Vì tiền, hai bà thông gia thề không nhìn mặt nhau

08/01/2020 - 05:18

PNO - Không có tiền thì khổ, mà có tiền dường như khổ hơn, khổ tâm nào dứt ngay được, nhất là khi mâu thuẫn khởi phát từ mẹ đẻ và mẹ chồng.

Hàng xóm biết chuyện, thì to nhỏ rằng bà Lạc có mỗi mình Nhân là con gái, không bám vào nó, lại đi giận nó thì lúc ốm đau biết cậy nhờ ai. Nhưng họ cũng thừa hiểu, rằng khó ai có thể lay chuyển được tính cách “thù dai nhớ lâu” của bà Lạc. Bà ấy có cái tính nết “bền vững” đó hơn sáu mươi năm nay, làm sao thay đổi được.

Bà Lạc ly hôn ngay sau khi sinh con được nửa năm, vì chồng bà cờ bạc, trai gái rượu chè đủ cả, nên bà chẳng tội gì cắn răng chịu đựng. Ôm mụn con nhỏ về lại làng Thanh (Văn Lâm, Hưng Yên), bà Lạc một mẹ một con rau cháo có nhau, ấy thế mà sống nhẹ nhàng vui vẻ cho đến khi Nhân - con gái bà - đi lấy chồng.

Bà Lạc thương con gái phải biệt xứ, vất vả làm việc cung phụng chồng và mẹ chồng. Ảnh minh họa
Bà Lạc thương con gái phải biệt xứ, vất vả làm việc cung phụng chồng và mẹ chồng. Ảnh minh họa

Nhân lấy anh Đồng, con trai cả nhà bà Sướng ở cùng làng. Vợ chồng Đồng, Nhân khá hòa hợp, sinh được hai con một trai một gái thì Nhân xuất khẩu lao động sang Đài Loan, Đồng ở nhà chăm con cái.

Từ khi Nhân đi lao động xuất khẩu, có tiền gửi về, thì lại sinh chuyện. Bà Sướng luôn tìm cách giục con trai sửa sang nhà cửa, mua sắm đồ đạc mới. Chưa hết, bà Sướng còn tỉ tê thẽ thọt khiến Đồng cho cậu em tên Sắt vay hai cây vàng để làm vốn mở cửa hàng bán hoa quả tại chợ giữa làng.

Chuyện đến tai bà Lạc, bà này xót con quá, nghĩ thương con gái mình lao động vất vả xứ người, ky cóp được đồng tiền nào gửi về nhà thì phía nhà chồng tiêu sạch bách. Bà tìm cách liên lạc sang Đài Loan, bảo con gái đừng gửi tiền về cho chồng nữa, hãy tích lại phòng thân, kẻo khi hết 4 năm hợp đồng về nước, hỏi đến tiền thì ắng ơ không có đồng nào mà tiêu!

Nhưng con gái bà không nghe, vẫn gửi tiền về cho chồng. Thế là bà Lạc giận quá, tìm gặp bà thông gia Sướng, để nói thẳng vào mặt bà thông gia rằng "Bà đừng có mà lợi dụng sức lao động của con gái, nó làm bạc mặt rạc người, mới được đồng tiền gửi về lo cho con cái sau này, bà không được động đến một cắc của nó!".

Bà Sướng bực quá, mắng cho bà Lạc một trận. Hai bà thông gia cãi nhau to, cả xóm phải xông vào can ngăn. Từ đó, bà Lạc quá giận cái bà thông gia, không thèm quan hệ qua lại nữa. Bà Lạc thề, từ nay đến chết, bà không bao giờ nhìn mặt bà Sướng. Nhưng hai bà dù không giáp mặt nhau, thì vẫn cứ tìm cách nói xấu nhau với hàng xóm, nỗi giận cứ đầy lên mãi.

ảnh minh họa
hai bà thông gia từ đó chẳng nhìn mặt nhau. Ảnh minh họa

Dịp tết dương lịch vừa rồi, Nhân được nghỉ về quê, muốn gặp mẹ đẻ cũng khó. Bà Lạc giận lây sang cả con gái mình, nhất định không gặp. Khi con gái bà gửi quà Đài Loan cho bà, nó cũng phải đưa qua cháu ngoại bà mang đến nhà bà. Bà Lạc lại tìm cách đùm gói quà đem trả lại con gái! Về nghỉ mấy ngày, Nhân tưởng được vui, mà lại buồn bực. Cái tính “thù dai nhớ lâu” bền vững của mẹ chị khiến không khí gia đình cứ lợn cợn bất an.

Không có tiền thì khổ, mà có tiền dường như khổ hơn, khổ tâm nào dứt ngay được, nhất là khi mâu thuẫn lại khởi phát từ mẹ đẻ của mình, Nhân không biết phải làm sao! Ở cái làng này khó sống thật, tiền do Nhân làm ra, Nhân muốn dùng thế nào là quyền của Nhân, tại sao người thân cứ nhòm vào ví tiền của chị và tìm cách điều khiển, khi chị không làm theo ý họ, thì tan cả tình cảm thế này!

Kiều Bích Hậu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI