Để vỉa hè lưu giữ bản sắc phố thị:

Vỉa hè ở TPHCM xuống cấp, bị lấn chiếm khắp nơi

24/08/2022 - 06:17

PNO - Nhìn những viên gạch vỡ nát, nằm lởm chởm trên vỉa hè đường Nguyễn Thái Học (Q.1), ông Bùi Tuấn Anh - chủ một khách sạn - chép miệng: “Đường sá, vỉa hè thế này đã khiến không ít khách du lịch bày tỏ ngán ngẩm”. Vỉa hè nhiều tuyến đường ở TPHCM đang tan nát nhưng không được sửa chữa do các địa phương không có kinh phí hoặc gặp rào cản về quy định.

Lơ đễnh là té như chơi

17g, trên vỉa hè đường Võ Thị Sáu (Q.3), tiếng gạch liên tục phát ra những tiếng lộp bộp vì xe máy leo lề để tránh kẹt xe trong giờ cao điểm. Với lưu lượng xe dày đặc, vỉa hè đường Võ Thị Sáu thường xuyên bị biến thành một làn đường của xe máy nên gạch bị bong tróc nham nhở.

Chị Đặng Ánh Nguyệt - kinh doanh cửa hàng thời trang trên đường này - cho biết, vỉa hè trước cửa hàng chị bị bong lên từ trước dịch COVID-19 nhưng đến nay, vẫn chưa được sửa chữa. Mỗi ngày, xe máy tiếp tục cán qua nên mảng gạch tiếp tục bong rộng ra, nằm ngổn ngang, tạo thành chiếc bẫy. Nếu lơ đễnh, người đi bộ, chạy xe dễ bị sụp té.

Nhiều đoạn vỉa hè trên các tuyến đường ở trung tâm TPHCM như Nguyễn Du, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thái Học, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Đình Chiểu… cũng bị sụt lún, bong gạch. 

Khoảng một năm trở lại đây, vỉa hè đường Nguyễn Thái Học, Q.1 - nơi có đông du khách đi bộ hằng ngày - bị xuống cấp trầm trọng. Từ ngã tư Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo nhìn về hướng công viên 23/9, vỉa hè đường Nguyễn Thái Học lởm chởm ổ gà, gạch đá. Nhiều người dân cho biết, họ rất muốn bỏ tiền ra lấp những ổ gà trước cửa hàng, công ty của mình nhưng không được phép.

Vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai đoạn qua Bệnh viện Từ Dũ khá rộng nhưng cũng thường xuyên bị xe máy chạy lên khiến gạch vỡ vụn, tả tơi. Ông Trần Văn Kỳ - chạy xe ôm ở khu này - nói: “Tôi phải nhắc mấy bà bầu đi bộ cẩn thận để tránh sụp chân, ảnh hưởng thai nhi. Vỉa hè kế bệnh viện mà toang hoác thế này thì nguy hiểm, khó coi quá”.

 

Một đoạn lề đường bị bong tróc nặng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (bên hông Bệnh viện Từ Dũ) (ảnh chụp ngày 19/8/2022) - Ảnh: Phùng HUy
Một đoạn lề đường bị bong tróc nặng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (bên hông Bệnh viện Từ Dũ) (ảnh chụp ngày 19/8/2022) - Ảnh: Phùng Huy

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7) từng được xem là một khu đô thị kiểu mẫu với vỉa hè đường rộng rãi, không bị lấn chiếm cũng đang dần trở nên nhếch nhác. Tại địa chỉ 1453 Nguyễn Văn Linh, P.Tân Phong, người dân dựng xe máy ngổn ngang trên vỉa hè, thảm cỏ. Cách đó không xa, gần giao lộ Nguyễn Văn Linh - Phạm Văn Nghị (khu Mỹ Toàn 2), một đoạn vỉa hè dài bị cày xới tan tành, gạch đá vương vãi khắp nơi. Trên đường Hà Huy Tập, các công ty cho nhân viên, khách hàng đậu xe trên vỉa hè và lòng đường, chắn hết lối của người đi bộ. Cách đó không xa, một quán cà phê bày bán trên vỉa hè và dựng xe ở lòng đường.

Khu dân cư Trung Sơn (H.Bình Chánh) có phần vỉa hè khá thoáng đãng dành cho người đi bộ nhưng phần lớn đã bị hàng quán lấn chiếm. Đơn cử, tuyến đường 9A trong khu này có vỉa hè rộng khoảng 4m nhưng nay không còn khoảng trống do bị các quán ăn, cửa hàng bán quần áo chắn ngang.

Cảnh tương tự cũng diễn ra trên vỉa hè đường Hoàng Diệu (Q.4), đường An Dương Vương (Q.Bình Tân, Q.6, Q.8), Quốc lộ 1A qua cổng Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (Q.Bình Tân) và các tuyến đường lân cận.

Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, theo phân cấp, UBND các quận, huyện có thẩm quyền và trách nhiệm quản lý vỉa hè thuộc địa phương mình. Vừa qua, sở đã gửi công văn đề nghị UBND các quận, huyện tích cực kiểm tra, xử lý tình trạng kinh doanh trên vỉa hè, lòng đường, đồng thời tiếp tục duy tu vỉa hè thường xuyên, lâu dài. Thanh tra giao thông cũng thường xuyên tuần tra, xử phạt các đơn vị thi công công trình ngầm chưa làm tốt công tác tái lập mặt bằng vỉa hè.

Lấn cấn về kinh phí, trách nhiệm quản lý

Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Xuân Mai - chuyên gia giao thông - nhận định, chức năng của vỉa hè là để đi bộ, tạo khoảng trống an toàn cho người tham gia giao thông trên đường. Thế nhưng, mỗi khi kẹt xe, người ta thường chạy xe hàng đoàn lên vỉa hè. Người ta cũng mượn vỉa hè để kinh doanh, đậu xe. 

Đoạn vỉa hè trung tâm TP.HCM bị chiếm dụng - ẢNH: THÁI PHƯƠNG
Đoạn vỉa hè trung tâm TPHCM bị chiếm dụng - ẢNH: THÁI PHƯƠNG

“Việc quản lý vỉa hè còn chồng chéo, chưa khoa học nên vỉa hè vẫn bị xâm hại, lấn chiếm. Theo tôi, cần phân quyền, giao trách nhiệm quản lý rõ ràng. Ví dụ, ngành giao thông lập quy hoạch, cho phép đoạn vỉa hè nào được đậu xe, kinh doanh rồi giao cho địa phương quản lý các điểm kinh doanh vỉa hè theo quy hoạch. Vỉa hè hiện nay bị lấn chiếm tràn lan, hư hỏng, vừa mất mỹ quan, vừa lãng phí” - phó giáo sư Phạm Xuân Mai nói.

Theo ông Trần Hải Nguyên - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị Q.3 - nguồn kinh phí eo hẹp khiến công tác duy tu, sửa chữa vỉa hè khó khăn. Thêm nữa, công tác phối hợp để ngầm hóa đường dây điện, viễn thông vẫn chưa đồng bộ khiến vỉa hè xuống cấp, nham nhở. Vẫn còn tình trạng ngành này làm xong, ngành kia đào lên rồi lấp lại sơ sài.

Trong đề tài nghiên cứu “Quản lý, sử dụng vỉa hè ở TPHCM - Thực trạng và giải pháp” do Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM thực hiện, nhóm nghiên cứu đã đề xuất hợp thức hóa hàng rong thay vì cấm như lâu nay. Theo nhóm nhiên cứu, nhiều quốc gia đã chuyển hướng từ cấm sang cho phép hàng rong hoạt động. Do đó, UBND TPHCM có thể lồng ghép hàng rong vào quá trình quy hoạch và thành lập các tổ chức đại diện giới bán hàng rong. Điều này giúp tạo ra sự ổn định lâu dài cũng như cải thiện hình ảnh cho những người bán hàng rong.

Ông Lê Đức Thanh - Chủ tịch UBND Q.1 - cho hay, thời gian qua, UBND quận đã nhận được phản ánh của người dân về tình trạng vỉa hè hư hỏng, nhưng quận không có kinh phí để sửa chữa. Theo mô hình tổ chức chính quyền đô thị, UBND quận không cấp ngân sách mà chỉ dự toán; toàn bộ ngân sách kết dư phải chuyển về cấp thành phố. Do đó, các công trình nhỏ như sửa chữa vỉa hè, nâng cấp hẻm phải chờ bố trí vốn. 

Sở Tài chính hướng dẫn về nguồn kết dư

Bà Phạm Thị Hồng Hà - Giám đốc Sở Tài chính TPHCM - thông tin, trong sáu tháng đầu năm 2022, sở nhận được nhiều phản ánh của cấp quận về việc thiếu nguồn vốn sửa chữa vỉa hè, đường hẻm; cấp quận, phường không được chủ động trong công tác điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, gặp khó khăn về nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, phát sinh đột xuất.

Theo bà, trước mắt, UBND TPHCM đã bố trí gói điều hành chung về ngân sách khoảng 749 tỷ đồng để bổ sung cho khoản chi đột xuất phát sinh, đồng thời Sở Tài chính hướng dẫn UBND các quận rà soát, xác định nguồn kết dư còn lại, rà soát danh mục dự án đầu tư công cần thiết, đủ điều kiện giải ngân để bố trí kinh phí.

Sở Tài chính hướng dẫn về nguồn kết dư

Bà Phạm Thị Hồng Hà - Giám đốc Sở Tài chính TPHCM - thông tin, trong sáu tháng đầu năm 2022, sở nhận được nhiều phản ánh của cấp quận về việc thiếu nguồn vốn sửa chữa vỉa hè, đường hẻm; cấp quận, phường không được chủ động trong công tác điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, gặp khó khăn về nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, phát sinh đột xuất.

Theo bà, trước mắt, UBND TPHCM đã bố trí gói điều hành chung về ngân sách khoảng 749 tỷ đồng để bổ sung cho khoản chi đột xuất phát sinh, đồng thời Sở Tài chính hướng dẫn UBND các quận rà soát, xác định nguồn kết dư còn lại, rà soát danh mục dự án đầu tư công cần thiết, đủ điều kiện giải ngân để bố trí kinh phí.

Sơn Vinh - Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI