Các nữ nghị sĩ là thành viên nhóm hỗn hợp, có trách nhiệm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng vừa qua của nước Mỹ
* “Cần ghi công các bà”
Ngay ngày đầu tiên Quốc Hội Mỹ khóa 139 nhóm họp, nghị sĩ John McCain của đảng Cộng Hòa phát biểu: “Phụ nữ đã kiểm soát Thượng viện”. Lúc đó người ta cho rằng phát biểu của ông nghị đảng Cộng Hòa mang tính chất mỉa mai nhiều hơn. Thế nhưng, sau khi hai đảng chấp nhận thỏa hiệp về vấn đề ngân sách rõ ràng ông McCain đã thật lòng thừa nhận “cần phải ghi công cho các bà”. Nếu không có các nữ nghị sĩ - của cả Dân Chủ lẫn Cộng Hòa - người ta không được chứng kiến chính phủ Mỹ thoát hiểm ngoạn mục như thế nào.
Khi cuộc thương thảo giữa các nhân vật chóp bu của hai đảng vẫn chưa đạt sự tiến bộ nào, các bà nghị đã vào cuộc. Ngoài việc là những chính trị gia nên cần ủng hộ chính sách của đảng mình, các bà còn nhìn nhận và ứng xử ở góc độ những người dân bình thường đang rất vất vả trong tình cảnh đất nước tiến dần đến việc vỡ nợ.
Họ thấy mình phải tỏ thái độ để những phụ nữ từng bỏ phiếu cho mình có thể trở lại nhịp sống bình thường, với mong muốn đơn giản là được đi làm và được trả lương. Chỉ sau một cuộc trao đổi ngắn ngủi, những bà nghị này cùng nhau tập hợp tại đồi Capitol, bất kể thuộc đảng nào, hầu cùng nhau góp phần khai thông bế tắc.
Nữ nghị sĩ Patty Murray trong những ngày "dầu sôi, lửa bỏng" vừa qua (ảnh: New Yorker)
Susan Collins, Lisa Murkowski, Kelly Ayotte là nữ nghị sĩ của đảng Cộng Hòa và Barbara A. Mikulski và Patty Murray của đảng Dân Chủ tạm quên những khác biệt về chính sách giữa hai đảng để cùng làm một việc rất cần thiết cho nước Mỹ. Cả 5 “quý bà” này đều là thành viên nhóm hỗn hợp giữa hai đảng, nhằm tìm ra thỏa hiệp, cho chính phủ hoạt động trở lại. Các bà Susan Collins, Lisa Murkowski và Kelly Ayotte thể hiện thái độ xem trọng sự an nguy của đất nước hơn là tìm cách để đảng Cộng Hòa chiến thắng trong chuyện này. Còn hai bà Barbara A. Mikulski và Patty Murray tuy rất kiên quyết yêu cầu nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hòa giảm bớt đòi hỏi nhưng vẫn luôn đưa ra những đề nghị linh hoạt nhằm đạt được thỏa hiệp. Chính bà Collins chứ không phải bất cứ nam nghị sĩ nào trong nhóm hỗn hợp phát biểu: “Chúng ta hãy nhận thức rằng đây không phải là tìm giải pháp cho đảng Cộng Hòa hay đảng Dân Chủ mà giải pháp cho nước Mỹ”.
Để thực hiện điều đó, hầu hết 20 nữ nghị sĩ tập hợp tại văn phòng của bà Jeanne Shaheen thuộc đảng Dân Chủ vào ngày mà ai cũng tưởng là cuộc thương thảo đã đổ vỡ hoàn toàn. Họ cùng nhau họp cả đêm, cùng bàn về một thỏa hiệp mang tính khả thi nhất. Những gì họ có trong đêm đó chỉ là pizza, salad và rượu vang.
Nữ nghị sĩ Jeanne Shaheen (ảnh:Getty Images)
Lâu nay người ta thường nói rằng “phụ nữ nói nhiều nhưng rất ít lắng nghe”, nhưng thời điểm này lại khác, như lời bà Heidi Heitkamp -nghị sĩ của đảng Dân Chủ bang Bắc Carolina: “Điều chúng tôi làm rất tốt là lắng nghe nhau. Không dễ gì trong tình huống một căn phòng toàn là phụ nữ mà từng người có những trải nghiệm khác nhau. Tuy nhiên, chúng tôi lắng nghe nhau trong vai trò một người mẹ lo cho tương lai của con gái mình, hoặc một người con lo cho sức khỏe của mẹ mình”. Hôm sau, cuộc thương thuyết bắt đầu với những đề nghị mới, và các nghị sị đạt được thỏa hiệp để chuyển đến Hạ viện.
Thành công đó khiến nghị sĩ Joe Manchin thừa nhận: “Sự phối hợp giữa các nhóm nghị sĩ nam và nữ rất tuyệt vời. Tôi không thể chắc kết quả sẽ như thế nào nếu nhóm thương thuyết này toàn là nam hoặc toàn là nữ, việc phối hợp hoàn hảo như thế này là điề cần phải chú ý trong mọi trường hợp khác sau này”. Khi cuộc khủng hoảng nợ công của nước Mỹ tạm kết thúc, tờ Time giật tít trên bài báo đăng trên trang nhất của mình như sau: “Phụ nữ là những người trưởng thành duy nhất ở Washington”. Không nghi ngờ gì, tờ báo này muốn nhắc đến 5 nữ nghị sĩ vừa góp công đưa nước Mỹ ra khỏi bờ vực của thảm họa.
Nữ nghị sĩ góp phần đáng kể cho nước Mỹ thoát hiểm ngoạn mục (ảnh: Getty Images)
* Vị thế mới
Từ “biến cố” này của nước Mỹ, người ta bỗng nhận ra vai trò của phụ nữ tại Thượng viện được nâng cao hơn. Vấn đề nằm ở chỗ, trong một Quốc hội xưa nay vẫn bị nam giới chi phối, đó là điều ít người nhận ra. Số nghị sĩ nữ trong Thượng viện khóa này lên đến 20 người, nghĩa là chiếm 20% tổng số nghị sĩ, tỷ lệ cao chưa từng có tại Mỹ. Có đến 10 nữ nghị sĩ là chủ tịch hoặc phó chủ tịch trong 20 tiểu bang của Thượng viện Mỹ, và lần đầu tiên, Thượng viện Mỹ có một nghị sĩ gốc châu Á, đó là bà Mazie Hirono - đại biểu của bang Hawaii. Phát biểu đầu tiên của bà Hirono trong cương vị nghị sĩ là “Cần có thêm nhiều người như tôi tại Quốc hội, tôi sẽ tin là phụ nữ Mỹ sẽ làm được điều đó”.
Nữ nghị sĩ gốc châu Á Mazie Hirono ở Thượng viện Mỹ (ảnh: AP)
Bà Hirono tin vào điều đó bởi người nhập cư gốc Á ngày càng có vị thế cao hơn trong xã hội Mỹ. Tuy nhiên, mọi việc không dễ dàng như bà Hirono nghĩ. Các nữ nghị sĩ vẫn còn một chặng đường dài trước mắt để bắt kịp đồng sự nam giới. Cho đến nay, vẫn còn 25 bang của nước Mỹ chưa từng có nữ nghị sĩ, và nhiều tiểu ban của Thượng viện không có thành viên nữ. Trung tâm Nghiên cứu Chính sách của Mỹ từng dự báo, 100 năm nữa, phụ nữ mới có thể tìm được thế quân bình so với phái nam trong lĩnh vực hoạt động của Quốc hội.
Dù vậy, việc nước Mỹ thoát khỏi cơn khủng hoảng ngân sách với sự góp công không nhỏ của các bà nghị đã thay đổi suy nghĩ của nhiều người. Nghị sĩ John McCain, người được xem là rất bảo thủ, nhìn nhận: “Tôi thật sự tự hào với việc các bà ấy làm được. Hãy thử tưởng tượng giới nữ sẽ còn làm được điều gì nữa nếu có đến 50 bà ở Thượng viện?”.
THIỆN NGA