Tuổi già sao cho vui?

Vì thương bệnh nhân, 80 tuổi vẫn làm việc

20/01/2024 - 16:22

PNO - Gần bước sang tuổi 80, sau 15 năm nghỉ hưu, bác sĩ Trần Quý Hiểu vẫn ngày ngày miệt mài với công việc nghiên cứu và chữa trị các chứng bệnh về thần kinh - những chứng bệnh ngày càng gia tăng trong xã hội.

Từng nhiều năm là Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện tỉnh Đắk Lắk, bác sĩ Hiểu là một trong những vị bác sĩ hàng đầu tại địa phương có bề dày kinh nghiệm, vững chuyên môn, giàu y đức, luôn được đồng nghiệp và bệnh nhân tin tưởng, yêu mến.

Bác là anh rể của mẹ tôi, nhưng tôi luôn có cảm giác bác chính là ruột thịt với mẹ. 40 năm trước, bác chính là người đã đưa mẹ tôi vào Nam làm kinh tế mới, giúp mẹ tôi thoát cảnh khó khăn ở quê. Bác lo lắng, tạo điều kiện tốt nhất để mẹ tôi ổn định cuộc sống.

Bác sĩ Hiểu vẫn miệt mài nghiên cứu tài liệu về bệnh thần kinh
Bác sĩ Hiểu vẫn miệt mài nghiên cứu tài liệu về bệnh thần kinh

Bác Hiểu sinh năm 1944 tại “quê hương 5 tấn” Thái Bình. 21 tuổi, bác kết hôn với bác gái tôi. Năm 1966, khi con trai đầu lòng của bác chưa tròn 1 tháng tuổi thì bác nhập ngũ. Kể chuyện cho tôi nghe, bác hóm hỉnh: “Bác là phi công lái máy bay mà đơn vị lại cử vào pháo binh”. Tôi bật cười khi hiểu ra bác tự nhận mình là “phi công trẻ” lái “máy bay bà già”, vì bác gái tôi hơn bác 3 tuổi.

Chàng pháo binh Trần Quý Hiểu hồi đó cũng vào sinh ra tử hết các chiến trường Quảng Trị, Lào, Campuchia với tinh thần “đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Vốn thông minh, đến năm 1969, bác được đơn vị cử đi học y sĩ. Đó chính là cơ duyên dẫn bác đến với nghề y - cái nghề theo bác đến tận cuối đời.

Sau khi giải ngũ, bác Hiểu chuyển công tác về Bệnh viện tỉnh Đắk Lắk. Bác đón vợ con từ quê vào, định cư tại TP Buôn Ma Thuột. Căn nhà trong hẻm 119 Mai Hắc Đế, phường Tân Thành nhanh chóng trở nên thân thuộc với không ít gia đình bệnh nhân, vì ngoài vị trí Trưởng khoa Tâm thần ở bệnh viện, bác còn mở phòng khám riêng và chữa trị tại nhà.

Với các căn bệnh khác, việc nhận bệnh nhân tại nhà khá nhẹ nhàng. Nhưng với bệnh nhân tâm thần thì không đơn giản. Hồi còn nhỏ, mỗi lần “bị” mẹ đưa lên nhà bác chơi, tôi đều thấy sợ. Dãy phòng bệnh nội trú trong khuôn viên nhà bác lúc nào cũng kín bệnh nhân. Họ la hét, chửi bới, quậy phá, thậm chí có lúc còn gây gổ đánh nhau…

Nhiều khi, nửa đêm, bác tôi và cả gia đình phải lo đi tìm bệnh nhân, vì họ trèo tường trốn ra ngoài trong lúc người nhà đang say ngủ. Tôi thầm nghĩ, phải là người có “thần kinh thép”, tấm lòng nhân hậu và sự kiên nhẫn hơn người thì mới theo nghề này được. Ấy vậy mà bác Hiểu đã gắn bó với nghề cả đời.

Năm 2008, bác Hiểu về hưu. Nhưng về hưu không có nghĩa là thôi làm việc. Phòng khám của bác vẫn hoạt động cho tới nay. Chỉ có điều, bác không còn sức để chăm sóc bệnh nhân tại nhà nữa. 4 người con của bác đều đã thành đạt, có sự nghiệp riêng nên không ai còn phụ bác được như trước. Bác gái tôi chuyên lo đi chợ, cơm nước theo chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân, nay đã tuổi cao sức yếu, không thể quán xuyến công việc. Vì thế, mấy năm trở lại đây, bác Hiểu chỉ khám, tư vấn và cho thuốc để bệnh nhân về điều trị tại nhà.

Tâm sự với tôi, bác nói, nhiều khi bác cũng muốn đóng cửa phòng khám để dành nhiều thời gian hơn cho bác gái, vì bác gái tôi mắc bệnh nan y, lại lớn tuổi hơn nên sức khỏe không được tốt. Bác cũng muốn được rảnh rang để vui thú trồng rau, nuôi chim…

Cháu chắt chúc mừng vợ chồng bác sĩ Hiểu nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam
Cháu chắt chúc mừng vợ chồng bác sĩ Hiểu nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam

Nhưng cứ nghĩ đến những người bệnh đang ngày đêm bị dày vò thân xác, sống không ra sống, tỉnh tỉnh mê mê… bác lại không đành lòng. Họ bị bệnh, bản thân đã khổ, gia đình họ còn khổ gấp nhiều lần. Có những bệnh nhân khi lên cơn, họ có thể tự làm đau mình hoặc làm hại cha mẹ, vợ con… Cả gia đình phải lao đao theo họ.

Vậy nên bác phải cố gắng, còn tranh thủ được thì còn làm. Bác tâm huyết với nghề như thế, nên những gì bác nhận lại cũng khó mà đong đếm được. Bác như người mang đến cho bệnh nhân một cuộc đời mới, khiến họ trân trọng hơn chính bản thân và gia đình mình, họ biết yêu cuộc sống này hơn và biết sống đời ý nghĩa. 

Nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh từ mấy mươi năm trước, nhưng tết nào cũng mang con gà, cặp bánh chưng lên biếu bác sĩ Hiểu. Chỉ chút “cây nhà lá vườn” đó thôi mà bác tôi hạnh phúc vô cùng. Bác luôn tự nhận mình là người giàu có và may mắn nhất, vì có nhiều người yêu quý. 

Ngọc Hà

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI