Dịch ập đến TP.HCM khi tôi đưa hai con gái về nghỉ hè ở quê ngoại An Giang. Tôi phân vân: đưa hai con về thành phố lúc này thì tội hai bé, vì con đang có mùa hè rộn ràng, tự do và an toàn ở quê. Ở lại quê thì công việc tôi bị ngưng trệ, mất thu nhập.
Trong lúc tôi bối rối, chị dâu tôi xuất hiện và nói: “Về nguy hiểm lắm. Ba mẹ con Út ở lại đi, có chị”.
30 năm qua, câu “có chị” của chị dâu đã giúp tôi vượt qua nhiều khúc quanh, biến cố của cuộc đời. Chị về làm dâu lúc tôi đang học lớp 10. Chị làm cỏ, cắt lúa, chài cá, giăng câu đủ cả, trong khi chị chỉ hơn tôi hai tuổi.
Nhớ lần đầu gặp chị, tôi bị giọng nói rổn rảng của chị đánh thức trong sáng sớm. Tôi quạu vì buổi ngủ nướng hiếm hoi vào cuối tuần bị phá tan. Vậy là tôi không ưa chị với lý do hết sức định kiến ở quê: chưa cưới mà cô dâu đã đến nhà chồng và nói chuyện om sòm, không giữ ý, chứng tỏ “cô dâu này không phải dạng vừa”.
Tôi hình dung chị là người thô kệch, vô duyên… và tôi không muốn chị là chị dâu. Đến ngày đón dâu tôi mới gặp mặt chị. Tôi ngỡ ngàng trước một cô gái mặt mũi thanh tú, xinh đẹp, rạng rỡ, chứ không như tôi hình dung. Chị mặc áo dài đỏ, đầu đội khăn voan trắng, tay ôm bó huệ với nụ cười e ấp.
|
“Có chị” mẹ con tôi ấm lòng biết bao |
Chị vào nhà tôi như cô Tấm bước ra từ truyện cổ tích. Ngày nào tôi đi học về, cơm canh dọn sẵn, quần áo tinh tươm, nhà cửa sạch loáng. Chị khéo léo, nhanh nhẹn và nấu ăn rất ngon. Cả xóm đều khen nhà má tôi có phước, được dâu vừa khéo bếp núc, vừa giỏi đồng áng.
Chị có tuổi thơ rất vất vả. Mới bảy, tám tuổi chị với ba đã bơi xuồng đi cắt cỏ cho bò ăn từ một, hai giờ sáng. Nửa đêm, chị với ba thức dậy dắt bò đi cày ruộng, nấu cơm, đưa cơm cho ba má.
Rồi cứ mỗi mùa lúa hai lượt, cha con chị lại lùa đàn bò ra vô từ huyện Chợ Mới đến huyện Thoại Sơn (An Giang), phải vượt con sông Hậu với vàm Chắc Cà Đao nước chảy xiết, đầy hiểm trở. Chị thương cha mẹ làm lụng vất vả nên nghỉ học sớm và vô ruộng sống.
Chị thành nông dân giỏi khi mới hơn 10 tuổi, biết sạ lúa, sạ phân, xịt thuốc, cắt lúa, giăng câu, kéo vó… Và làn da mặn mòi của chị cũng có từ những năm tháng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.
Vì chị giỏi và đẹp, nên một người quen đã mai mối cho anh trai tôi. Ba má tôi nghe kể ưng liền. Ba tôi vô ruộng, thấy chị khiêng máy bơm nước ra đồng và lái tắc ráng như trong phim - ba về nói “con nhỏ giỏi hơn đàn ông”. Hai bên “thả gà” cho tìm hiểu nhau và nay, tròn 30 năm chị thành chị dâu của tôi.
Các chị gái của tôi lần lượt lấy chồng, nên nghiễm nhiên tôi đã điền chị vào “ô chị gái”. Chị sống chân tình, không màu mè và điểm chung này đã kết chặt chị em tôi, xóa đi khoảng cách chị dâu em chồng.
Khi tôi quyết định đi học bổ túc văn hóa sau bốn năm bỏ ngang lớp 11. Bao người ngăn cản, trong đó có cả người thân, vì lý lẽ “Người ta học chính quy còn đi bán khoai lang, chuối nướng. Cưng học bổ túc thì làm được gì?”. Ba má tôi lung lay. Nhưng chị dâu vẫn khẳng định chắc nịch: “Con tin Út sẽ thành tài”.
Tôi thi đậu đại học và chuẩn bị lên TP.HCM học. Lại những rào cản khác khi lời ra tiếng vào “tật nguyền như tôi có học cũng chẳng làm được gì”.
Và mọi người thay gia đình tôi làm phép tính “đầu tư học đại học bốn năm, tốn bèo nhất 100 triệu đồng (năm 1996), tính ra là hơn 30 cây vàng, học ra đi làm nghề dạy học thì 30 năm chưa lấy lại vốn”. Tôi định bỏ cuộc, chị dỗ dành: “Út đi học đi, có gì còn có chị”.
“Có chị” là mỗi lần ra bưu điện nhận tiền ba má gửi, tôi thường có thêm 100.000 - 200.000 đồng của chị hoặc chị Hai kèm dòng chữ: “Út ráng học nghen, thèm gì nhớ ăn nghen, đừng có lo gì hết. Thiếu có chị”.
Trong suốt bốn năm học, tôi thường xuyên nhận được thư của chị. Những dòng chữ nguệch ngoạc, đầy lỗi chính tả và luôn mở đầu bằng câu: “Út khỏe không?”.
Những bức thư ngắn - để viết ra với chị còn cực hơn đi cắt 10 công lúa - nhưng gửi gắm bao yêu thương. Những dòng chữ đó an ủi, vỗ về tôi rất nhiều và là sức mạnh để tôi vượt qua những khó khăn, mặc cảm.
Khi tôi ra trường, chị mua cho tôi chiếc xe Wave mới toanh, thay cho chiếc xe cũ chị Hai cho. Khi tôi thực hiện chuyến công tác xa đầu tiên, chị chở tôi bằng xe máy từ An Giang qua Kiên Lương, Kiên Giang. Đường toàn ổ voi, ổ… khủng long, vắng tanh đến nỗi mà mỗi lần gặp một con chó hai chị em mừng húm reo lên: “Chó kìa, chó kìa”.
Tôi có tật, đi xe máy, nắng lên, gió mát là ngủ như bị đánh thuốc mê. Chị kéo hai tay tôi vòng ôm eo chị, đầu tôi gục hẳn vào lưng chị. Sợ tôi té, chốc chốc chị lay tay tôi: “Út, út, nhìn kìa, chỗ này đẹp quá!”.
Tôi ráng rướn mắt, nhưng cũng toàn là cái nắng chói chang trên đồng lúa xanh bạt ngàn. Rồi chị tha tôi tới đường biên Campuchia bằng đường đồng vì theo chị “có nhiều cái hay để Út viết bài lắm”.
Tận mắt nhìn dòng người đánh hàng từ chợ Gò Tà Mâu (Campuchia) băng đồng về Việt Nam, tôi đã có bài phóng sự này và nó là dấu ấn để tôi trở thành phóng viên chính thức của một tờ báo lớn của thành phố.
|
Chị dâu tôi (bên trái) và mẹ con tôi |
Khi tôi sinh con - sinh đôi, suốt bảy tháng nghỉ thai sản, một tay chị cơm nước, giặt giũ và bảo bọc cho ba mẹ con. Chị như người mẹ, sáng chị thức sớm giặt hai thau quần áo của ba mẹ con và cả nhà.
Sau đó, chị đi chợ, nấu ăn rồi nấu thuốc cho tôi xông hơ. Chị cùng chị Hai cũng chăm lo hơ cho hai bé. Chị chăm sóc tôi ân cần, chu đáo và bao dung như một người mẹ.
30 năm qua, mỗi khi tôi về quê, sáng - trước khi đi chợ, chị đều hỏi một câu giống nhau: “Hôm nay Út ăn món gì?”. Hiện tôi đã U50, nhưng chị vẫn chăm chút cho tôi như khi còn là cô nữ sinh lớp 10 hồi mới gặp chị.
Những ngày dịch giã này, ba mẹ con tôi được chị bảo bọc, chăm sóc như những ngày tôi nằm ổ. Hai con tôi hay hỏi: “Sao mợ Bảy thương ba mẹ con mình dữ vậy mẹ?”. “Có chị” mẹ con tôi ấm lòng biết bao…
Thùy Dương