏ mấy tháng để đi học nghề, rồi về hướng dẫn lại cho các chị em cùng làm.

Với thu nhập bình quân từ 120.000-160.000 đồng/ngày cũng giúp chị em có thêm một khoản chi tiêu hằng ngày. Chị Nguyễn Thị Nhung tâm sự: “Tham gia HTX tôi có được cái nghề, có thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Các thành viên trong HTX cũng có việc làm, giúp gia đình vượt qua khó khăn”.

Và sự ra đời của HTX Hiểu Phát còn giúp nhiều người không phải ly hương kiếm sống. Vợ chồng chị Lê Thị Tẻm, do hoàn cảnh khó khăn nên trước đây đã lên Bình Dương làm thuê. Dịch COVID-19, vợ chồng chị trở về quê, thấy HTX của chị Thoa cần người nên đã xin vào làm và gắn bó cho đến nay. “Trung bình mỗi tháng tôi thu nhập được 8 triệu đồng, rất ổn định. Tôi quyết định bám trụ ở quê, vừa làm việc vừa gần gũi, chăm sóc và nuôi dạy con cái” - chị Tẻm nói.

Chị Nguyễn Thị Bé Hai cũng cho biết, trước đây chị và nhiều chị em lên TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… tìm việc làm. Bây giờ, nhiều chị em trở về làm việc cho HTX Hiểu Phát, có thu nhập ổn định nên chẳng ai đi xa nữa.

Hội Phụ nữ xã Phong Đông cho biết, hiện nhiều gia đình trong xã, nhất là chị em người dân tộc Khơ Me, làm nghề đan lục bình, có thêm thu nhập và không phải đi xa tìm việc. Khi chị em có thu nhập ổn định sẽ tham gia vào những tổ góp vốn để có số tiền lớn hơn phục vụ cho chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Thoàn - Phó bí thư thường trực Huyện ủy Vĩnh Thuận - đánh giá cao sự nhạy bén, năng động, chịu khó vươn lên của HTX Hiểu Phát, đứng đầu là nữ giám đốc Lê Thị Kim Thoa. Ra đời chưa lâu nhưng HTX đã tạo được dấu ấn với các sản phẩm OCOP đặc thù của địa phương. Các sản phẩm này không chỉ quảng bá thương hiệu của vùng quê Vĩnh Thuận mà còn góp phần tiêu thụ nguồn nguyên liệu cho nông dân, giải quyết việc làm cho bà con nông thôn. Huyện đang khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình HTX, có thêm nhiều sản phẩm OCOP chất lượng do chị em phụ nữ làm ra.

Ba khía… đi xa

Về xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau hỏi HTX Ba khía muối Đầm Dơi thì ai cũng biết. Năm 2013, nữ giám đốc Trần Thị Xa sau khi tốt nghiệp đại học, đã về huyện Đầm Dơi công tác theo đề án tri thức trẻ của Trung ương Đoàn. Từ đây, chị hình thành ý tưởng khởi nghiệp từ nghề ba khía muối truyền thống của quê hương.

Chị Xa đã tự tay bắt từng con ba khía rồi học hỏi, mày mò cách chế biến. Chị đã nhiều lần thất bại và mỗi lần chị lại có thêm một bài học kinh nghiệm để sau đó chị cho ra những mẻ ba khía thơm ngon hơn, chất lượng hơn. Sau hơn 4 năm khởi nghiệp, HTX Ba khía muối Đầm Dơi đã không ngừng lớn mạnh với hàng chục xã viên; máy móc, dây chuyền hiện đại đã được đầu tư đưa vào sản xuất, kết hợp với một số công đoạn truyền thống.

Chị Trần Thị Xa (bìa phải) - Giám đốc Hợp tác xã Ba khía muối Đầm Dơi (Cà Mau) - bên các công nhân đang chế biến các sản phẩm ba khía
Chị Trần Thị Xa (bìa phải) - Giám đốc Hợp tác xã Ba khía muối Đầm Dơi (Cà Mau) - bên các công nhân đang chế biến các sản phẩm ba khía

Ngoài sản phẩm ba khía muối là thế mạnh, HTX còn chế biến ba khía riêu, tôm xẻ, tôm lụi, mắm tôm, tôm khô… trong đó nhiều loại đạt chứng chỉ OCOP 4 sao cấp tỉnh. Năm 2020, thương hiệu Ba khía muối Đầm Dơi đoạt cú đúp giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp cấp tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời nhận được nhiều giải thưởng từ các hội thi.

Hiện tại, HTX Ba khía muối Đầm Dơi đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 50 lao động địa phương. Nhờ đó mà nhiều phụ nữ không còn phải rời ruộng vườn nhà cửa đi xa kiếm sống. Nữ giám đốc Trần Thị Xa chia sẻ, bình quân mỗi năm đơn vị sản xuất trên 35 tấn ba khía các loại. Ngoài tiêu thụ tại thị trường nội địa, còn xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Mỹ, Hàn Quốc.

Cùng với việc sản xuất, kinh doanh, chị Xa còn tâm nguyện cùng với các ngành chức năng nghiên cứu nhân giống, tái tạo các sản vật của rừng ngập mặn Cà Mau, trong đó có con ba khía, để vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa giúp bảo vệ môi trường sinh thái.

“Năm 2020, nghề muối ba khía của người dân Cà Mau đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các ngành chức năng ở Cà Mau có kế hoạch xây dựng các làng nghề muối ba khía truyền thống, kết hợp với việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm phục vụ khách du lịch. Hướng đi triển vọng này cũng sẽ được HTX Ba khía muối Đầm Dơi đẩy mạnh đầu tư phát triển một cách căn cơ nhằm tăng cường liên kết với người dân để cùng nhau sản xuất, góp phần tạo việc làm cho đông đảo chị em nông thôn” - giám đốc Trần Thị Xa bộc bạch.

Hoạt động của HTX trong thời gian qua có nhiều thuận lợi, nhưng cũng có những khó khăn. Thuận lợi là được các cấp, các ngành, đặc biệt là Hội LHPN và liên minh HTX tỉnh hỗ trợ, giúp đỡ tiếp cận với những chính sách, cơ chế, cũng như xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm đi xa. Nguồn nguyên liệu đầu vào cũng phong phú, giá cả phải chăng, có thể cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại tại các thị trường khác. Còn khó khăn là ở khâu tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh doanh. Sắp tới, HTX sẽ mở rộng sản xuất các sản phẩm liên quan đến con ba khía và con tôm. Năm 2025, sẽ hoàn thiện các thủ tục đưa sản phẩm của HTX đạt chuẩn 5 sao; mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh, thành trong cả nước và gia tăng xuất khẩu.

Trần Thị Xa -
Giám đốc Hợp tác xã Ba khía muối Đầm Dơi, Cà Mau

Phú Hữu

KỲ CUỐI: Tạo cơ chế để có thêm nhiều phụ nữ tham gia

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI