“Việc gì địa phương làm tốt hơn thì giao địa phương làm”

13/09/2013 - 18:53

PNO - PNO - Sáng 13/9, Bộ Nội vụ và Thành phố (TP) Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức hội thảo: Tổ chức chính quyền đô thị ở Việt Nam”. Trong đó, hầu hết các đại biểu đều nhấn mạnh vào việc phân cấp, ủy quyền theo hướng tăng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Mô hình của TP. Hồ Chí Minh: Đúng hướng nhưng còn ngổn ngang

Là một trong những đơn vị xây dựng Đề án “Thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP Hồ Chí Minh”, Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, đổi mới cơ chế phân cấp và ủy quyền là vấn đề mấu chốt nhất phát huy hiệu quả của mô hình.

Theo đó, chính quyền TP.HCM sẽ phân cấp và ủy quyền đối với chính quyền cơ sở để thực thi nhiệm vụ, nhằm bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao nhất cho chính quyền cơ sở. Đối với các cơ quan đại diện hành chính như quận, huyện, phường thì thực hiện theo cơ chế ủy quyền của UBND cấp trực tiếp quản lý. Các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền TP.HCM được sắp xếp gọn nhẹ, quản lý đa ngành, giảm đầu mối, hạn chế cấp trung gian. Thẩm quyền và trách nhiệm của các sở - ngành theo các nguyên tắc: Mỗi nhiệm vụ chỉ có một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc trên địa bàn thành phố, được tổ chức theo cấp chính quyền. Việc đổi mới tổ chức hoạt động của các cơ quan ngành dọc trên địa bàn thành phố phải theo chương trình cải cách hành chính, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Trung ương.

Ông Lê Hoàng Quân cũng kiến nghị lên Trung ương: “Việc gì địa phương làm tốt hơn, sát với thực tế hơn, bảo đảm lợi ích của dân hơn thì giao địa phương làm. Việc gì đã phân cấp cho địa phương thì Trung ương chỉ ban hành chính sách, thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ”.

“Viec gi dia phuong lam tot hon thi giao dia phuong lam”

"Vấn đề chủ yếu là quản lý hành chính hiệu quả"

Tại hội thảo, PGS.TS Vũ Thư - Viện nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật, nhận định: mô hình tạm gọi là “thành phố trong thành phố” của TP. HCM đã đúng hướng về cải cách. “Trước hết, nó nhằm khắc phục tình trạng quản lý cắt khúc, thể hiện được tinh thần đối với một đô thị, vấn đề chủ yếu là quản lý hành chính hiệu quả chứ không phải là có nhiều cấp chính quyền để mỗi cấp người dân có cơ quan HĐND đại diện cho mình một cách hình thức. Chỉ với điều đó là đã có lợi cho người dân, khi lợi ích của họ được thực hiện không bị sự chia cắt bởi quản lý, cung ứng dịch vụ công theo các đơn vị hành chính - lãnh thổ trong cùng một đô thị…”, PGS.TS Vũ Thư nói.

Bên cạnh những điểm đột phá trong mô hình của TP. HCM, PGS.TS Nguyễn Minh Phương - Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) cho rằng, mô hình này vẫn còn nhiều “ngổn ngang”, nhiều băn khoăn chưa tìm được giải đáp. Cụ thể như: Giải quyết như thế nào khi mô hình thí điểm được thực hiện sẽ vênh với Hiến pháp và 102 văn bản quy phạm pháp luật?”; “Có sự xung đột lợi ích giữa TP và Trung ương do thẩm quyền TP tăng lên, thẩm quyền của một số bộ ngành TƯ bị thu hẹp hay không?”; “Cơ chế báo cáo, kiểm tra, giám sát, chịu trách nhiệm của từng cấp và từng cơ quan, cá nhân, nhất là đối với nơi không tổ chức HĐND?”; “Có thể định lượng chi phí thực hiện thí điểm mô hình này và hiệu quả đạt được?”; “TP đã chuẩn bị đội ngũ cán bộ đúng chuẩn cả về trình độ, năng lực và thực tiễn để tiếp quản mô hình chính quyền đô thị hay chưa?"...

Hạn chế đại biểu HĐND là cán bộ, công chức

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Phương, tình trạng “ngổn ngang” này không chỉ nằm trong mô hình của TP. HCM mà còn nằm ngay trong mô hình tổ chức chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với hàng loạt phương án khác nhau. PGS.TS Phương đề xuất nên thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở các thành phố trực thuộc Trung ương theo phương án Một của Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị, do Bộ Nội vụ soạn thảo. Đó là không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trong cả nước và cơ quan hành chính được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính. Phương án này đảm bảo mục tiêu tổ chức chính quyền đô thị tinh gọn, ít tầng nấc, đổi mới đồng bộ nhưng có bước đi thận trọng theo lộ trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp và đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng.

Liên quan đến vấn đề tổ chức bộ máy của HĐND và cơ quan hành chính ở đô thị, PGS.TS Nguyễn Minh Phương đề xuất thành lập thêm 2 Ban của HĐND là Ban Đô thị và Ban Dân nguyện; tổ chức lại Thường trực HĐND gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các ủy viên là Trưởng ban của HĐND. Hạn chế các đại biểu HĐND là cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính của đô thị... nhằm khắc phục tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Hoạt động của đại biểu HĐND không nên chỉ dừng lại ở các kỳ tiếp xúc định kỳ và giám sát theo chương trình, kế hoạch xác định. Các kỳ họp của HĐND cũng cần phải nâng cao chất lượng, cải tiến hình thức chất vấn, trả lời chất vấn.

TS. Nguyễn Ngọc Thanh - nguyên cán bộ Sở Nội vụ Hà Nội, lại đề xuất xây dựng mô hình chính quyền đô thị theo cách phân loại. Với những TP có số dân lớn, thuộc đô thị loại I, tính chất và quy mô có ảnh hưởng đối với cả nước và thế giới thì nên nâng cấp thànhTP trực thuộc Trung ương. Những TP có mật độ dân cư đông, có tác động ảnh hưởng tới cả vùng (như TP Thanh hóa, Nam Định, Buôn Mê Thuột) thì nên chia thành các quận và thành lập chính quyền đô thị là cấp chính quyền cơ sở. Các TP thuộc tỉnh còn lại vẫn giữ nguyên tên gọi và thành lập chính quyền TP là cấp chính quyền cơ sở.

Đối với những thị xã trực thuộc tỉnh, dự báo trong 20 năm trở lại không còn đất nông nghiệp thì nên đổi tên gọi thành quận và thành lập chính quyền đô thị là cấp chính quyền cơ sở trực thuộc UBND tỉnh…
 

HUYỀN ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI