Việc hỗ trợ nông dân cần nhanh chóng, kịp thời

20/09/2024 - 06:43

PNO - Phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM có cuộc trao đổi với ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - về các giải pháp hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất sau cơn bão số 3.

Phóng viên: Bộ NN-PTNT đã có những kế hoạch gì để hỗ trợ nông dân sau đợt bão, lũ vừa qua, thưa Thứ trưởng?

Ông Hoàng Trung: Ngay sau khi bão số 3 đổ bộ, Bộ NN-PTNT đã tổ chức ngay cuộc họp chỉ đạo công tác khôi phục sản xuất khi bão và hoàn lưu bão qua đi. Bộ có hướng dẫn kỹ thuật đối với tất cả lĩnh vực, từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến trồng rừng. Theo thống kê, có hơn 200ha lúa bị ngập úng. Chúng tôi đã triển khai ngay các biện pháp kỹ thuật để cứu lúa. Các cục chuyên ngành và chính quyền các địa phương đã cùng ráo riết thực hiện.

Tuy nhiên, thiệt hại do bão, lũ gây ra cho lĩnh vực nông nghiệp rất lớn. Ước tính, ngành trồng trọt thiệt hại trên 4.000 tỉ đồng, hơn 3.000 lồng cá nuôi, 3 triệu con gia cầm, 250.000 con gia súc bị thiệt hại. Bộ đã tổ chức kiểm tra, cùng các địa phương xác định thiệt hại cụ thể và kêu gọi các doanh nghiệp chung tay hỗ trợ. Phải xác định địa phương và người dân vùng bị thiên tai cần gì để hỗ trợ chứ không phải hỗ trợ cái mà mình có hoặc muốn hỗ trợ. Bộ sẽ cùng cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ người dân với khả năng cao nhất, nhanh chóng, kịp thời nhất để bà con ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất.

* Bộ NN-PTNT dự tính sẽ cùng các địa phương triển khai vụ mùa đông xuân như thế nào để đảm bảo nguồn thực phẩm cho thị trường, đặc biệt là vào dịp tết Nguyên đán tới đây?

- Hằng năm, diện tích vụ đông dao động trong khoảng 350.000 - 400.000ha. Năm nay, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với các địa phương tối đa hóa diện tích cây trồng vụ đông. Những diện tích nào bị mất trắng, không có khả năng phục hồi thì sẽ cải tạo sớm để trồng cây vụ đông. Như vậy, diện tích cây vụ đông sẽ tăng lên. Các địa phương sẽ phải cơ cấu lại và sử dụng các giống cây trồng ngắn ngày để quay được nhiều vòng sản xuất trước khi bước vào vụ lúa đông xuân 2024-2025. Các địa phương cũng cần chủ động xin nguồn hạt giống, cây giống từ nguồn dự trữ quốc gia cũng như các doanh nghiệp. Các địa phương cũng cần chủ động phối hợp với các đơn vị của Bộ NN-PTNT, với các doanh nghiệp để có đủ các loại giống, các loại vật tư nông nghiệp phục vụ cho vụ đông sản xuất một cách sớm nhất, bảo đảm diện tích và năng suất.

* Một số ý kiến cho rằng, Nghị định số 02/2017/NĐ-CP (Nghị định 02) của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh đã bị lỗi thời, cần được sửa đổi. Bộ có định hướng ra sao về việc này, thưa ông?

- Về vấn đề này, Bộ NN-PTNT đang tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để sớm ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 02. Nghị định này “lỗi thời” bởi các mức hỗ trợ không giúp người dân khôi phục sản xuất. Bộ sẽ đề xuất bổ sung đối tượng thụ hưởng chính sách, ưu tiên một phần cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc ban hành nghị định sửa đổi sẽ góp phần đáng kể giúp các địa phương, người dân có nguồn lực tái tạo, phát triển sản xuất. Đây cũng là chính sách dài hơi để ứng phó các tình huống như bão, lũ vừa qua. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng giao các đơn vị có liên quan soạn thảo để trình Chính phủ ban hành nghị quyết về những phương án và nguồn lực giúp các địa phương phục hồi sản xuất nhanh chóng sau mỗi đợt thiên tai.

* Trao đổi với chúng tôi, nhiều nông dân bị cơn bão số 3 gây thiệt hại nặng mong muốn được giãn nợ, giảm lãi suất ngân hàng để có điều kiện chăn nuôi, trồng trọt. Ông nghĩ sao về nguyện vọng này?

- Phải nói rằng, đây là vấn đề mà trong tất cả báo cáo và trong các cuộc họp khắc phục hậu quả, hỗ trợ vùng thiên tai, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đều nêu kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, bởi nông nghiệp là lĩnh vực bị tổn thương và thiệt hại nặng nề nhất. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị các ngân hàng hỗ trợ về mặt lãi suất và giảm lãi suất cũng như khoanh nợ, giãn nợ cho những hộ nông dân, những trang trại quy mô lớn bị thiệt hại do bão, lũ. Thậm chí theo tôi, cần có các chính sách giúp họ được vay thêm nhằm phục hồi sản xuất.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI