PNO - Truyền thông và các tổ chức quốc tế đánh giá thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện chủ trương đẩy mạnh ngoại giao đa phương, triển khai tích cực, hiệu quả nhiều hoạt động, thể hiện trách nhiệm quốc tế…
Hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam trên trang Usnews (Mỹ) - Nguồn ảnh: Getty Images
Thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế
Việt Nam đang và sẽ đóng vai trò tích cực, chủ động trong việc duy trì sự đoàn kết giữa các quốc gia thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), giải quyết các vấn đề phức tạp mới nảy sinh, xây dựng tầm nhìn mới, phát triển quan hệ với các đối tác và nâng cao vai trò của Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA). Việt Nam cũng đề cao vai trò của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các cơ chế hợp tác Mê Kông. Đáng chú ý, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ 2 năm là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (LHQ) 2020-2021 và đảm bảo vai trò trong một số cơ chế quan trọng của LHQ như Đại hội đồng, Hội đồng Nhân quyền, UNESCO.
Nhóm phát triển bền vững của LHQ (UNSDG) cho rằng, sự tham gia của Việt Nam vào công tác phòng ngừa, đấu tranh và ứng phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã thể hiện trách nhiệm cao trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì lợi ích lâu dài của các dân tộc. Đơn cử, những đóng góp của Việt Nam cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ và tham gia khắc phục động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 2/2023, đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Hồi đầu tháng 8/2023, trong số 5 ứng cử viên chính thức cho vị trí Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố có tên bác sĩ Trần Thị Giáng Hương của Việt Nam. Bà Giáng Hương từng được WHO bổ nhiệm vị trí Giám đốc các chương trình kiểm soát bệnh tật của tổ chức này ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
Theo Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn, từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm, tích cực, chủ động và có những đóng góp quan trọng. Sau 28 năm, Việt Nam đã giúp giải quyết được nhiều vướng mắc để tích cực thúc đẩy ASEAN kết nạp Lào, Myanmar (năm 1997) và Campuchia (năm 1999). Điều này giúp Việt Nam trở thành cầu nối giữa lục địa và hải đảo trên bản đồ địa lý Đông Nam Á.
Trang web chính thức của ASEAN đánh giá: Trong bối cảnh thế giới và khu vực thường xuyên chịu nhiều biến động nhanh, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới an ninh, ổn định ở Đông Nam Á, với 3 lần đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã góp phần xây dựng các nguyên tắc, “luật chơi” chung để ứng phó hiệu quả trước các mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, đồng thời thúc đẩy đối thoại và hợp tác.
Năm 2023, tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra nhiều thông điệp quan trọng về tinh thần đoàn kết ASEAN, quyết tâm đóng góp thực chất, hiệu quả vào việc xây dựng cộng đồng ASEAN, đồng thời khẳng định đường lối nhất quán, chính sách thống nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam coi ASEAN là một bộ phận quan trọng, không thể tách rời của chính sách đối ngoại.
Thành tích kinh tế, chính trị nổi bật
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 27 tỉ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu tổng hợp đạt 730 tỉ USD. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến cuối tháng 8/2023, giá gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn giữ vững vị trí cao nhất thế giới. Cụ thể, giá loại gạo 5% tấm ở mức 638 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 623 USD/tấn.
Chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 16 tỉ USD, tăng 4,5% so với năm ngoái. Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư ưa thích của các nhà đầu tư nước ngoài. Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết, Việt Nam có những lợi thế mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. An ninh, chính trị ổn định là điều kiện hàng đầu để đầu tư lâu dài vào Việt Nam.
Việt Nam cũng có vị trí địa lý thuận lợi cho thương mại toàn cầu. Đây là trung tâm khu vực và là cửa ngõ vào các nền kinh tế ở phía tây bán đảo Đông Dương. Với dân số 92 triệu người, Việt Nam có lợi thế về lực lượng lao động có trình độ, chi phí lao động rất cạnh tranh. Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên các dự án đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên và đất đai, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước.
Tổ chức thăm dò InterNations vừa công bố bảng xếp hạng 53 quốc gia/vùng lãnh thổ mà người nước ngoài muốn định cư nhất. Theo đó, Việt Nam xếp hạng 14 với nhiều hạng mục được chấm điểm cao như công việc và giải trí (hạng 6), tìm kiếm bạn bè (11), thân thiện (11), dễ dàng định cư (14), mức lương (18), triển vọng nghề nghiệp (18)…
Với tựa đề Tại sao trẻ em Việt Nam học giỏi hơn các nước?, tờ Telegraph (Anh) cho rằng, Việt Nam có thể truyền cảm hứng cho các quốc gia khác về nền giáo dục chất lượng cao dù mức thu nhập quốc dân còn thấp. Bài báo dẫn nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng trẻ em Việt Nam không chỉ vượt trội so với các bạn cùng lứa ở các quốc gia Đông Nam Á giàu có hơn về kết quả đánh giá khả năng đọc và khoa học, mà còn vượt trội so với cả trẻ em của các nước Anh, Nhật Bản và Na Uy.
Trong hệ thống xã hội, Việt Nam tạo ấn tượng về sự bình đẳng trong hệ thống trường học…, phụ nữ có quyền bình đẳng như nam giới. Tác giả bài viết cho rằng có thể khó đánh giá tác động của các giá trị văn hóa, nhưng dường như điều này đóng một vai trò quan trọng trong thành công của Việt Nam.
Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến thăm Việt Nam vào tháng Chín, gặp gỡ và trao đổi với các nhà lãnh đạo Việt Nam về các vấn đề công nghệ, kinh tế cho đến ổn định khu vực và biến đổi khí hậu. Nhà Trắng cho biết, ông Biden sẽ gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội vào ngày 10/9. Giới quan sát quốc tế cho rằng điều này cho thấy quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam sẽ tiếp tục được nâng tầm, cho thấy sự quan tâm của Mỹ đến mối quan hệ chặt chẽ với các nước trong khu vực ASEAN.
Nam Anh (theo Wtocenter, WHO, Telegraph, AsiaNikkei)
Floating Doctors (Bác sĩ lưu động) tập trung vào việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí cho các cộng đồng xa xôi và thiếu thốn trên thế giới.