Học sinh chỉ được xem video, không thực hành
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, ở cấp tiểu học, nội dung phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được lồng ghép vào các môn khoa học tự nhiên ở khối lớp Một, Hai, Ba và môn khoa học ở khối lớp Bốn, Năm. Đối với bậc THCS và THPT, nội dung này được lồng ghép trong các môn ngữ văn, địa lý, sinh học, vật lý.
Các hoạt động tuyên truyền về biến đổi khí hậu, nâng cao kỹ năng ứng phó khi thiên tai xảy ra cũng được đưa vào hoạt động ngoại khóa để giúp học sinh cập nhật kiến thức, giữ an toàn tính mạng trong mùa mưa lũ.
|
Học sinh Trường liên cấp Thăng Long (TP Hà Nội) được các chiến sĩ quân đội dạy kỹ năng sống - ẢNH: N.T. |
Cô Đào Thùy Dung - giáo viên Trường tiểu học Ái Mộ A, quận Long Biên, TP Hà Nội - cho hay, các thầy cô giáo đã lồng ghép vào nội dung bài giảng cách nhận biết và ứng phó với những thảm họa thiên nhiên để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của. Trong các giờ học kỹ năng sống, sau khi học lý thuyết cơ bản, học sinh thực hành những động tác, phản xạ khi xảy ra bão, lũ.
Theo cô Dung, học sinh cơ bản nắm được kỹ năng ứng phó với lũ lụt, biết nên làm gì trước, trong và sau khi lũ lụt xảy ra; kỹ năng chống đuối nước, sơ cứu. Các em biết chuẩn bị hộp sơ cứu y tế, số điện thoại khẩn cấp, biết sơ tán theo sự hướng dẫn của người lớn, sử dụng phao cứu sinh, biết yêu cầu hỗ trợ trong tình huống khẩn cấp.
Tuy nhiên, không phải địa phương nào, trường nào cũng dạy kỹ năng sống nghiêm túc cho học sinh. Chị T.H. - nhân viên một trường tiểu học ở huyện Thường Tín, TP Hà Nội - kể, đầu năm học 2024-2025, học sinh trường chị cũng “học” về phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống thiên tai theo chỉ đạo của phòng giáo dục, nhưng theo cách giáo viên mở cho xem các video chứ không có tương tác giữa giáo viên và học sinh, cũng như không có thực hành, rèn luyện.
Tiến sĩ Vũ Việt Anh - Tổng giám đốc Học viện Thành Công - nhận định, nhiều trường vẫn chưa xem giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn là nội dung bắt buộc mà chỉ coi đó là hoạt động ngoại khóa nên không mấy quan tâm, nghiêm túc khi dạy. Khi dạy, các trường cũng chỉ trang bị kiến thức chứ chưa có thực hành, trải nghiệm.
Do đó, nên lồng ghép kỹ năng sống vào những môn học, chẳng hạn hướng dẫn học sinh về những loài thực vật ăn được và không thể ăn được khi giảng dạy môn sinh học, hướng dẫn cách thoát hiểm khi dạy môn giáo dục thể chất. “Nếu chỉ là học sinh nghe, thầy cô giảng lý thuyết hoặc cho xem phim thì khó có hiệu quả, dù vẫn ít nhiều có tác dụng” - ông nói.
|
Học sinh quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội được hướng dẫn thực hiện các kỹ năng thoát hiểm và cách sử dụng thiết bị chữa cháy tại chỗ để dập lửa - ẢNH: ANH NGỌC |
Nên dạy kỹ năng sống từ trong gia đình
Tiến sĩ Vũ Việt Anh cũng khuyên các phụ huynh không nên nghĩ kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn là thứ gì quá cao siêu. Thực ra, nó là những hoạt động hằng ngày mà phụ huynh có thể dạy con từ lúc nhỏ, chẳng hạn như tự làm vệ sinh, tự lấy đồ, tự chăm sóc bản thân, tự nấu ăn, nhớ số điện thoại của người thân, nhớ địa chỉ nhà… Đặc biệt, phụ huynh cần coi việc rèn các kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cho con cái như là cơm ăn, nước uống hằng ngày.
Theo ông, phụ huynh có thể dạy kỹ năng qua các trò chơi hằng ngày như đi lạc trong siêu thị. Chỉ cần cha mẹ tập trung thì sẽ có đầy đủ các phương pháp bởi các kỹ năng, kiến thức sinh tồn, thoát hiểm có nhiều trên các phương tiện thông tin, thậm chí có riêng chuyên mục kỹ năng sinh tồn.
Tiến sĩ Vũ Việt Anh nói: “Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đánh giá năng lực của người lao động qua 3 tiêu chí: kiến thức, kỹ năng, thái độ sống. Nhà trường đào tạo chủ yếu về kiến thức, nên gia đình cần quan tâm dạy thêm cho con cái về kỹ năng, thái độ sống”.
|
Học sinh Trường tiểu học Hiệp Tân, quận Tân Phú, TPHCM trong giờ học về an toàn khi sử dụng điện - ẢNH: TRANG THƯ |
Cũng theo tiến sĩ Vũ Việt Anh, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) cho rằng, việc học hướng tới 4 mục đích: học để hiểu biết, học để làm việc, học để chung sống, học để trưởng thành.
Nếu chỉ nhồi nhét cho con hiểu biết thì chỉ giúp con có được 1/4 điều kiện để hoàn thiện mình. Phụ huynh cần nhận thức rõ rằng, con cái cần phải sống được, tồn tại được trước khi đạt được bằng nọ, cấp kia. Nếu chỉ có bằng cấp mà không có kỹ năng, không có thái độ sống đúng đắn thì sẽ khiếm khuyết, nguy hiểm.
“Tôi rất mong các phụ huynh hãy gần gũi con mình hơn và dành thời gian cho con một cách đúng nghĩa, có giá trị, có chất lượng chứ đừng đổ lỗi cho công việc. Tương lai của con là món quà, tài sản hay là món nợ đều phụ thuộc vào những gì mà cha mẹ trang bị cho con” - tiến sĩ Vũ Việt Anh nói.
Kỹ năng sinh tồn phải được thực hành thường xuyên Trong trường mầm non ở Nhật Bản, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn là chương trình được lồng ghép vào các hoạt động trong ngày. Ngoài ra, đều đặn 2 tháng/lần, nhà trường tổ chức diễn tập phản ứng khi xảy ra hỏa hoạn; 3 tháng/lần sẽ diễn tập phản ứng khi có động đất; khoảng 3-4 tháng/lần, hướng dẫn cách ứng xử khi tiếp xúc người lạ, những đối tượng đột nhập trường. Trong đó, có những kỹ năng bắt buộc trẻ phải thuần thục, đặc biệt là cách ứng phó khi có tín hiệu báo động đất. Trẻ phải tự có phản xạ chui xuống gầm bàn, sau đó đội mũ bảo hiểm. Sau mỗi buổi diễn tập, các cô giáo sẽ nhắc lại các điểm cần chú ý cho các bé. Không chỉ với trẻ em, vào đầu mỗi năm học, nhà trường cũng hướng dẫn giáo viên biết nơi sơ tán nếu xảy ra động đất, sóng thần. Với các giáo viên nước ngoài, nhà trường cũng cử giáo viên bản địa hướng dẫn cách xử trí khi có thiên tai, như phải mở cửa sổ nhưng phải kéo rèm, mở cửa chính, đội mũ bảo hiểm và đeo ba lô cứu nạn (mỗi lớp được trang bị 1 ba lô). Sau đó, giáo viên cho trẻ xếp hàng và hướng dẫn các bé ra chỗ tập kết. Trẻ em Nhật Bản có khả năng độc lập sớm, kỹ năng sinh tồn tốt. Việc giáo dục trẻ cách ứng phó với hiểm họa, trong đó có thực hành đều đặn với các tình huống giả định sẽ giúp trẻ hình thành “kỹ năng nền” vững chắc, bình tĩnh ứng phó với các tình huống xảy ra trong tương lai. Cô LÊ HUYỀN - giáo viên dạy mầm non ở Nhật Bản |
Minh Tuệ - Huyền Anh