Video: Chung chi 'hụi chết' ở bến xe buýt

30/11/2018 - 20:34

PNO - Mỗi lần ký lệnh vận chuyển, tiếp viên sẽ phải kẹp 10.000 đồng gọi là tiền “hụi chết” cho nhân viên điều hành. Tổng “hụi chết” ở một bến xe mỗi tháng có thể lên đến hàng chục triệu đồng.

 

Mỗi ngày, trước khi xuất bến, tài xế phải qua khâu kiểm tra, kiểm soát của một nhân viên thuộc doanh nghiệp và của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM (thuộc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM). 

Quy trình này sẽ giúp cơ quan quản lý kiểm soát được tác phong, trình độ của tài xế cũng như những vi phạm về an toàn trên xe buýt. Theo quy định, việc kiểm tra phải rất chặt chẽ, nhưng theo quan sát của chúng tôi, hầu hết người vào ký lệnh vận chuyển là tiếp viên xe buýt. Việc ký lệnh vận chuyển diễn ra “nhanh như chớp”, không có kiểm tra, kiểm soát gì.

Sáng 14/11, tại bến xe buýt Đại học Quốc gia TP.HCM, một người đàn ông tiến đến gặp nhân viên điều hành, đưa lệnh vận chuyển, phía trong có kẹp tờ tiền 10.000 đồng. Nhân viên điều hành cầm tờ tiền, ký lệnh vận chuyển cho nam nhân viên trên rồi đút tiền vào túi. Khoảng 15 phút sau, một nữ tiếp viên xe buýt khác đến gặp nhân viên điều hành để ký lệnh vận chuyển, kẹp 14.000 đồng đưa cho nhân viên điều hành. Số tiền này được lý giải là 10.000 đồng tiền “hụi chết” và 4.000 đồng tiền vệ sinh. Nhận tiền từ tay nữ tiếp viên xe buýt, nhân viên điều hành lôi một cọc tiền trong giỏ xách ra và nói: “Cái này là tiền hụi chết”.

Theo điều tra của phóng viên, thời điểm chung chi “hụi chết” tại bến xe buýt Đại học Quốc gia TP.HCM khoảng từ 5-8g sáng. Ước tính, tại bến xe này, có khoảng gần 100 xe buýt, nếu mỗi xe phải đóng 20.000 đồng/ngày thì “hụi chết” mỗi tháng tại đây lên đến 60 triệu đồng. 

Tại bến xe buýt khu chế xuất Linh Trung 2, chúng tôi cũng ghi nhận quy trình ký lệnh vận chuyển và chung chi tương tự. Ngày 17/11, nhân viên của Hợp tác xã 15 (tuyến xe buýt 141) ngồi ở một chiếc bàn sắt ngay gần quán cà phê để ký lệnh vận chuyển. Tại đây, có hiện tượng tiếp viên vào ký lệnh vận chuyển chung chi tiền cho nhân viên điều hành.

Khoảng 7g38, một nữ tiếp viên tiến vào quán cà phê đưa tập giấy và cùi vé, liền đó lấy một cọc tiền trong túi áo ra lựa tờ 10.000 đồng để trước mặt nhân viên điều hành. Sau đó, nhân viên điều hành lấy tờ 10.000 đồng cho vào túi. Quy trình ký lệnh vận chuyển diễn ra khoảng 2 phút.

Khoảng 7g50 phút, một tiếp viên nam rời xe buýt 141 đi thẳng vào quán cà phê gặp nhân viên điều hành ký lệnh vận chuyển. Khi vừa đặt xấp giấy tờ xuống bàn, tiếp viên này liền móc trong túi ra một tờ tiền 10.000 đồng đã chuẩn bị sẵn bỏ lên bàn cho nhân viên điều hành. Như một thứ “luật ngầm”, hễ nhân viên vào ký lệnh vận chuyển là phải bỏ ra 10.000 đồng cho nhân viên điều hành. 

Ngày 26/11, mặc dù bị ảnh hưởng của cơn bão số 9, xe buýt ế khách nhưng “luật ngầm” vẫn được duy trì tại bến xe buýt khu chế xuất Linh Trung 2. Một nữ nhân viên điều hành (khoảng 30 tuổi) của Hợp tác xã 15 ngồi ở một góc quán cà phê trên đường Ngô Chí Quốc (Q.Thủ Đức) làm nhiệm vụ ký lệnh vận chuyển. Lúc này, một tiếp viên xe buýt 141 vào ký lệnh vận chuyển có kẹp 10.000 đồng trong cùi vé xe buýt. Nhân viên điều hành nhận tờ tiền rồi kẹp dưới cuốn sổ của mình. Lát sau, một nam tiếp viên vào đưa lệnh vận chuyển, móc ra tờ 10.000 đồng hỏi nhân viên điều hành: “Kẹp dưới này (cuốn sổ của nhân viên điều hành) luôn ha”. Cứ thế, quy trình ký lệnh vận chuyển luôn kèm theo tờ tiền mệnh giá 10.000 đồng. Chỉ ít phút sau, cuốn sổ của nhân viên điều hành đã dày lên bởi xấp tiền mệnh giá 10.000 đồng do các tiếp viên xe buýt chung chi.

Sơn Vinh - Quang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI