Vị thế khó thay thế của nhà văn Sơn Tùng khi viết về Bác Hồ

23/07/2021 - 15:56

PNO - Cả cuộc đời nhà văn Sơn Tùng đã sống trọn vẹn với sứ mệnh viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đọc kỹ "Búp sen xanh", sẽ thấm cả một giai đoạn lịch sử đặc biệt và con đường đi của Bác. Đó là sự độc đáo, cũng là vị thế của nhà văn Sơn Tùng khi viết về một đề tài không hề dễ viết

Búp sen xanh… “vẫn còn biếc lắm”

Khi biết tin nhà văn Sơn Tùng qua đời, nhà văn Thiên Sơn, người gọi ông là cậu, viết trên trang Facebook cá nhân: “Nhà văn Sơn Tùng đã về với thế giới người hiền”.

Với tác giả của Gió bụi đầy trời, nhà văn Sơn Tùng là người thầy lớn nhất của anh: “Một nhân cách đáng ngưỡng mộ bậc nhất mà tôi từng gặp trong đời. Ông để lại một tấm gương lao động quên mình và là một biểu tượng của sự liêm khiết, một nhà văn có phẩm giá”.

Nhà văn Sơn Tùng vừa qua đời ở tuổi 93 sau 11 năm bệnh tật.
Nhà văn Sơn Tùng vừa qua đời ở tuổi 93 sau 11 năm chống chọi với bệnh tật

Nhà văn Thiên Sơn chia sẻ, anh cố gắng học ở nhà văn Sơn Tùng nhiều điều, từ nghị lực sống, sự kiên định khổ luyện trên con đường văn chương cho đến sự rộng mở bao dung trong tâm hồn, lòng nhân hậu, biết ơn cuộc đời và sự quan tâm dành cho những con người đau khổ… Từ khi anh còn là sinh viên, nhà văn Sơn Tùng thực sự đã trở thành người thầy lớn của anh trên đường văn và đường đời.

Theo nhà văn Thiên Sơn, có một câu nói mà nhà văn Sơn Tùng nhấn mạnh trong tiểu thuyết Búp sen xanh, đó là thông điệp quan trọng trong đời cầm bút của ông: “Mắt mù không đáng sợ bằng mắt sáng tim mù”. Có lẽ theo nhà văn Sơn Tùng, thiên chức của văn chương là chống lại sự mù lòa của trái tim con người. Hay nói cách khác, văn chương chống lại sự bất nhân, độc ác, lầm lạc, bội phản của con người.

Lặng lẽ làm việc trong nghèo khó, trong cảnh vết thương hành hạ hàng ngày, như một người leo núi, nhà văn Sơn Tùng lặng lẽ nhích từng chút, từng chút về cái đích đã hướng tới.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng nhà văn Sơn Tùng là một con người đặc biệt và là một nhà văn đặc biệt. Ý chí sống và sáng tạo phi thường của ông là một tấm gương lớn. “Xin cúi đầu vĩnh biệt ông”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều xúc động.

Sau khi biết tin nhà văn xứ Nghệ qua đời, nhà thơ Nguyễn Anh Vũ không khỏi bùi ngùi: “Bái chào nhà văn Sơn Tùng! Bái chào một người chữ!”. Nguyễn Anh Vũ cho biết, bỏ qua may rủi phận văn chương, may rủi phận người, trong môi trường văn hóa - xã hội Việt Nam, nhà văn Sơn Tùng vẫn còn là một giá trị. Búp sen xanh, có mỗi thế thôi, mà vẫn còn biếc lắm!”.

Vị thế của nhà văn Sơn Tùng

Nhà văn Lê Phương Liên không khỏi xúc động khi nhắc đến nhà văn Sơn Tùng: “Tháng 7 là tháng tri ân các anh hùng thương binh, liệt sĩ. Nhà văn Sơn Tùng mất trước ngày 27/7, tôi cứ có cảm giác, ông về tụ họp với đồng đội, bạn bè yêu quý của mình”.

Nhà văn Lê Phương Liên cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Sơn Tùng trở thành tác giả của Búp sen xanh nổi tiếng. Đó là kết quả của cả một quá trình bền bỉ theo đuổi lý tưởng, phụng sự cách mạng, yêu quý lãnh tụ hết lòng. Là người con xứ Nghệ, ở tuổi 20, Sơn Tùng đã có ý hướng tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tìm gặp những người thân trong gia đình Cụ Hồ để nghiên cứu tư liệu.

Búp sen xanh - tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Sơn Tùng.
"Búp sen xanh" - tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Sơn Tùng

Nhà văn Sơn Tùng cũng không nghĩ một ngày ông trở thành nhà văn. Ông là phóng viên của Báo Tiền Phong, rồi từ năm 1964, lăn lộn ở chiến trường Đông Nam Bộ lập báo Thanh Niên Giải Phóng, rồi bị 14 mảnh đạn găm vào người, phải trở ra Bắc năm 1972. Nhiều mảnh đạn trong sọ não không thể lấy ra được, tay trái co quắp, tay phải chỉ còn ba ngón cử động, thị lực còn 1/10, mất 81% sức khỏe, ông là thương binh hạng nặng. Trong câu chuyện, nhà văn Lê Phương Liên nhắc đến chi tiết nhà văn Sơn Tùng buộc bút vào ba ngón tay để viết, tập luyện như thế suốt 11 năm trời mới viết được bình thường. Chữ ông rất đẹp.

Khi hoàn thành bản thảo Búp sen xanh, nhà văn Sơn Tùng gửi đến nhà xuất bản Kim Đồng. Lúc này, nhà văn Lê Phương Liên mới về nhà xuất bản.

“Lúc đó, tôi thấy rằng, đây là một bản thảo hay. Từ xưa đến nay, viết về Bác Hồ, người ta toàn viết truyện ký, chuyện thực, và viết nhiều nhất giai đoạn Bác ra đi tìm đường cứu nước và ở nước ngoài. Lúc đó, chưa có ai viết về thời thơ ấu, quê hương xứ Nghệ của Người. Nhà văn Sơn Tùng đã nhấn mạnh được nề nếp gia phong, giáo dưỡng của một gia đình có hơi hướng Nho giáo, một quê hương giàu truyền thống cách mạng - nơi ươm mầm cho nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, nhà văn Lê Phương Liên kể.

Theo bà, vì lẽ đó, Sơn Tùng không chỉ là nhà văn mà còn là nhà nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì thế ông mới có thể đưa ra những tư liệu (có thể nói là) đầu tiên về tuổi thơ của Bác Hồ. Nhà văn Sơn Tùng còn xây dựng mối tình trong trẻo và kín đáo giữa người thanh niên Nguyễn Tất Thành và Út Huệ.

Sau khi ra mắt vào năm 1982, ngay lập tức, tác phẩm gây ra những luồng tranh luận trái chiều. Có người khen, có người chê. Cuốn sách bị đình bản. Nhưng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đọc cuốn sách và giải tỏa phiền phức cho nhà văn bằng cách đồng ý cho tái bản. Thủ tướng còn đích thân viết lời tựa cho cuốn sách (mà nhiều năm sau đó nhà văn mới cho in).

Với nhà văn Lê Phương Liên, nhà văn Sơn Tùng là người đầu tiên đã viết tiểu thuyết lịch sử về một vị lãnh tụ mà từ trước đến nay, người ta thường tuyên truyền như một pho tượng thiếu sức sống. Trong tác phẩm của mình, ông đã dựng nên một hình ảnh rất đời thường, bình dị, “rất người” của một cậu bé, một chàng trai thành người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.

Một số cuốn sách của nhà văn Sơn Đồng in tại Nhà xuất bản Kim Đồng
Một số cuốn sách của nhà văn Sơn Tùng được nhà xuất bản Kim Đồng in và phát hành

Để làm được điều đó, nhà văn Sơn Tùng đã phải rất nhập vai với nhân vật của mình. Nhớ lại chuyến về thăm Nghệ An cùng cố nhà văn, được ông giải thích cặn kẽ những vật dụng đơn sơ trong nhà, những nếp sinh hoạt, văn hóa xứ Nghệ, nhà văn Lê Phương Liên nói, bà có cảm giác, để viết Búp sen xanh, ông đã sống thực sự trong căn nhà của Bác Hồ.

Nhà văn Lê Phương Liên cho rằng, nhà văn Sơn Tùng là một nhà văn đặc biệt, không giống các nhà văn khác, ở chỗ, ông viết về những nhân vật cao đẹp, sống ở tầm chí hướng lớn, không phải những nhân vật bình thường. Qua trang viết của ông, bật nổi hình ảnh một thế hệ, đặt Tổ quốc và dân tộc lên trên hết.

“Để làm được điều đó, nhà văn phải yêu quý, phải trọng nhân vật hết mình và cả cuộc đời nhà văn Sơn Tùng đã sống trọn vẹn với sứ mệnh viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đọc kỹ Búp sen xanh, sẽ thấm cả một giai đoạn lịch sử đặc biệt và con đường đi của Bác”, nhà văn Lê Phương Liên nói. Với bà, đó là sự độc đáo, cũng là vị thế của nhà văn Sơn Tùng khi viết về một đề tài không hề dễ viết.

 

Nhà văn Sơn Tùng viết nhiều đề tài nhưng thành công nhất là mảng sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài Búp sen xanh nổi tiếng, ông là tác giả của nhiều tiểu thuyết khác về Bác như Bông sen vàng, Trái tim quả đất và truyện ký Bác về, Nguyễn Ái Quốc qua ký ức một bà mẹ Nga… Ông còn là tác giả kịch bản phim Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng, được dựng phim Hẹn gặp lại Sài Gòn (đạo diễn Long Vân). Ông cũng là tác giả của bài thơ Gửi em chiếc nón bài thơ (1955), được nhạc sĩ Lê Việt Hòa phổ nhạc.

Năm 2011, ông là thành viên thứ 4 thuộc Hội Nhà văn Việt Nam được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Từ năm 2010, nhà văn Sơn Tùng bị xuất huyết não, yếu đi nhiều do vết thương cũ tái phát nên ông giao nhiều việc cho gia đình quyết định. Bà Phan Hồng Mai - vợ nhà văn Sơn Tùng đã làm hồ sơ xin xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho ông. Tháng 8/2011, nhà văn Sơn Tùng là một trong 56 tác giả lọt vào danh sách đề cử Giải thưởng Nhà nước. Tuy nhiên, vào ngày 18/8, gia đình nhà văn đã nộp đơn xin rút khỏi giải thưởng.

Theo thông tin từ gia đình, lễ viếng nhà văn Sơn Tùng (1928 - 2021) sẽ bắt đầu vào lúc 7g30 ngày 26/7 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 8g30 ngày 26/7, an táng tại nghĩa trang quê nhà (xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An).


Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI