|
Học sinh lớp Chín Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Chung Chải (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) tìm hiểu nghề làm tóc và trang điểm tại Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên - Ảnh: T.T |
Phụ huynh như bị dội gáo nước lạnh
Tương tự trường hợp xảy ra ở Trường THCS Kim Giang, anh N.V.H. - có con đang học lớp Chín ở huyện Thanh Trì, TP Hà Nội - kể: “Tháng trước, khi đi họp phụ huynh, chúng tôi được phát cả giấy đăng ký thi lẫn giấy xin cho con không thi vào lớp Mười”.
Trước rất nhiều ý kiến phản ứng của phụ huynh như vậy, Sở GD-ĐT TP Hà Nội đã yêu cầu các phòng GD-ĐT rà soát, kiểm tra, xác minh, xử lý nếu có tình trạng vận động học sinh không dự kỳ thi tuyển vào lớp Mười.
Dù Trường THCS Kim Giang đã có giải thích, Sở GD-ĐT TP Hà Nội cũng đã có chỉ đạo nhưng dường như dư luận vẫn bất bình. Năm ngoái, dư luận cũng từng xôn xao việc một số phụ huynh học sinh ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội “được” giáo viên chủ nhiệm mời gặp riêng để khuyên nên ký cam kết không cho con thi vào lớp Mười.
Đã 1 năm trôi qua, anh T.D. (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) vẫn nhớ rõ cuộc tranh luận với giáo viên chủ nhiệm của con. Con anh có học lực khá nhưng cuối năm học, gia đình anh được giáo viên mời đến, khuyên không nên cho con thi vào lớp Mười mà nên đi học nghề với lý do “với năng lực học tập của cháu, việc thi và học lên bậc THPT là khó”.
Anh kể: “Nghe giáo viên nói vậy, gia đình tôi như bị dội gáo nước lạnh bởi vợ chồng tôi đang động viên con học tập, ôn thi thật tốt. Chúng tôi tranh luận căng thẳng với giáo viên và kiên quyết cho con dự thi vào lớp Mười. Kết quả, con tôi trúng tuyển vào trường THPT công lập”.
Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2018, đã nêu 7 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu để triển khai đề án, trong đó nội dung nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông là nhiệm vụ giải pháp hàng đầu. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia nhưng thực tế cách làm của nhiều địa phương không đạt hiệu quả. |
Không chỉ ở TP Hà Nội, anh D.B. (TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) cho biết, việc giáo viên chủ nhiệm vận động học sinh đi học nghề thay vì dự kỳ thi vào lớp Mười diễn ra ở tỉnh Ninh Bình từ nhiều năm nay: “Tôi có mấy đứa cháu, đa số học đến lớp Chín là không còn tự tin để thi vào lớp Mười nữa. Hỏi ra mới biết, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nói với các cháu rằng “sức học của con kém, không thể thi vào lớp Mười được đâu, tốt nhất là con nên đi học nghề”. Những câu nói đó cứ đeo đẳng khiến các cháu chán học”.
Trường nghề không phải dành cho học sinh yếu
Tiến sĩ Lê Đông Phương (Viện Khoa học giáo dục, Bộ GD-ĐT) nhận định, việc “vận động”, “ép” học sinh không dự thi vào lớp Mười đã diễn ra từ nhiều năm nay; công tác phân luồng, hướng nghiệp đã bị biến tướng.
Ông phân tích, phân luồng là sắp xếp, bố trí những học sinh có nguyện vọng, kỳ vọng về nghề nghiệp khác nhau vào những luồng khác nhau của hệ thống giáo dục để từ đó giúp các em đạt được ước nguyện về nghề nghiệp sau này. Công tác tư vấn, giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông phải tốt, học sinh mới có được những quyết định đúng về hướng đi.
|
Trường THCS-THPT Hai Bà Trưng (quận Tân Bình, TPHCM) thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh - Ảnh: P.T. |
“Nhưng hiện nay, các chương trình giáo dục của Việt Nam vẫn còn nặng tính học thuộc lòng, chưa có được sự hỗ trợ cần thiết để học sinh xác định được sau này mình nên làm nghề gì. Do đó, cái gọi là hướng nghiệp và phân luồng như hiện nay được làm một cách rất hình thức, mà lại là hình thức rút gọn, tức là sát ngày thi, giáo viên gọi các em lên và khuyên rằng thôi, sức con học kém nên con đừng thi vào lớp Mười”.
Đối với lớp Chín, hoạt động giáo dục hướng nghiệp diễn ra trong 9 tiết. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Lê Đông Phương, đây là năm cuối cấp nên việc đầu tư vào kỳ thi chuyển cấp chiếm gần hết thời gian của thầy và trò. Theo ông, về cơ bản, các trường THCS ở TP Hà Nội gần như không làm gì đối với hoạt động hướng nghiệp, nếu có thì cũng chỉ tổ chức 1-2 buổi, mời một vài người đến nói chuyện chung chung. Bên cạnh đó, phụ huynh học sinh THCS cũng chưa quan tâm đến việc con mình sau này làm gì, bởi hầu hết vẫn muốn con mình học lên cao. Ở lớp Chín, phụ huynh cũng chưa nghĩ đến chuyện cùng bàn với con về định hướng tương lai, những nghề mà con có thể làm được sau này.
“Nhà trường cơ bản không làm gì, gia đình cũng không quan tâm nên gần như 100% học sinh lớp Chín của ta chưa có một chút hình dung nào về con đường tương lai của mình”. Tiến sĩ Lê Đông Phương |
Theo tiến sĩ Lê Đông Phương, lời tư vấn “thôi, sức con học kém nên con đừng thi vào lớp Mười” giống như cú sốc đầu đời với học sinh. Ở lứa tuổi bắt đầu khẳng định bản thân, các em bị dội gáo nước lạnh rằng “mình không đủ khả năng” khiến những ước mơ, mong muốn nghề nghiệp của các em không còn. Một số em chán nản, không thích học, thậm chí còn không đi học gì nữa.
Nhiều người phân tích nguyên nhân, cho rằng nhà trường, giáo viên đang phải chịu những áp lực rất lớn trong việc tính kết quả, thành tích của từng năm học bởi tỉ lệ học sinh đậu vào lớp Mười là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá giáo viên, nhà trường. Đây là một biểu hiện của bệnh thành tích.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT - nhận định, rất có thể việc “vận động”, “ép” học sinh không dự kỳ thi vào lớp Mười công lập xuất phát từ bệnh thành tích. Bên cạnh việc làm méo mó một chủ trương đúng đắn, phù hợp với sự phát triển kinh tế cũng như nhu cầu của xã hội, cách làm này còn dễ dẫn đến tình trạng học giả, thi giả, thành tích giả, giá trị giả.
Theo ông, việc “vận động”, “ép” này còn là hành vi rất phản giáo dục, phản khoa học bởi trường nghề không phải là nơi học tập của học sinh yếu kém mà là nơi đào tạo kỹ năng cho bất kỳ học sinh nào có nhu cầu.
|
Trường THCS Thanh Yên (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) phối hợp với Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên tổ chức cho học sinh lớp Chín trải nghiệm nghề làm tóc - Ảnh: T.T. |
Học sinh phải thấy được triển vọng của việc học nghề Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, để việc phân luồng đạt hiệu quả, cần phải làm sao để sau khi học, học sinh vừa có kỹ năng làm việc, vừa có được việc làm với mức thu nhập tương xứng. Phụ huynh, học sinh thấy được những cơ hội vững chắc khi học nghề thì tự khắc sẽ muốn vào trường nghề. Còn hiện tại, giáo viên chủ nhiệm vẫn đang hướng nghiệp cho học sinh sau THCS, trong khi lẽ ra, các trường nghề phải tham gia tư vấn. Ông phân tích, các trường THPT của một số nước ở châu Âu hay các trường trung học kỹ thuật ở Malaysia, Hàn Quốc đều dạy tích hợp các chương trình giáo dục nghề nghiệp. Ở những nước tiên tiến, năm 2020, tỉ lệ lao động có trình độ THPT (đã được học tích hợp giáo dục nghề nghiệp), trung học nghề, trung học kỹ thuật chiếm khoảng 45 - 48%. Đây chính là lực lượng lao động then chốt thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cung cấp đủ thông tin để người học tự chọn nghề Hướng nghiệp, phân luồng là chủ trương đúng đắn, phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, xã hội cũng như đáp ứng sự thay đổi lớn về nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Để công tác phân luồng không bị thực hiện một cách méo mó, dẫn đến những cái nhìn không đúng đắn như thời gian qua, cần phải có sự thay đổi từ các trường cũng như sự phối hợp của các nhà quản lý và các cơ quan liên ngành. Để phân luồng, giáo dục hướng nghiệp có thực chất, cần có sự tư vấn, hướng nghiệp của tất cả giáo viên dạy các môn học. Trong quá trình dạy, giáo viên có thể giúp học sinh nhận biết, quan tâm những nghề nghiệp có liên quan. Các trường cũng cần có giáo viên chuyên trách hoặc chuyên viên tư vấn hướng nghiệp. Họ là người giúp học sinh khám phá bản thân, tiếp nhận thông tin về thế giới nghề nghiệp. Từ các thông tin đó, học sinh đưa ra những quyết định của riêng mình. Các đơn vị đào tạo nghề và trường phổ thông cũng cần phối hợp cung cấp những thông tin chính xác, kịp thời, có căn cứ, giúp phụ huynh và học sinh có thông tin đầy đủ để đưa ra những định hướng về nghề nghiệp tương lai. Bên cạnh đó, nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh, các cơ sở đào tạo cần được cập nhật đầy đủ thông tin thị trường lao động. Hướng nghiệp là đưa ra lời khuyên, góc nhìn cho phụ huynh và học sinh lựa chọn chứ không phải ép buộc như thời gian qua. Tiến sĩ Lê Đông Phương (Viện Khoa học giáo dục, Bộ GD-ĐT) Nên chuyển hệ trung cấp về lại hệ trung học nghề Chúng ta đang có sự phân mảnh trong quản lý nhà nước về GD-ĐT. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp gồm sơ cấp, trung cấp, cao đẳng (trừ cao đẳng sư phạm) do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý, còn hệ thống trường phổ thông, đại học do Bộ GD-ĐT quản lý. Điều này dẫn đến những lúng túng nhất định đối với các trường phổ thông khi hướng nghiệp cho học sinh. Thời điểm cung cấp thông tin và tính chất thông tin nghề nghiệp của 2 hệ thống cũng khác nhau khiến cả nhà trường lẫn phụ huynh, học sinh không biết phải theo thông tin nào mới đúng. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý việc đào tạo nghề và thị trường lao động nhưng cũng không có những dự báo về thị trường lao động để phụ huynh và học sinh có cơ sở chọn lựa, dẫn đến việc giáo dục hướng nghiệp càng khó đạt hiệu quả. So với các nước láng giềng, Việt Nam có lợi thế đông dân. Nhưng, nếu không được đào tạo thì dân đông sẽ là gánh nặng về dân số, còn nếu được đào tạo bài bản thì sẽ trở thành nguồn nhân lực lành nghề, tác động trực tiếp lên tốc độ tăng trưởng kinh tế, xã hội. Nếu chúng ta còn thực hiện công tác phân luồng như hiện nay thì không mang lại kết quả. Ở một số nước tiên tiến, sau THCS, học sinh có mấy hướng lựa chọn: trung cấp nghề, THPT và trung học nghề. Trường trung học nghề cũng có thời gian đào tạo 3 năm như THPT. Các trường này đều có những môn văn hóa bắt buộc như toán, văn, ngoại ngữ. Trường THPT phải học thêm nhiều môn văn hóa khác, trường trung học nghề thì không, và họ dành thời gian đó để dạy kiến thức, kỹ năng nghề cho học sinh. Ở Đài Loan (Trung Quốc), sau THCS, học sinh được phân vào 3 luồng: THPT, trung học nghề và trung cấp nghề, với tỉ lệ 50% theo học THPT, 50% theo học trung học nghề và trung cấp nghề. Học sinh nào không có nhu cầu học lên cao đẳng, đại học thì chọn trung cấp nghề. Học sinh nào vào luồng trung học nghề, sau 3 năm học là đến tuổi lao động, ra trường có việc làm và có thể học lên cao đẳng, đại học, bởi bằng THPT và trung học nghề tương đương nhau. Ở nước ta, học sinh thường chỉ vào luồng THPT và một phần không nhỏ tốt nghiệp THPT thì không học thêm nữa, dẫn tới việc nhiều người lao động ở Việt Nam đã tốt nghiệp THPT nhưng không qua đào tạo nghề. Do đó, chúng ta nên chuyển hệ trung cấp về lại hệ trung học nghề, trung học kỹ thuật như trước năm 2005. Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT Ngọc Minh Tâm (ghi) |
Uông Ngọc