Việc không của riêng ai

30/08/2023 - 06:08

PNO - Chung tay bảo vệ thành quả chống dịch, bảo vệ sức khỏe của những “mầm non tương lai” là chuyện không của riêng ai.

Trong 1 tháng qua, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 50 trẻ bị đau mắt đỏ, trong đó có những trường hợp bị biến chứng nặng. Số bệnh nhân đau mắt đỏ mà Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận trong 3 tuần đầu tháng 8/2023 là khoảng 1.700 ca. 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.
Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn quận Nam Từ Liêm - Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Mỗi tuần, TP Hà Nội có thêm gần 1.000 ca sốt xuất huyết. Ở TPHCM, số ca sốt xuất huyết trong tuần thứ 32 là 365 ca, tăng gần 20% so với tuần trước đó; 1.869 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng dù giảm khoảng 10% so với tuần trước.

Những con số này hẳn là đang gây lo lắng cho các gia đình và nhà trường khi năm học mới sắp bắt đầu. Trẻ đi học trở lại đúng lúc giao mùa, tập trung đông trong không gian hẹp là điều kiện để bệnh lan rộng thành dịch nếu không có các biện pháp dự phòng sớm, quyết liệt. 

Hồi tháng 3/2023, từ 5 ca bệnh ban đầu ở 4 trường trong huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai với các triệu chứng ho, sốt, mệt mỏi, sau 6 ngày, đã có tổng cộng hơn 230 học sinh phải nghỉ học do các triệu chứng như trên. Qua xét nghiệm, trẻ dương tính với cúm A. Trước đó, trong năm 2022, trong 1 ngày, tại 2 trường của huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, có hơn 700 học sinh cùng nghỉ học do bị cúm B, trong đó có 1 trẻ tử vong.

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - có 2 yếu tố nguy cơ dẫn tới dịch bệnh là môi trường (nắng mưa, bão lũ, giao mùa) và yếu tố xã hội (ý thức người dân trong phòng tránh dịch bệnh). Việt Nam là nước có dịch bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, COVID-19. Mỗi bệnh có biện pháp phòng tránh khác nhau nhưng nếu thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang thì sẽ phòng được nhiều bệnh. 

Trong 2 năm có dịch COVID-19, người dân đã nghiêm túc mang khẩu trang, thực hiện việc giãn cách, thường xuyên rửa tay sát khuẩn nên đã hạn chế được nhiều loại bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, sau khi dịch COVID-19 được khống chế, người dân chủ quan, lơ là hơn. Đó là một phần nguyên nhân khiến các bệnh truyền nhiễm gia tăng ở nhiều địa phương, nhiều trường học.

Do đó, khi vào năm học mới, các cơ sở giáo dục phải quan tâm hằng ngày đến công tác vệ sinh khử khuẩn bàn ghế, thiết bị học tập, đồ chơi, diệt lăng quăng; hướng dẫn, tuyên truyền để học sinh dùng vật dụng cá nhân riêng, che miệng khi hắt hơi, đeo khẩu trang trên xe buýt… Những việc nhỏ này là rất cần thiết để hình thành thói quen bảo vệ sức khỏe trong sinh hoạt hằng ngày. Khi trẻ ho, sốt hoặc có các dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm, cần yêu cầu phụ huynh cho trẻ nghỉ học nhằm cách ly nguồn lây.

Tuy nhiên, việc phòng, chống dịch bệnh không nên chỉ “khu trú” trong từng ngôi trường mà đòi hỏi mọi người dân phải cùng tham gia bởi trẻ cũng có thể mang nguồn bệnh từ nhà vào lớp, lây cho bạn học. Do đó, các gia đình phải quan tâm vệ sinh nhà cửa, đồ dùng trong nhà và áp dụng các biện pháp để phòng tránh lây bệnh cho nhau.

Mọi người dân cần tiếp tục duy trì việc đeo khẩu trang, xịt dung dịch khử khuẩn ở nơi công cộng. Các cơ sở giáo dục, y tế, dịch vụ cần duy trì các phương tiện vệ sinh như bình xịt dung dịch sát khuẩn. 

Sau quãng thời gian bị dịch COVID-19 hoành hành, mỗi chúng ta càng ý thức hơn về sự an toàn sức khỏe của bản thân, người thân và cộng đồng. Trải qua một thời gian dài phòng chống dịch bệnh, mọi người càng nên biết trân trọng những hình ảnh và hoạt động vốn từng rất đỗi bình thường, như công nhân được vào nhà máy làm việc, trẻ được tung tăng tới trường học tập, được gặp bạn bè, thầy cô…

Bởi vậy, chung tay bảo vệ thành quả chống dịch, bảo vệ sức khỏe của những “mầm non tương lai” là chuyện không của riêng ai.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI