Những người mẹ yêu... xa con

20/12/2020 - 06:00

PNO - Không người mẹ nào muốn rời xa con mình. Tuy nhiên, một số phụ nữ Philippines không còn sự lựa chọn nào khác. Theo Cơ quan thống kê Philippines, ước tính có khoảng 2,2 triệu người Philippines, đa số là phụ nữ, do không thể mưu sinh ở quê nhà đành ra nước ngoài làm việc. Những phụ nữ này hy vọng rằng sự cố gắng của họ sẽ mang lại cho con họ tương lai tốt đẹp hơn.

Năm ngoái, ước tính có khoảng hơn 2,2 triệu người Philippines ra nước ngoài làm việc. Họ là y tá, nhân viên khách sạn, bảo mẫu, tạp vụ… Họ đã mang về cho đất nước khoảng 33,5 tỷ USD kiều hối cá nhân. Theo ngân hàng trung ương Philippines, đây là mức cao kỷ lục.

Để nhận lấy đồng tiền, những người mẹ này phải đánh đổi không ít. Họ phải xa con, bỏ lỡ thời khắc tuổi thơ của con. Tệ hơn, một số người mẹ thậm chí còn bị chính con mình lạnh nhạt bởi thời gian mẹ con họ xa cách nhau quá lâu. Phần lớn phụ nữ Philippines chấp nhận xa con để sang Hồng Kông làm người giúp việc gia đình và… nuôi con của người khác. 

Bà Dolores khoe ảnh cậu con trai bảy tuổi đang sống ở quê nhà
Bà Dolores khoe ảnh cậu con trai bảy tuổi đang sống ở quê nhà

Ra đi để có tiền cho con học đại học

Cô Dolores, làm công việc giúp việc ở Hồng Kông, nói rằng số lần cô gặp đứa con trai bảy tuổi của mình có thể đếm trên đầu ngón tay. Cô để con trai cho bà ngoại khi cậu bé mới sáu tháng tuổi. Cô phải trở lại Hồng Kông sau khi sinh để tiếp tục kiếm tiền nuôi gia đình ở quê nhà. Hầu hết thành viên gia đình cô đều phải ra nước ngoài kiếm sống vì chẳng biết làm gì tại quê nhà.

Không có nhiều thời gian nghỉ phép hằng năm, tiền lương chỉ đủ để gửi về cho gia đình nên đến khi con trai hơn hai tuổi, Dolores mới có cơ hội về Philippines thăm con. “Thử tưởng tượng xem, thật chẳng dễ dàng gì khi bạn để con trai mình lớn lên mà không biết mẹ nó là ai. Rồi khi bạn quay lại, con của bạn đã biết đi, biết nói chuyện nhưng hỡi ôi, nó lại không nhận ra bạn là ai…”, cô Dolores trải lòng.

Những năm đầu tiên đó thật đau lòng. Dolores chỉ có thể gọi điện thoại về nhà hai lần mỗi tuần vì gia đình cô không có internet. Cô thường gọi điện vào đêm khuya, sau khi hoàn thành công việc, chỉ để nghe con trai mình bi bô. Giờ đây, mọi thứ dễ dàng hơn khi gia đình cô đã có internet. Cô gọi điện về nhà ba lần mỗi ngày. Tuy nhiên, nỗi nhớ con của người mẹ ấy vẫn luôn cồn cào.

Hai năm trước, khi con trai phải nhập viện vì tắc nghẽn tai, cả Dolores và chồng cô đều không thể trở về nhà. Họ chỉ có thể nói chuyện với con qua điện thoại sau khi ca phẫu thuật kết thúc. “Tôi cảm thấy thật nặng nề khi không thể có mặt lúc con trai mình trải qua ca phẫu thuật. Tôi đã khóc rất nhiều khi biết rằng con đang đau mà mình lại không thể bên cạnh con” - Dolores kể lại nỗi đau của mình.

Catalina Magno và chồng đều mất việc làm vào năm 2001. Khoản tiền tiết kiệm của họ cũng dần cạn kiệt sau nhiều tháng thất nghiệp. Không còn cách nào để chu cấp cho hai con trai, Magno phải qua Hồng Kông làm việc và để lại hai đứa trẻ, (bốn tuổi, một tuổi) cho cha chúng. “Mục tiêu của tôi là kiếm đủ tiền cho hai con học đại học. Đó là điều mọi bà mẹ đều mơ ước” - Magno nói.

Thế nhưng trong những năm qua, các con của Magno thường hỏi tại sao mẹ mình không có mặt ở nhà. Khi lên sáu, con trai bà đã thắc mắc: "Tại sao mẹ lại chăm sóc những đứa trẻ khác mà không chăm sóc tụi con?”, Magno cay đắng kể lại.

Hai con trai của Magno hiện đều đã ngoài 20 tuổi. Cả hai đều vào đại học như mẹ họ đã kỳ vọng nhưng đều đã bỏ học trước khi tốt nghiệp. Khi hay tin, Magno vô cùng suy sụp.

“Lúc đầu, tôi không tin đó là sự thật", Magno kể lại. Bà cũng không rõ vì sao các con bỏ học. Hiện tại, mối quan hệ giữa bà với các con vẫn là cảm giác xa lạ và cam chịu. Sau khi dở dang việc học, hai con của Magno rồi cũng tìm thấy công việc tương đối ổn định. Vậy nhưng người mẹ ấy vẫn không giấu được cảm giác thất vọng.

Khi được hỏi nếu có thể quay lại ngày xưa, liệu bà có đến Hồng Kông khi biết rằng hai con của mình rồi sẽ không học đại học, bà trả lời ngay lập tức: “Không, tất nhiên là không. Mục tiêu duy nhất của tôi khi ra nước ngoài là kiếm tiền cho các con học đại học”.

Anh Francis Tumpalan (phải) đang cố gắng để đưa mẹ về sống chung sau nhiều năm mẹ anh phải xa con để mưu sinh
Anh Francis Tumpalan (phải) đang cố gắng để đưa mẹ về sống chung sau nhiều năm mẹ anh phải xa con để mưu sinh

Mong kiếm đủ tiền để đón mẹ về

Anh Francis Tumpalan không nhớ rõ mẹ mình đã rời nhà như thế nào. Lúc đó, anh mới bốn tuổi. Điều duy nhất anh còn nhớ là mình được ông bà ngoại nuôi nấng và cả thời thơ ấu đến trường trong bộ đồng phục nhăn nhúm.

Cứ hai năm một lần, mẹ anh lại về thăm con. Cảm giác của anh những lần gặp mẹ là vui buồn lẫn lộn. Mỗi lần gặp lại mẹ, anh như sống trong một giấc mộng đẹp. Nhưng rồi anh lại lo lắng vì không biết niềm hạnh phúc đó sẽ kéo dài được bao lâu. Lần nào cũng thế, mẹ anh vội vã trở về rồi vội vã ra đi để lại cho anh nỗi buồn nhớ suốt một thời gian dài sau đó.

Sự hy sinh của mẹ đã mang lại cho Tumpalan nhiều cơ hội, đặc biệt là cho anh chạm tới giấc mơ đại học. Tuy nhiên, anh thú nhận rằng mình đã ham chơi hơn ham học và hối tiếc vì đã bỏ học trước khi tốt nghiệp.

Năm nay, Tumpalan, 22 tuổi, còn mẹ anh vẫn đang làm việc ở Hồng Kông. Mẹ con họ nói chuyện hằng đêm, trao đổi những câu chuyện hằng ngày, đặc biệt là những chuyện về Phoebe, con gái nhỏ của Tumpalan. Những cuộc trò chuyện kéo dài đã khiến họ xích lại gần nhau hơn và giúp anh thêm thấu hiểu vì sao mẹ con anh phải sống xa nhau.

“Tôi vô cùng biết ơn mẹ về sự hy sinh cao cả mẹ dành cho tôi suốt mười mấy năm qua. Tôi luôn mơ ước rằng mẹ sẽ về hẳn với chúng tôi vào một ngày gần nhất. Tôi hy vọng rằng một ngày nào đó tôi có thể mang lại cho mẹ một cuộc sống tốt đẹp hơn” - Tumpalan cho biết. Tumpalan hy vọng công việc tại một cửa hàng ô tô sẽ giúp anh đủ trang trải cuộc sống để đón mẹ anh trở về chung sống với gia đình anh.

Bên cạnh việc phải sống xa con,  những phụ nữ Philippines ra nước ngoài  làm việc còn chịu nhiều thiệt thòi
Bên cạnh việc phải sống xa con, những phụ nữ Philippines ra nước ngoài làm việc còn chịu nhiều thiệt thòi

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tình trạng người dân phải bán sức lao động ở xứ người đã kéo dài trong nhiều thập niên. Mỗi năm, có đến hơn một triệu người Philippines rời khỏi đất nước để mưu sinh ở nước ngoài. Thu nhập của họ không chỉ trang trải việc học hành của con cái mà còn giúp cuộc sống gia đình họ ở quê nhà đỡ chật vật hơn. 

Trong một sự kiện năm 2019, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ca ngợi những cá nhân này vì những đóng góp của họ cho nền kinh tế nước nhà. Mặc dù vậy, việc họ ra nước ngoài mưu sinh cũng đã khiến hàng triệu trẻ em lớn lên trong hoàn cảnh không có cha mẹ kề bên.

Ngoài ra, bên cạnh việc phải sống xa con, những phụ nữ ra nước ngoài làm việc còn chịu nhiều thiệt thòi hơn. Một cuộc khảo sát vào năm 2019 cho thấy trong số 5.023 người giúp việc gia đình ở nước ngoài, có 15% bị lạm dụng thể chất trong quá trình làm việc và 2% cho biết họ bị tấn công hoặc quấy rối tình dục. Gần một nửa cho biết họ làm việc hơn 16 giờ một ngày (do Hồng Kông không có luật về giờ làm việc tối đa mỗi ngày hoặc mỗi tuần). Họ còn phàn nàn rằng không được cho ăn đủ no, không có giường ngủ riêng và bị bắt phải làm việc cả vào những ngày nghỉ. 

Tú Quyên (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI