Vỉa hè góp phần phát triển kinh tế

18/03/2023 - 07:18

PNO - Vỉa hè hiện đang là vấn đề nóng trong đời thực lẫn trên mạng xã hội. Nhưng trước khi xem chuyện gì đang xảy ra với vỉa hè, hãy cùng xem vỉa hè là gì và được tạo ra thế nào.

 

Đoạn vỉa hè trung tâm TPHCM bị chiếm dụng - Ảnh: Thái Phương
Đoạn vỉa hè trung tâm TPHCM bị chiếm dụng - Ảnh: Thái Phương

Khi tìm kiếm trên Google với từ khóa “vỉa hè”, tôi nhận được 12,7 triệu kết quả với những tiêu đề “Giành lại vỉa hè”, “Bát nháo cảnh lấn chiếm vỉa hè ở Cần Thơ”, “Vắng bóng công an, vỉa hè ở Hà Nội lập tức thất thủ”, “Đòi lại vỉa hè cuốn chiếu từng tuyến phố, kỷ luật cán bộ vi phạm”…

Vỉa hè hiện đang là vấn đề nóng trong đời thực lẫn trên mạng xã hội. Nhưng trước khi xem chuyện gì đang xảy ra với vỉa hè, hãy cùng xem vỉa hè là gì và được tạo ra thế nào. 

Trong cuốn sách nổi tiếng The Death and Life of Great American Cities (tạm dịch Cái chết và sự sống của những thành phố lớn nước Mỹ), Jane Jacobs viết: “Đường phố (hiểu là đường và vỉa hè) là những không gian công cộng chính yếu của mọi đô thị. Nghĩ về một thành phố, điều gì sẽ hiện ra trong đầu chúng ta? Đó chính là những con phố. Nếu các con phố hấp dẫn, thú vị thì thành phố cũng hấp dẫn, thú vị; nếu các con phố ảm đạm, thành phố trông cũng thật ảm đạm”. 

Nói “giành lại vỉa hè”, vậy vỉa hè là của ai và ai giành lại, giành lại cho ai? Vỉa hè là không gian chung, vậy cô A bán bún riêu muốn đặt gánh hàng ở vỉa hè của nhà anh B thì phải hỏi ý kiến của anh B hay chính quyền địa phương? Vỉa hè trong khu đô thị do ai trực tiếp quản lý? 

Trên thực tế, các quy định về quản lý vỉa hè đã có từ lâu. Năm 2003, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 63/2003/QĐ-UB; năm 2008, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 74/2008/QĐ-UBND về quản lý, sử dụng lòng đường và vỉa hè. UBND TP Hà Nội ban hành quy chế quản lý phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; UBND TPHCM cũng quy định danh mục các tuyến đường được phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa và cho phép đậu xe dưới lòng đường.

Năm 2012, UBND TPHCM ra Quyết định số 4030/QĐ-UBND, giảm số đường được phép kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa ở một phần vỉa hè xuống còn 13 tuyến. Theo phụ lục 2 của bản quy chế quản lý kiến trúc TPHCM, toàn thành phố có 374 đoạn đường, tuyến đường có vỉa hè rộng hơn 3m, có thể cho phép kinh doanh dịch vụ, buôn bán. 

Để việc buôn bán trên vỉa hè được tổ chức bài bản, cần có quy hoạch, thiết kế. Để thực hiện các quy hoạch, thiết kế này, cần nguồn vốn nhà nước lớn. Khi làm xong vỉa hè sạch đẹp, mát mẻ, trong nhiều trường hợp, cơ quan nhà nước khó thu lại được số kinh phí đã đầu tư, đó là chưa kể kinh phí bảo trì, quản lý, duy tu.

Trên thực tế, có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng tham gia cùng chính quyền cấp thành phố hoặc cấp quận trong việc thực hiện quy hoạch và thiết kế trên từng vỉa hè cụ thể nếu có quy định rõ ràng. Việc kinh doanh ở phố đi bộ hồ Con Rùa, quận 3 là một ví dụ về sự tham gia của các đơn vị kinh doanh vào quá trình hiện thực hóa ý tưởng. 

Khi việc kinh doanh trên vỉa hè được quy hoạch, thiết kế hài hòa, hợp lý, bắt mắt, việc kinh doanh trên vỉa hè bài bản theo các tiêu chí chung, không gian vỉa hè sẽ trở thành nơi thu hút giới trẻ, khách du lịch đến tham quan, ăn uống, mua sắm, mà không cản trở giao thông, sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của thành phố.

Văn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI