Vị thuốc bổ huyết cho người ăn chay

27/06/2022 - 07:44

PNO - Tận dụng các thực phẩm và thảo dược có công dụng bổ huyết, người ăn chay trường sẽ tránh được các bệnh lý thiếu máu, hư nhược cơ thể do thiếu chất.

Theo nhiều nghiên cứu khoa học, trên 1/3 người ăn chay bị thiếu máu, thiếu vitamin B12. Để bảo đảm đầy đủ dưỡng chất, người ăn chay nên ưu tiên sử dụng ngũ cốc nguyên cám, các loại hạt vì trong đó chứa nhiều khoáng chất; các loại vitamin, đặc biệt là các loại vitamin, a-xít béo cần thiết cho sự hoạt động của tế bào thần kinh. Song song đó, nên lưu ý thêm một số loại thực phẩm và thảo dược sau:

Mè đen: Không chỉ giúp bổ huyết, dưỡng huyết, làm tăng lượng hồng cầu; mè đen còn bổ ích cho tất cả tạng phủ, tăng khí lực, bền gân cốt, sáng mắt, nhuận trường… Mè đen được chế biến đa dạng: rang thơm, giã dập trộn với ít muối ăn với cơm, xôi, bánh; xay ra nấu sữa, nấu chè hoặc nấu cháo…  

Món tiềm thuốc bắc chay bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho người  ăn chay
Món tiềm thuốc bắc chay bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho người ăn chay

Quả dâu tằm chín: Vừa bổ huyết vừa dưỡng âm. Đặc biệt, dâu tằm còn chứa vitamin K, canxi và sắt; là các chất dinh dưỡng giúp xây dựng các mô xương chắc khỏe; ngăn ngừa loãng xương, viêm khớp… Dùng dâu tằm dưới dạng ngâm với đường hoặc mật ong, sau 5-7 ngày có thể sử dụng; uống mỗi ngày lượng vừa đủ; hoặc làm mứt ăn với sữa chua, bánh mì. 

Người vốn có phần âm và huyết bị thiếu hụt gây hoa mắt, chóng mặt thì phối hợp cùng cúc hoa, câu kỷ tử, nữ trinh tử sắc uống hoặc hãm trà; nếu tóc bạc sớm, phối hợp thêm hà thủ ô chế, mè đen, nữ trinh tử sắc uống. 

Long nhãn (long nhãn nhục): Giúp bổ huyết, ích khí, tư dưỡng tâm thần; phù hợp thiếu máu kèm thần kinh suy nhược; triệu chứng tim đập hồi hộp, dễ sợ hãi, mất ngủ, hay quên. Rất tốt cho người bị hư nhược sau một thời gian dài điều trị bệnh, thiếu máu sau sinh... Trong long nhãn cũng chứa nhiều hoạt chất quý giúp tăng cường hoạt tính của các tế bào thần kinh não, chống lão suy; làm tăng độ bền và độ đàn hồi của mạch máu, giúp cho quá trình tuần hoàn máu tốt hơn. 

Long nhãn có thể ăn trực tiếp; sắc uống; nấu chè, kết hợp thêm táo đỏ, kỷ tử, hạt sen; ngâm rượu 100 ngày… 

Đương quy: Là dược liệu quan trọng nhất để bổ huyết. Đương quy chứa hàm lượng vitamin B12, vitamin E, a-xít folic cao. Có thể dùng đương quy thêm nấm, hạt sen nấu cháo; hoặc long nhãn, đường đen (nếu ăn cháo ngọt); hoặc sao thơm hãm trà uống. Kết hợp thêm các vị đảng sâm, hoàng kỳ, hạt sen, táo đỏ, câu kỷ tử, thục địa, hoài sơn, ý dĩ để nấu món tiềm thuốc bắc cùng với nấm đông cô, đậu phụ. 

Thục địa: Giúp tư dưỡng âm huyết, bổ can thận, đặc biệt là bổ thận, bổ tinh tủy, bổ hư… Dùng thục địa để bổ huyết theo cách nấu món tiềm thuốc bắc như trên, nên ăn khoảng 2-3 lần/tuần. Hoặc sắc lấy nước nấu cháo, cho đường đen vào ăn.

Hà thủ ô: Giúp dưỡng huyết, bổ can thận, tập trung vào can, giữ tinh, trừ phong tà (gió độc), giải độc; phù hợp để bổ máu và dùng kết hợp điều trị chứng bệnh tim mạch bị ứ trệ gây đau, lưng gối đau. Cách dùng là sắc lấy nước, nấu cháo, thêm đường đen vào ăn; hoặc hãm trà uống. Lưu ý, không dùng hà thủ ô sống, chưa chế biến; chỉ dùng loại đã chế với đậu đen. 

Đông y sĩ Hà Nguyễn (Hội Đông y quận Phú Nhuận)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI