Video ghi cảnh ca sĩ Taylor Swift “bắn” tiếng Trung lưu loát

30/10/2023 - 06:29

PNO - Ngôi sao nhạc pop người Mỹ Taylor Swift thu hút sự chú ý của người hâm mộ Trung Quốc trong tuần này khi đoạn clip cô nói tiếng Quan Thoại trôi chảy lan truyền trên mạng xã hội.

 

Đoạn video ghi cảnh nữ ca sĩ nổi tiếng người Mỹ nói tiếng Quan Thoại thu hút hàng triệu lượt xem
Đoạn video ghi cảnh nữ ca sĩ nổi tiếng người Mỹ nói tiếng Quan Thoại thu hút hàng triệu lượt xem

Trong một video được đăng trên nền tảng mạng xã hội Trung Quốc Weibo, có thể thấy nữ ca sĩ 33 tuổi đang khoe kỹ năng nói tiếng phổ thông của mình tại 1 chương trình trò chuyện.

“Gần đây, tôi đã đến nhiều nơi, như Ý, Pháp và Nhật Bản”, Swift nói bằng tiếng Quan Thoại pha chút giọng Mỹ. Video được chia sẻ vào ngày 21/10 và kể từ đó thu về hơn 6 triệu lượt xem.

Trong một video khác, Swift nói về những bài hát “bị bỏ lại phía sau” và cô ước gì mọi người có thể nghe những bài hát này. Sự thật, đoạn video về nữ ca sĩ Swift được sản xuất nhờ trí tuệ nhân tạo (AI).

Các video deepfake được tạo ra bởi công cụ AI của HeyGen, một công ty khởi nghiệp Trung Quốc. Chuyển động môi được đồng bộ hóa để khiến cô ấy trông giống như đang nói bằng tiếng Quan Thoại và nghe giống giọng của Swift, khiến video trở nên chân thực đến mức khiến cư dân mạng Trung Quốc bày tỏ sự ngạc nhiên về công nghệ này, với những bình luận như: “Điều này thật tuyệt vời!”.

Dù vậy, đoạn video cũng gây ra cuộc tranh luận về những cạm bẫy tiềm tàng sẽ xảy ra khi AI ngày càng tiến bộ hơn, như lừa đảo và mất việc làm.

Một cư dân mạng cho biết: “Điều đáng sợ nhất là nếu ai đó sử dụng công nghệ này để tạo ra tin giả, vì AI có thể điều khiển giọng nói và chuyển động của miệng nên mọi người sẽ dễ dàng tin vào điều đó”.

Một người dùng Twitter khác viết rằng sẽ “thật khủng khiếp nếu công nghệ AI này được sử dụng để lừa đảo”, vì bọn tội phạm có thể sử dụng nó để lấy tiền từ nạn nhân.

HeyGen, công ty đứng sau công cụ tạo video, ra mắt vào tháng 11/2020. Trình tạo video được hỗ trợ bởi AI của công ty cho phép người dùng tạo video chuyển văn bản thành giọng nói với hơn 300 giọng nói bằng hơn 40 ngôn ngữ, sử dụng hơn 100 hình đại diện AI với các sắc tộc, độ tuổi, tư thế và quần áo khác nhau.

Công nghệ tương tự đã làm dấy lên mối lo ngại về các ứng dụng tội phạm. Đầu năm 2023, một kẻ lừa đảo ở miền Bắc Trung Quốc đã sử dụng công nghệ deepfake để thuyết phục một người đàn ông chuyển tiền.

Kẻ lừa đảo sử dụng công nghệ hoán đổi khuôn mặt được hỗ trợ bởi AI để mạo danh một người bạn của nạn nhân trong cuộc gọi điện video. Người đàn ông cuối cùng đã chuyển cho anh ta khoảng 4,3 triệu nhân dân tệ (hơn 14 tỉ đồng).

Vào tháng 1/2023, Trung Quốc ban hành các quy định mới yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ deepfake phải có được danh tính thực của người dùng. Quy định cũng yêu cầu nội dung deepfake phải được gắn thẻ thích hợp để tránh nhầm lẫn.

Tấn Vĩ (theo Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI