Vì tiền mà không tố giác kẻ ấu dâm cũng là tiếp tay cho tội ác!

21/11/2019 - 19:00

PNO - Sáng 20/11, gần 100 ông bố, bà mẹ có con dưới 16 tuổi ở xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP.HCM đã cùng tham dự chuyên đề phòng, chống xâm hại tình dục và bạo lực trẻ em.

Chuyên đề do Hội Liên hiệp Phụ nữ và Ban vì sự tiến bộ và bình đẳng giới huyện Cần Giờ phối hợp tổ chức.

Thạc sĩ Lê Thị Thanh Nhã - Nguyên Phó Phòng gia đình- Sở Văn Hóa - Thể thao TP.HCM, báo cáo viên của chương trình đã hướng dẫn tường tận cho các ông bố bà mẹ những kiến thức cơ bản về phòng, chống xâm hại tình dục và bạo lực với trẻ em, trong đó bà lưu ý phụ huynh về các dấu hiệu nhận biết những đứa trẻ bị xâm hại, bạo hành bằng cách quan sát lẫn linh cảm.

Vi tien ma khong to giac ke au dam cung la tiep tay cho toi ac!
Các phụ huynh lắng nghe Thạc sĩ Lê Thị Thanh Nhã hướng dẫn các kỹ năng phòng, chống xâm hại, bạo hành trẻ em
Vi tien ma khong to giac ke au dam cung la tiep tay cho toi ac!
 

Bà cho biết, nếu có sự quan sát con cháu thường xuyên, thì bất kỳ thay đổi nào của trẻ chúng ta cũng có thể nhận thấy hết sức tự nhiên, rõ ràng. Quan sát con em mỗi ngày sẽ giúp bạn nhận ra các dấu hiệu bất thường về mặt sinh lý như sốt, ngủ li bì, vết trầy xướt, chỗ đau, thương tổn…

Đặc biệt là với những sự việc chấn động như chuyện bị xâm hại, bắt nạt, bạo hành, dù trẻ có cố che giấu đến đâu cũng sẽ có lúc để lộ ra. Đặc điểm tâm lý của trẻ khiến trẻ rất khó che dấu các cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, lo lắng, bất an (vì bị uy hiếp, vì sợ có thai…). Bằng tình yêu thương con cháu, bố mẹ, ông bà chắc chắn sẽ có linh cảm để nhận biết những dấu hiệu bất thường này.

Thạc sĩ Thanh Nhã cho rằng điều quan trọng nhất trong bảo vệ trẻ là phòng ngừa, giúp trẻ thoát khỏi các nguy cơ bị xâm hại, bắt nạt, bạo hành… Tuy nhiên, khi nhận thấy dấu hiệu trẻ bị xâm hại, bắt nạt, bạo hành, cách xử lý tình huống của bạn nếu không khéo, có thể gây tổn thương không nhỏ cho con trẻ. Chính vì vậy, khi có thông tin về việc con, cháu bị xâm hại, bắt nạt, bạo hành, người thân của trẻ phải hết sức bình tĩnh xâu chuỗi lại toàn bộ vấn đề, nghĩ ngay tới việc tố giác tội phạm, vạch trần cái ác. Nguyên tắc là không bao giờ được thỏa hiệp với cái ác, không che giấu tội phạm, đặc biệt là tội phạm ấu dâm. Bởi khi làm như vậy bạn đã tiếp tay tội ác.

Bà Nhã nói: “Trên thực tế, tôi từng can thiệp những vụ án rất đau lòng bởi gia đình nạn nhân thỏa hiệp, nhận bồi thường, không tố giác, để trẻ lại tiếp tục bị xâm hại rồi mới lên tiếng. Điều này gây khó khăn cho quá trình điều tra, chứng minh tội phạm, làm kéo dài vụ khiếu kiện gây mệt mỏi cho gia đình và đào sâu thêm tổn thương của đứa bé. Cha mẹ đứa bé hoàn toàn không biết việc nhận tiền, không tố cáo kẻ ấu dâm cũng chính là hành vi tiếp tay tội ác!”.

Bà Nhã yêu cầu: “Dù đau lòng, xấu hổ thì vẫn phải tố giác ngay lập tức!”.

Việc bồi thường cũng có thể nhận, nhưng không phải nhận tiền “thỏa hiệp” để không tố giác. Phải xem đây là nghi can thực hiện trách nhiệm dân sự của vụ án hình sự: xâm hại trẻ em. 

Các số điện thoại cần nhớ để kêu cứu, tố giác nhằm bảo vệ trẻ trước vấn nạn bị xâm hại, bắt nạt, bạo hành là số 111- Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em; 18009069 - Hội bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM; 0913 15 93 15 - Báo Phụ Nữ TP.HCM. Hoặc trực tiếp đưa trẻ đến công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra sự việc để trình, báo tố cáo.

Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI