Xu hướng toàn cầu
Theo một cuộc khảo sát tại Hàn Quốc, số lượng video ngắn trên mạng của nước này tăng từ 58,1% trong năm 2023 lên 70,7% trong năm 2024; cho thấy nhu cầu xem clip ngắn trên mạng xã hội ngày càng tăng.
Nhân viên văn phòng Park Seung-jin (28 tuổi) cho biết: cô thường xuyên dành 20 phút trong thời gian di chuyển đến văn phòng để xem clip ngắn. Cô chìm đắm trong các video ngắn có độ dài khoảng 1 phút và thường xuyên xem các clip tóm lược nội dung phim. Park Seung-jin giờ đây đã dần bỏ thói quen xem một tập phim dài 60 phút mà dùng chức năng tua clip để tiết kiệm thời gian nhiều nhất có thể.
|
Tại Hàn Quốc, video ngắn đang là xu hướng giải trí của người trẻ |
Một người khác tên Park Jong-hyuk (28 tuổi) cũng cho biết anh thường xuyên xem clip ngắn trên YouTube, Instagram, Facebook, TikTok. Anh không chủ động tìm kiếm clip mà xem bất cứ nội dung nào “chạy” đến và có thể xem trong 2-3 giờ liền không chán. “Việc lựa chọn video nào để xem còn khó hơn là để nội dung hiện ra một cách tự nhiên. Tôi thích xem nhiều phim ngắn trên mạng vì cốt truyện không quá phức tạp, dễ hiểu, lại tập trung vào những chi tiết hay; trong khi phim dài tập thường dài dòng, đôi khi không phải nội dung nào cũng hấp dẫn” - Park Jong-hyuk nói.
Từ nhu cầu của người xem, trong năm qua, Hàn Quốc ghi nhận xu hướng đổ xô sản xuất các video ngắn, khởi nguồn từ sau thành công lớn của phim ngắn Night fishing dài 12 phút. Phim có sự tham gia của diễn viên Son Suk-ku với nhịp phim nhanh, cốt truyện dồn nén nhưng không quá “nghẹt thở”. Tháng 9/2024, Watcha đã giới thiệu Shortcha - một dịch vụ chuyên phát hành phim ngắn. Nhiều phim trên nền tảng này thuộc nhóm siêu ngắn - chỉ dưới 1 phút, do nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ sản xuất. Nhiều nền tảng khác cũng đang “oanh tạc” trên thế giới như Top Reels, PulsePic, PulsePick... dù chỉ vừa ra mắt trong năm 2024. Trên các nền tảng này, nội dung về người đẹp và đại gia, giới siêu giàu, sự ga lăng của các “nam thần”... được đẩy mạnh sản xuất, thu hút rất nhiều người xem.
Các chuyên gia tại Hàn Quốc cho biết, không chỉ ở quốc gia này mà cả ở nhiều nước khác, người xem đang dần quay lưng với hình thức giải trí truyền thống, chuộng các nội dung ngắn, dễ “tiêu hóa”. Ngoài việc người xem chủ động thì chính các nền tảng xã hội này cũng “đẩy” người xem hướng sự tập trung vào các nội dung ngắn.
“Sự gia tăng của nội dung dạng ngắn đang định hình lại bối cảnh giải trí, đặc biệt là trong thế hệ trẻ. Hiện nay, những nội dung ngắn trên truyền thông xã hội đang dần trở thành một ngành công nghiệp và hứa hẹn phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Tuy nhiên, nhiều nguy cơ cũng được đặt ra khi giải pháp kiểm soát chưa có” - tờ Korea Times viết.
Nguy cơ tiềm ẩn
Tại Việt Nam, dù chưa quá bùng nổ nhưng số lượng phim ngắn cũng đã tràn lan trên mạng xã hội và nội dung hầu hết đều tiêu cực. Một số phim do người trẻ thực hiện có nội dung như “gái xinh cắm sừng bạn trai”, “nhún nhảy với sếp và cái kết”, “gái ngoan và sếp”... xuất hiện và thu hút khá nhiều người xem, bình luận, chia sẻ. Chưa có trường hợp nào bị xử lý nên số clip ngắn dạng này xuất hiện ngày càng nhiều. Đây cũng là mối lo mà Hàn Quốc đã nhắc đến.
“Sự phát triển của clip ngắn trong bối cảnh truyền thông ngày nay là tự nhiên. Vì ở giai đoạn đầu nên nhiều nền tảng phải tung ra nội dung để thu hút sự chú ý, kích thích bàn luận; nhưng tôi không nghĩ các nội dung này sẽ tồn tại trong tương lai, vì chính người xem sẽ sớm chán” - nhà phê bình văn hóa Jung Duk-hyun nhận định.
Giáo sư Yun Suk-jin (Đại học Quốc gia Chungnam, Hàn Quốc) nói: chất lượng các clip ngắn hiện nay đặt ra thách thức cho các cơ quan chức năng. Ông khẳng định, nếu không biết cân bằng nội dung sẽ rất khó tạo ra giá trị bền vững, không mang lại lợi ích, chưa kể còn ảnh hưởng đến nhận thức, nhân cách người xem về lâu dài.
Dạo một vòng trên TikTok Việt Nam, nhiều nhà sáng tạo nội dung nổi lên nhờ video ngắn. Tuy nhiên, dù nổi tiếng, họ dễ vướng tranh cãi từ chính người xem. Video ngắn có thể xem là công cụ, phương tiện để tiếp cận công chúng nhưng về lâu dài, nếu muốn được công nhận, kịch bản video phải được đầu tư. Ngoài ra, việc nhiều diễn viên tên tuổi nhận lời tham gia phim ngắn mà không có chọn lọc nội dung cũng dẫn đến làn sóng chỉ trích mạnh. Mới nhất là trường hợp của diễn viên Thùy Trang trong Mẹ lao công học yêu hay trước đó là Tú Vi, Trung Huy trong Dâu hào môn.
Video ngắn hiện là xu hướng trên toàn cầu, ngoài sự chủ động của người sáng tạo, sự “phòng vệ” từ người xem, cơ quan chức năng cũng cần quan tâm nhất định đến mảng nội dung này trên mạng xã hội. Tại Hàn Quốc, dù chưa chính thức, nhà chức trách cho biết: trong thời gian tới sẽ có định hướng nhất định về nội dung để chủ động kiểm soát tình hình, chủ động lan tỏa thông tin tích cực, hạn chế tiêu cực. Ở nước ta, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần nhanh chóng vào cuộc rà soát, đánh giá chất lượng nội dung để kịp thời có những hành động phù hợp. Chúng ta không đứng ngoài trào lưu, kìm hãm sự phát triển; nhưng nếu đi đúng hướng, lan tỏa nội dung lành mạnh, sẽ tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt khi người thụ hưởng những nội dung này là thanh thiếu niên, nhận thức chưa hoàn thiện.
An Trịnh