Việc hỗ trợ cũng cần chuyên nghiệp

08/10/2021 - 06:48

PNO - Cách triển khai gói an sinh đợt 3 đã có những chuyển biến tích cực hơn, trong đó có phần nhờ các công cụ giám sát chính quyền đang ngày càng tỏ ra hiệu quả, cán bộ cơ sở đã có kinh nghiệm.

Những ngày khởi đầu tháng 10/2021, TPHCM dần trở lại cuộc sống bình thường mới, đi kèm với hình ảnh hàng ngàn người dân từ khắp các ấp, xã xa xôi cho đến các khu phố trung tâm, bắt đầu nhận được khoản tiền hỗ trợ đợt 3 trên tinh thần bao phủ nhiều thành phần hơn, nhằm bảo đảm không để sót, không để trùng, không để sai đối tượng… là những tín hiệu cho thấy công tác hỗ trợ, chăm lo cho cuộc sống người dân đã được cải thiện.

Tiền hỗ trợ đợt 3 đã nhanh chóng đến với người dân
Gói hỗ trợ đợt 3 đã nhanh chóng đến với người dân

Theo thông tin ông Nguyễn Văn Lâm - Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM - công bố tại buổi họp báo ngày 7/10, chính quyền 312 phường, xã đã chi gói hỗ trợ đợt 3 cho hơn hai triệu người, việc hỗ trợ dự kiến đến 15/10 sẽ hoàn thành. Việc chi trả được thực hiện liên tục, kể cả ngày nghỉ. Riêng sở đã thành lập 23 đoàn công tác để giám sát đợt chi trả này. Qua khảo sát thực tế, các địa phương đang thực hiện rất tốt, đảm bảo nguyên tắc 5K, chi hỗ trợ theo tổ dân phố, tổ nhân dân.

Một triệu, một triệu rưỡi đồng với nhiều người có thể là một khoản tiền nhỏ, nhưng với những người đang trong cảnh túng bấn đó là một khoản tiền có giá trị. Đặc biệt đây là “tiền Nhà nước phát cho dân” trong đại dịch nên càng mang lại một ý nghĩa tinh thần rất lớn.

Việc bảo đảm công bằng và kịp thời với tất cả mọi người là một mục tiêu phải đạt được của cả hệ thống chính trị. Trên thực tế, trong bối cảnh dịch bùng phát dữ dội, chính quyền cùng hệ thống mặt trận và đoàn thể các cấp đã nỗ lực không ngừng để có các gói an sinh và đưa chúng đến tay người dân.

Nhưng trong quá trình triển khai gói an sinh đợt 1 và 2 nhiều bất cập phát sinh do lực lượng cán bộ cơ sở dù đã được tổng động viên nhưng không đáp ứng xuể từ việc thu thập thông tin, xử lý thông tin và phát gói hỗ trợ cho hàng triệu người dân đang ngày đêm mong ngóng. Bởi tất cả công việc đều được làm bằng chính sức con người và nhiệm vụ này chưa có tiền lệ. Vì vậy, có những lúc, những nơi, người dân vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Nhiệm vụ này đòi hỏi hệ thống chính quyền và đoàn thể các cấp phải chuyên nghiệp hơn trong việc thực hiện các gói hỗ trợ, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối với người dân nhanh hơn, kịp thời hơn.

Việc thành phố tăng cường kết nối nhanh với người dân thể hiện rõ nét qua việc UBND TPHCM chỉ đạo triển khai Cổng thông tin 1022 với 625 đầu mối là các sở, ban, ngành, UBND cấp quận nhằm xử lý các vấn đề mà người dân và doanh nghiệp phản ánh; thể hiện qua chương trình đối thoại trực tiếp của lãnh đạo UBND TPHCM với người dân ngày 6/9 với 1.330.000 lượt xem. Trong chương trình, câu hỏi về các gói hỗ trợ qua các đợt liên tục được người dân đưa ra đối thoại trực diện và cũng nhận được những giải đáp thẳng thắn từ lãnh đạo chính quyền thành phố.

Rút kinh nghiệm hai đợt hỗ trợ trước đây, cách triển khai gói an sinh đợt 3 đã có những chuyển biến tích cực hơn, trong đó có phần nhờ các công cụ giám sát chính quyền đang ngày càng tỏ ra hiệu quả, cán bộ cơ sở đã có kinh nghiệm.

Công thức đơn giản và hữu hiệu để xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân xưa nay vẫn là: chính quyền làm những gì mình nói và công khai, minh bạch với người dân. Và để làm được điều đó, ngày nay với những thay đổi từ nhiều góc độ của cuộc sống, chính quyền cơ sở cũng cần hết sức chuyên nghiệp ở tất cả các khía cạnh.

COVID-19 là một sự bất quy tắc cả về mặt y học lẫn các tác động xã hội nên không chỉ chúng ta mà cả thế giới điều lúng túng. Tuy vậy, hệ thống chính quyền, mặt trận và đoàn thể các cấp càng chuyên nghiệp, hoạt động bài bản thì chúng ta sẽ càng tăng khả năng chủ động ứng phó với bất cứ tình huống nào. 

 Đoàn Vệ Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI