1. Ngân đi làm lại với đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ. Cả phòng ái ngại, nhưng không ai dám hỏi thăm. Bữa trưa, Ngân thản nhiên buông một câu nhẹ tênh: “Chia tay rồi”. Rồi Ngân cười, chính xác thì chỉ là cái bóng của nụ cười, trông còn nặng nề hơn cả việc bật khóc.
Đã gần bốn mươi, khó khăn lắm Ngân mới tìm được người đàn ông phù hợp, lại thật lòng muốn tiến tới. Chẳng phải vì Ngân xấu xí, vô duyên mà chỉ vì gia cảnh có phần khác người, nên nhiều anh đến rồi đi trong vội vàng…
Chuyện bắt đầu từ khi chị Hai của Ngân đang học chưa hết phổ thông thì kêu nhức đầu, không học nổi, cứ quên trước quên sau. Rồi chị nghỉ hẳn, cũng không có ý định học nghề hay đi làm, tự cho là mình… bệnh. Cả nhà dần cũng coi chị Hai là “tưng tưng” nên không chấp, việc gì cũng nhường, yêu sách nào cũng đáp ứng…
Gia đình Ngân có nhà cửa ổn định, chị Hai và cô em gái Ngân là khách quen của mấy shop quần áo, spa và các sàn nhảy. Có vẻ như mọi chi tiêu lớn nhỏ trong nhà đều đã có Ngân lo, nên họ chẳng cần nghĩ thêm cho nhọc! Nhiều lúc Ngân nghĩ, mọi người cho là cô ra đời kiếm sống, chuyện gì cũng dễ dàng; nên mở miệng yêu cầu mua thứ nọ thứ kia, đưa tiền lo chuyện này chuyện khác cứ nhẹ tênh, chẳng thấy đắn đo gì.
Nhìn chị Hai và em gái vô tư váy áo lượt là, cô lại chặt lưỡi, thôi thì phận mình đã vậy, cố cày thêm chút nữa, cho cả nhà được thư thả. Riết thành quen, Ngân không còn so đo tính toán gì cho mình…
Anh ấy làm chung ngành, thật sự có ý lâu dài với Ngân. Anh là người tốt, từng trải, cả phòng đều vun vào vì thương Ngân đã nhiều hy sinh, buồn tủi. Buổi đầu quen biết, khi Ngân tình thật chia sẻ hoàn cảnh gia đình, anh chỉ yên lặng nghe; không hời hợt cho là “chuyện nhỏ”, cũng không tỏ ra quá e dè.
Chính sự trầm tĩnh đó đã khiến Ngân yên lòng. Vài dịp, anh cùng gia đình Ngân gặp gỡ, tưởng đơn giản mà lần nào cũng xảy ra sự cố. Lúc thì ngồi chưa ấm chỗ, đã nghe ba Ngân nói thẳng, như dằn mặt, Ngân lấy chồng rồi thì ai lo cho chị em nó? Anh có dám thề là không bắt nó phải bỏ rơi chị không? Hôm lại xa gần, là của cải phải rạch ròi, tốt nhất nên đi công chứng cho nó đàng hoàng…
Lần này, gia đình Ngân đánh hơi được mùi “nguy hiểm”, rằng anh ta có vẻ định cướp chị Ngân của cả nhà. Không ai muốn vun vào, chỉ mong Ngân sớm tan vỡ. Đó chính xác là cảm giác của Ngân, sau lần anh lái xe đưa cả nhà đi ăn. Ngồi sau, chị Hai liên tục chỉ đạo. Anh phải rẽ ngay chứ, sao anh… ngu thế. Anh ngu mà vẫn cứ muốn cưới con Ngân à? Lời chị không ngây ngô mà đầy vẻ cố tình, như dao cứa vào tim Ngân. Anh im lặng trân người sau vô-lăng.
“Anh quý Ngân lắm, nhưng thật xin lỗi em…”. Buồn đến suy sụp nhưng Ngân chẳng thể trách anh...
2. Cả tuần nay, lần nào gọi về cũng nghe mẹ khóc trên điện thoại, lòng chị như xát muối. Thương mẹ. Giận bố. Tức thằng em trai phá xóm phá nhà…
Chị tần ngần đếm tới đếm lui mấy cái sổ tiết kiệm. Tiền bạc là phù du, vật chất là ngoại thân, áo liệm chẳng có túi nên đừng tiếc gì ở cõi nhân gian ta bà này. Ai đó từng khuyên người ta, đại khái như thế. Chị cũng không phải loại người coi trọng đồng tiền hơn tình thâm.
Lần này mẹ không dám yêu cầu chị phải cứu em nữa. Mẹ thương chị. Mẹ thương em. Cái chân lý đơn giản là con cái đứa nào nghèo khổ thì được cha mẹ yêu thương, che chở nhiều hơn. Mẹ cũng không dám hỏi mượn chị vì không muốn chị phải khó xử. Mẹ chỉ khóc.
Nước mắt của một người đàn bà vất vả, cả đời chẳng mấy dịp được bước ra khỏi nhà, quanh năm chịu đựng những cơn say xỉn đánh đập của chồng và bao đợt tai họa do bài bạc của con trai. Mẹ chịu đựng đã quá nhiều rồi. Chị không đành lòng thấy mẹ phải khổ thêm…
Giờ chị nhìn mớ tiền còm còn lại mà đau đớn. Mẹ nói sẽ cầm cố giấy tờ nhà, vay ngân hàng. Rồi lấy gì trả? Lãi suất cao ngất thì sao? Chuyện ấy tính sau. Không thể để em trai vướng vòng lao lý được. Tội nó lắm. Có cố lì để em bị tạm giam vài bữa cho biết sợ mà tu tỉnh, cũng không thể. Đã ra tới pháp luật là hết đường “binh”, còn tốn kém thêm nhiều.
Thôi thì… Anh em như thể tay chân. Câu ấy thuở nhỏ mẹ vẫn hay ru hai chị em. Em trai chị thật ra không phải quá tệ. Nó cũng chịu khó làm lụng. Túi xủng xẻng thì cũng biết mua quà bánh cho bố mẹ, cho chị, cho cháu. Nó chỉ có cái tội ham mê bài bạc, cá độ. Thua là nhắm mắt vay mượn để gỡ gạc.
Đời luẩn quẩn mãi, có ai ám ảnh bởi bóng ma cờ bạc mà không thân tàn ma dại. Thời con gái còn ở nhà chị cũng đã vài phen dốc túi để cứu em khỏi bọn cho vay nặng lãi. Xã hội đen đến tận cửa hăm dọa. Giờ thì em trai bán đồ cho công ty, chiếm tiền hàng làm của riêng, nướng sạch vào sòng. Nếu không trả, chắc chắn sẽ phải đi tù…
Chị nấc không ra tiếng. Chồng chị thừa biết ý vợ. Anh thương vợ nhưng không thể vung tay mãi được. Mà bảo chị mặc kệ thằng em duy nhất, anh cũng không làm được. Bao nhiêu mồ hôi nước mắt. Vợ anh tích góp từng đồng, dành dụm lo cho con, lẽ nào mang đổ sông đổ biển cho một thằng ăn tàn phá hại? Lần này là hết hẳn. Chị thật sự sạch túi. Mẹ ôm vai chị, vài giọt nong nóng rơi xuống. Chị thẫn thờ tự hỏi, biết đến khi nào nhà mình mới bớt khổ?
3. Không ai sống giùm đời ai được, đừng ôm đồm vào thân mãi. Nhưng ruột thịt tình thâm, làm sao ngoảnh mặt? Để rồi vì cái câu “anh em như thể tay chân” mà hạnh phúc của chính mình thành ngọn đèn dầu trước gió, chênh chao…
Trách cha mẹ bất công hay trách ông trời trớ trêu, khiến người trong cuộc cứ quẩn quanh không lối thoát? Vẫn còn rất nhiều những cô gái tuổi đã kha khá miệt mài trong nhà máy, xí nghiệp, may mắn hơn là ở những văn phòng rù rì máy lạnh. Họ cặm cụi làm, tích góp tiền gửi về lo cho gia đình, người thân.
Riết rồi thành nghĩa vụ đương nhiên, không tên nhưng nặng nề trách nhiệm. Muốn buông ra chẳng dễ. Năm tháng lững lờ trôi, những người thân ấy ngỡ như quên mất chị/em gái của mình cũng cần sống cuộc đời của họ. Tuổi thanh xuân có khi đã thành xa xăm lắm rồi…
Ngọc Hằng