Vị tình quán ăn đường phố

03/11/2019 - 08:55

PNO - “Thấy cưng ăn sao mà ngon quá. Phải chi ai cũng vậy là hổng uổng công chị nấu chút nào!” - giọng chị như tâm tình. Tôi ngước lên nhìn: “Vậy cho thêm chén tóp mỡ đi chị”.

Thành phố Hồ Chí Minh vừa lọt top 5 nơi có món ăn đường phố ngon nhất thế giới, theo khảo sát của tạp chí CEOWORLD (Mỹ).

Chẳng gì lạ, đời hàng rong vẫn được đâu đó ngợi ca dù ngày qua ngày những quán xá, những con người vẫn hồn hậu trôi theo dòng đời gập ghềnh.

Vi tinh quan an duong pho
Gánh canh bún chiều chợ Chim Xanh (Q.11) luôn tấp nập khách

Chị bán xôi góc ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Cao Thắng tròn xoe mắt: “Thiệt vậy luôn hả trời? Ủa mà mắc gì khen? Chắc họ hông biết mình vừa bán vừa bị rượt có cờ khi vô chiến dịch đâu hén”.

Tôi khen, xôi chị ngon quá trời, Tây mê là đúng rồi. Chị cười cười: “Cái món bình thường, ai nấu mà hổng được, cưng. Nhà mình khó nên mới chịu cực thức khuya dậy sớm kiếm thêm chút đỉnh phụ với ổng”. 

Mà xôi chị ngon thiệt, tôi khen thật chứ đâu phải lấy lòng chị. Món xôi đậu xanh của chị vừa giống xôi xéo của người Bắc (có màu vàng nghệ tươi ươm, đậu xanh xắt nhuyễn) lại mang hương vị trong Nam (ngọt lừ, có cả dừa bào trộn chung). Hạt nếp của chị nở bung, dẻo mà lại khô ráo, chứng tỏ độ khéo léo của người nấu. 

Thiệt tình, chỉ cần đem gói xôi lá chuối 7.000 đồng của chị ra mà… phân tích, là thấy được tay nghề tinh hoa ẩm thực của xứ Việt chứ chẳng chơi. 

Mà đâu chỉ riêng chị, hàng xôi nào cũng phô bày nghệ thuật làm bếp một cách dung dị. Có hàng thì chân phương như chị, hàng thì nhấn nhá thêm với muối đậu hay nước cốt dừa béo ngậy. 

Mê hồn trận thức ăn đường phố là thế. Mà theo thời gian, có buồn một chút, hàng xôi chị từ giã cái muỗng bằng mía ngọt mà mấy đứa con nít vừa múc xôi vừa gặm sướng tê người.

Giờ thì chị gói kèm xôi lá chuối cái muỗng nhựa tí hin. Thôi thì ăn gói xôi có mấy ngàn đồng còn đòi hỏi bảo vệ môi trường là hơi... xa xỉ.

Vi tinh quan an duong pho
Đố ai đếm thử có bao nhiêu xe bánh mì ở siêu đô thị này

Chị bán bánh mì đầu hẻm có vẻ không quan tâm đến chuyện ẩm thực đường phố vừa “lọt top” này, tay gắp liên hồi như người ta múa bút, rồi chị nói chẳng ăn nhập với chủ đề: “Đang hụt tiền học của thằng nhỏ nè, trường gì mà thu phí quá trời, nhớ hôm bữa họp phụ huynh đóng hết rồi mà”. 

Rồi chị quay sang ngọt lịm với cô nàng “ninja Lead”: “Không lấy hành đúng hông em? Chị chan xốt vô cho nhỏ luôn nhé!”. Dứt câu là cũng xong ổ bánh mì. Tôi cũng chưng hửng vì đoạn hội thoại chẳng ăn nhập gì với nhau. Chị quấn miếng giấy cột cọng thun mà sao nghe giòn rụm. 

Cô nàng văn phòng khuất qua ngã tư là chị chép miệng, con nhỏ đi giờ này kẹt xe cái chắc, tội nghiệp, bữa nó kể chủ cũng hầm hè dữ lắm, đi làm khó thiệt cưng hen? 

Mấy cô bán hàng ăn quả là chị Hạnh Dung đời thường chứ chẳng chơi. Vài câu khơi khơi, là đối phương xổ lòng ra hết. 

Tôi cà khịa, làm công cực lắm, đâu phải ai cũng có số làm chủ xe bánh mì. Chị la làng, chủ một đống nợ thì có, bán đồ ăn cực không kém làm ruộng nha em. 

Cũng phải, bán kiểu chị sao không cực cho được. Pa-tê, bơ trứng phải tự làm cho đúng ý mình. Thịt nguội, thịt giò heo cũng tự làm để bớt bớt màu thực phẩm. Chỉ có miếng giò chả đuối quá không làm nổi nên phải cậy nhờ mối quen. “Cái gì cũng lấy chịu sao nổi em? Bán ở lề đường là lời cái công mà em”, chị chốt hạ. 

Tôi mê chị ở chỗ, ổ bánh mì dù nắng hay mưa phải đúng điệu, rau kèm là phải đủ đồ chua ngọt thanh, rồi thêm hương vị của cà chua, chút hăng nhẹ của hành tây, hành lá, thơm tho mùi ngò rồi cả vị mát của dưa leo. 

Hỏi thử giờ tìm đâu ra chủ quán chịu khó như chị, luôn cố gắng giữ gìn vị truyền thống bánh mì Sài Gòn. Trước đó, có vài xe bánh mì mở ra cạnh tranh.

Nào là của cô vừa đến ở trọ trong hẻm, rồi bánh mì chả cá đã đến đây, có hẳn xe bánh mì kiểu mua thương hiệu nổi rần rần trên mạng. Chị than, thời buổi khó mà cạnh tranh quá. Rồi chị lại xuề xòa cười theo kiểu trăm người bán vạn người mua, ai thương mình thì ủng hộ vậy. Dễ thương như chị ai mà không ủng hộ. 

Tôi mang tin vui bé con ấy ra đường, phải ghé quán cơm tấm quen bởi thành tích này sao thiếu sự đóng góp của món đặc trưng này được. Vừa thấy dáng tôi, giọng bà chủ vút cao: “Mối đến, lựa miếng sườn mỡ coi”. Rồi quay sang tôi: “Thằng quỷ hên lắm đó nha, có sườn cây đó, giá gấp đôi à nha”. 

Cái gì thì tiếc chớ ăn là tôi mở banh hầu bao. “Lâu rồi không thấy làm chả cua hén”. Giọng bà chủ the thé, người biết ăn thì thích, còn không là bị chê mắc chê rẻ. Dĩa cơm bưng ra, cọng sườn bóng nhẩy, chuyển màu mật ong thật đậm. 

Cầm tay đưa lên miệng, cắn một miếng, cái vị ngọt mặn đậm đà, nướng vừa chín lại giữ độ giòn, tươi thịt. Chắc là mấy người bình chọn cho tạp chí Mỹ kia đã vô tình ghé quán này ăn rồi thì phải.

Vi tinh quan an duong pho
Buổi sáng làm dĩa cơm tấm coi như hiểu được phần nào đó văn hóa ẩm thực của Sài Gòn

Là dân Sài Gòn, tôi còn mê mẩn với hàng cơm tấm khi các món bày ra ăm ắp hút khách. Tô bì phải vun đầy, thịt thái sợi nhỏ, xếp theo kiểu nạc ra nạc, mỡ ra mỡ. Miếng chả trứng vàng ánh, mà còn điểm xuyết mấy cái lòng đỏ trứng muối. Món trứng kho da heo thì được xếp vô cái lẩu than như muốn gào lên “ăn tôi đi, ăn tôi đi”. 

Ngon vậy nên bà chủ bị… ám hại hoài. Tự nấu tự ăn, rồi mập lên sợ bệnh. Đi tập thể dục, yoga, nhảy đầm… để ốm lại vài tháng, rồi trở lại mập cứ như chu kỳ xuân hạ thu đông rồi lại xuân. 

Qua tâm tình giữa khách và chủ thì chưa món giảm cân nào mà bà chủ chưa thử, riết phải nghĩ lạc quan tếu táo: “Thôi mập xíu để bảo vệ hạnh phúc gia đình nha. Đẹp quá khách hông mê cơm mà mê chủ chắc tan nhà nát cửa à”. Nói xong, bà chủ quán cười giòn tan. 

Đến đây lại nghĩ về cái bảng bình chọn kia, họ chọn lựa vì món ăn đường phố mình dễ kiếm, đa dạng và ngon. Nhưng cái họ không nhắc, mà chắc cũng không biết mà đến là cái thú ngồi ăn, được lê la với cô bán hàng, với người kế bên.

Ăn một trận tả tơi, lỡ quên bóp tiền, chuyện nhỏ, mai quay lại trả. Rồi người bán làm lộn món, thôi để tui ăn luôn cho. Đang ngồi ăn, nghe bà kể chuyện mua đồ sida Nhật thì chẳng ngại ngùng quay sang hỏi dò địa chỉ liền. 

Bảng xếp hạng kia còn quên nói đến những tay mê ăn hàng, độ nồng nhiệt của người Sài Gòn với các quán vỉa hè. Thiếu điều đó sao ra hồn vía của món ăn đường phố Sài Gòn được chứ. 

“Thấy cưng ăn sao mà ngon quá. Phải chi ai cũng vậy là hổng uổng công chị nấu chút nào!” - giọng chị như tâm tình. Tôi ngước lên nhìn: “Vậy cho thêm chén tóp mỡ đi chị”. 

Đúng rồi, Tây biết cách gọi miếng tóp mỡ giòn rụm này thì biết đâu Sài Gòn giựt ngôi đầu bảng xếp hạng ẩm thực đường phố thế giới chứ chẳng chơi! 

Phạm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI